Khởi nghiệp đừng mang tư duy ‘xin tiền’ đi gọi vốn

Đặng Hoà/ Báo The Leader
 
Các chuyên gia cho rằng giữ tư duy “xin tiền” khi đi gọi vốn là sai lầm

—–

Trong kinh doanh luôn có nhiều đối tác cùng hợp tác để chia sẻ lợi ích. Hợp tác có nhiều cách, đầu tư vốn là một cách thông thường.

Đầu tư vốn trước hết là ngân hàng. Khi bước vào kinh doanh, theo thói quen, chúng ta thường nói vay vốn ngân hàng. Nhưng nói như vậy là không chính xác, mà phải nói rằng ngân hàng cùng đầu tư vốn và chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp.

Trong phi vụ đầu tư này, cả hai bên đều phải chấp nhận rủi ro. Nếu doanh nghiệp làm ăn suôn sẻ thì ngân hàng được chia lãi đều đặn theo hợp đồng tín dụng, còn doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, đương nhiên ngân hàng cũng gặp khó khăn.

Có một cách hợp tác khác, đó là nhà đầu tư bỏ vốn trực tiếp vào doanh nghiệp, đặc biệt là các start up. Có nhiều giai đoạn khác nhau để start up gọi vốn, các nhà đầu tư phân tích chiến lược kinh doanh, sản phẩm hoặc dịch vụ, rồi đi đến quyết định đầu tư hay không.

Lợi nhuận sinh ra từ kinh doanh chia công bằng trên tỉ lệ đầu tư vốn, đó là thỏa thuận của hai bên căn cứ vào các quy định của pháp luật.

Như vậy, quá trình huy động vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp không phải là đi xin nhà đầu tư, mà là lựa chọn nhà đầu tư để hợp tác làm ăn trên cơ sở hai bên đều có lợi.

Start up có bản lĩnh, tự tin vào sản phẩm, chiến lược kinh doanh và đội ngũ quản lý của mình, thì không phải chạy đi xin xỏ, mà ngồi thẩm định hồ sơ của các nhà đầu tư để lựa chọn ai sẽ là người đủ điều kiện mời hợp tác.

Các nhà đầu tư cũng nhạy bén lắm, họ cố gắng chứng minh năng lực tài chính và sẵn sàng làm hài lòng các satrt up triển vọng để được một suất đầu tư.

Trần Quí Thanh

—–

Gọi vốn thành công nhất là dù chỉ ngồi ở công ty vẫn có nhiều người tìm đến tranh nhau xin được đầu tư, cũng như câu chuyện thị trường, thuận mua thì vừa bán.

“Thời điểm nào doanh nghiệp nên quan tâm đến việc đi gọi vốn?”, “Gọi vốn như thế nào?”, “Làm sao để gọi vốn thành công?” là những câu hỏi thuộc mối quan tâm lớn nhất của các startup hiện nay vì vấn đề tài chính để duy trì và phát triển công ty vẫn luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Nhiều startup, đặc biệt trong mảng công nghệ, đã trở thành những bài học sáng giá cho cộng đồng startup Việt Nam trong một vài năm gần đây vì những lần gọi vốn triệu đô thành công, vì sự phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn tấn công và khát khao thống lĩnh thị trường các nước trong khu vực.

Từng có nhiều kinh nghiệm gọi vốn thành công với những khoản đầu tư lớn nhỏ, từ nửa triệu lên tới hàng chục triệu USD, ông Nguyễn Hữu Tuất, Nhà sáng lâp & Chủ tịch của FastGo cho rằng, gọi vốn là một quy trình không ai có thể lên kế hoạch chính xác có thành công hay không và sẽ gọi được bao nhiêu.

Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào việc đi gọi vốn khi làm kinh doanh thì khả năng thành công thường không cao. Theo ông Tuất, nguồn vốn tốt nhất đến từ chính khách hàng.

Bên cạnh đó, vị doanh nhân sinh năm 1983 chỉ ra rằng trong giới startup vẫn đang có tư duy “đi xin nhà đầu tư”, đây là một điều sai lầm.

“Làm gì có chuyện xin nhà đầu tư, chúng ta đang mua bán cơ mà, được giá thì bán, có lời thì bán”, Nhà sáng lập của FastGo Việt Nam khẳng định tại hội thảo Vietnam Startups Go Global do Câu lạc bộ iMentor – hệ sinh thái khởi nghiệp EMI và VAG Media phối hợp tổ chức.

Có cùng quan điểm, ông Trần Anh Vương – nguyên Tổng giám đốc Sam Holdings (shark Vương) cho rằng sẽ khó nhận được đầu tư nếu startup mang tư duy “xin tiền” đi gọi vốn.

Theo ông Vương, người đi xin phải là các “shark-cá mập” – những người nhìn thấy được tiềm năng lớn từ startup. Gọi vốn thành công, theo shark Vương, không phải là đi đây đi đó, gọi được bao nhiêu vốn mà là dù không nói gì các nhà đầu tư cũng tự tìm đến đổ tiền.

“Hoặc chỉ đơn giản là gặp nhau, kể một vài câu chuyện bâng quơ cũng đủ để đối phương nhìn thấy được giá trị của doanh nghiệp và muốn đầu tư. Đó mới là gọi vốn thành công”, ông Vương nhìn nhận.

Một trường hợp xảy ra khá nhiều trong thời gian qua là nhiều startup đi gọi vốn một cách ngẫu hứng, có những khi không thực sự thiếu tiền và cũng chẳng có kế hoạch đầu tư cụ thể. Một số người chỉ xem việc gọi được vốn như một cách để lấy oai và khoe mẽ. Ông Vương cho rằng điều này là rất nguy hiểm.

“Thành công không bao giờ có công thức, chỉ có thất bại mới có công thức. Thay vì tìm công thức thành công, hãy tìm hiểu tại sao thất bại để tránh. Đi gọi vốn tránh để rơi vào những trường hợp chắc chắn thất bại là được”, shark Vương nhìn nhận.

Từng gọi vốn thành công từ hai quỹ đầu tư lớn ESP Capital và Nextrans với nền tảng kết nối bán hàng trực tuyến Ecomobi vào cuối năm 2018, bà Đỗ Kim Dung, đồng sáng lập kiêm giám đốc phát triển kinh doanh của Ecomobi cho rằng thời điểm gọi vốn còn phụ thuộc vào quyết định và định hướng của người lãnh đạo.

Từ kinh nghiệm của chính công ty mình, bà Dung cho rằng doanh nghiệp mơ đến đâu thì gọi vốn đến đó. Chẳng hạn, thời điểm Ecomobi mới thành lập chỉ có 10 nhân sự ngồi ở một văn phòng nhỏ nhưng đã mong muốn thống lĩnh luôn thị trường Indonesia ở mảng tiếp thị liên kết (affiliate marketing). 

Khách hàng trả tiền theo tháng nhưng lại phải trả tiền cho các đối tác theo tuần là lý do khiến Ecomobi cần rất nhiều tiền, đó cũng là thời điểm bắt buộc phải gọi vốn.

“Mãi đến sau này khi làm dự án mới độc lập hoàn toàn và mọi người xác định dự án phải nuôi được toàn đội ngũ thì việc gọi vốn mới tiếp tục được tiến hành. Thời điểm gọi vốn còn tuỳ sản phẩm và định hướng của lãnh đạo”, bà Dung cho biết.

Để gọi vốn thành công, các chuyên gia cho rằng trung thực với chính mình và các nhà đầu tư sẽ luôn là yếu tố được đánh giá cao. 

Kể cả gọi vốn hay đi xin tiền đầu tư từ các quỹ, Chủ tịch của FastGo khẳng định doanh nghiệp phải có ý tưởng thật đắt, phải có giá trị thay vì đi sao chép ý tưởng của người khác và nhận là của mình trong khi không thể chứng minh khả năng thực thi cũng như không chỉ ra được điều cốt lõi trong ý tưởng.

Như CEO GoViet Lê Diệp Kiều Trang từng nhìn nhận, sẽ không có gì sai nếu hôm nay chỉ mới có bấy nhiêu đó ý tưởng. Quan trọng là tinh thần học hỏi và chứng minh được triển vọng lâu dài.

Việc sao chép ý tưởng không sai nhưng điều quan trọng là đừng nói những điều không đúng, đừng cố tỏ ra sản phẩm của mình khác biệt mà hãy đầu tư vào con người. Còn nếu đã mạnh về công nghệ thì nên đầu tư vào những sản phẩm có lượng chất xám lớn, công nghệ không hề có biên giới và các nhà đầu tư cũng chẳng phân biệt đối xử giữa khu vực này với khu vực kia, đất nước này với đất nước kia. 

Bà Trang cho rằng điều cần chứng tỏ là khả năng thực hiện cao hơn những doanh nghiệp có cùng ý tưởng. 

NGUỒN: Theo Báo The Leader
Link bài: Khởi nghiệp…
(https://theleader.vn/khoi-nghiep-dung-mang-tu-duy-xin-tien-di-goi-von-1561354209095.htm)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *