Cuộc đua “bán mình” cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã khiến nhiều thương hiệu Việt đình đám một thời lui vào dĩ vãng
————
Kem đánh răng Dạ Lan của Công ty Hoá mỹ phẩm Sơn Hải do ông Trịnh Thành Nhơn phối hợp với kỹ sư Lưu Trung Nghĩa gây dựng và nổi như cồn vào đầu những năm 1990. Năm 1995, Tập đoàn Colgate (Mỹ) mua thương hiệu với giá 3 triệu USD dưới hình thức liên doanh, trong khi định giá thương hiệu này trên 20 triệu USD và chỉ mất 3 tháng để “xóa sổ” cái tên Dạ Lan, thay bằng thương hiệu Colgatevẫn rất thân quen với người tiêu dùng hiện nay.
Chủ nhân hiện nay của Dạ Lan là Công ty CP Hóa mỹ phẩm Quốc tế ICC cũng do ông Trịnh Thành Nhơn thành lập. ICC đang nỗ lực để không bị tụt lại quá xa so với các doanh nghiệp cùng ngành thông qua đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát thị trường để hỗ trợ đội ngũ kinh doanh…
Sự trở lại của cục xà bông màu xanh lá in hình người phụ nữ búi tóc cao cùng ông chủ mới là một tập đoàn bất động sản khiến nhiều người không dám đặt hy vọng quá lớn. Nhưng đây vẫn được coi là sự trở lại có ý nghĩa tinh thần đối với một bộ phận người dân khi nó gợi nhớ đến slogan quảng cáo một thời được ông Trương Văn Bền lựa chọn để đánh vào lòng yêu nước, tự hào dân tộc: “Người Việt Nam nên xài xà bông của Việt Nam”.
Thực tế, sau gần 1 năm trôi qua kể từ khi An Dương Thảo Điền công bố đưa tên “xà bông Cô Ba” sống dậy, sản phẩm thuần Việt nức tiếng một thời vẫn chưa có thêm được bước tiến triển đáng kể nào. Thậm chí, doanh nghiệp này không dám rót thêm vốn cho xà bông Cô Ba bởi không còn nhiều nguồn lực cho thị trường tiêu dùng nhanh.
Tribeco trước khi bị Uni-President Việt Nam – công ty con của Uni-President Đài Loan – Trung Quốc thâu tóm, đã có lịch sử 20 năm hoạt động hiệu quả. Đây cũng là DN lên sàn chứng khoán khá sớm với mã cổ phiếu TRI và liên tục được đánh giá là cổ phiếu tốt.
Năm 2005, Tribeco bán 35% cổ phần cho “đại gia” bánh kẹo Kinh Đô và xây thêm 2 nhà máy lớn là Tribeco Bình Dương và Tribeco Miền Bắc.
Đầu năm 2007, bán thêm 15% cổ phần cho đối tác đến từ Đài Loan là Uni-President. Năm 2012, đối tác Đài Loan Uni-President kiểm soát toàn bộ thương hiệu nước giải khát này, biến Tribeco thành một thương hiệu không còn “thuần Việt”.
Sau khi bán lại 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International với với giá khoảng 370 triệu USD, Công ty CP Kinh Đô đổi tên thành Công ty CP tập đoàn KIDO.
Bibica bị tập đoàn Lotte tiến hành thâu tóm trong khoảng thời gian khá dài. Từ việc nắm giữ 30,15% vốn điều lệ của Bibica năm 2007, tới 2012, không cần sở hữu đến 49%, Lotte đã nắm giữ vị trí chủ chốt và quyền điều hành quan trọng nhất trong Bibica.
Hiện nay, PAN Group trở thành công ty mẹ của thương hiệu nổi tiếng với dây chuyền sản xuất bánh Choco Pie và nắm giữ tỉ lệ sở hữu trên 50%.
Thương hiệu Việt lâu đời với trên 200 sản phẩm, 120 nhà phân phối độc quyền, 115.000 điểm bán lẻ, sản phẩm có mặt tại 500 siêu thị lớn nhỏ, cửa hàng tiện lợi trên cả nước sẽ tiếp tục được PAN Group phát triển vững mạnh như chiến lược mà doanh nghiệp này công bố.
Trong khi đó, Fivimart và Citimart về tay Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản và cuộc “hôn nhân” này cũng không thực sự thành công. Fivimart có 3 năm tài chính liên tiếp đều ghi nhận lỗ ròng, nợ phải trả ngang bằng với tổng tài sản của công ty ở mức hơn 800 tỉ đồng. Citimart cũng lỗ lũy kế lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Kết cục, Aeon chia tay Fivimart năm 2018 bởi “trong phương hướng, tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của hai công ty có sự khác nhau rõ ràng”. Với Citimart, nhà bán lẻ Nhật vẫn duy trì hợp tác dù triển vọng không mấy sáng sủa.