Trong dân gian xưa, có câu ca: “Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa lại quét lá đa” để phản ánh cho tục lệ cha truyền con nối. Nhiều người vẫn cho rằng những đứa trẻ khi được sinh ra trong một gia đình giàu có sẽ đương nhiên được thừa kế cơ nghiệp của cha mẹ sau này. Tuy nhiên, tại Tập đoàn Tân Hiệp Phát lại không tồn tại những quan điểm ấy. Ông chủ của Tân Hiệp Phát có những phương pháp vô cùng nghiêm khắc trong việc dạy con ngay từ khi còn nhỏ để giúp các con của ông hiểu được nếu không tự mình cố gắng thì sẽ không có gì trong tay dù bạn là ai đi nữa, có thể tự lập và bản lĩnh để tiếp quản doanh nghiệp gia đình mà cha mẹ đã dày công có được.
Được thành lập từ năm 1994, được biết đến là một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp gia đình và cho đến nay vẫn là một doanh nghiệp gia đình kinh doanh hiệu quả và thành công tại Việt Nam, Tân Hiệp Phát đã ghi dấu sự phát triển vượt bậc của một thương hiệu Việt vươn tầm ra thế giới. Bên cạnh đó, chuyện dạy con của ông Trần Quí Thanh cũng là một chủ để thu hút nhiều sư quan tâm của công chúng. Cách rèn giũa con được coi là nghiêm khắc của người cha này đã tạo nên những đứa trẻ “được sống một cuộc đời ý nghĩa”.
Về quan điểm đào tạo thế hệ thừa kế Tập đoàn Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh chia sẻ: “Quan điểm của tôi là cần cho con biết giá trị sự đúng, không đúng, giữa thưởng và phạt. Thương con muốn con là tương lai của mình thì phải đào tạo, phát triển và rèn giũa để con trưởng thành, thế hệ sau giỏi hơn thế hệ trước. Qua nhiều giai đoạn để xây dựng lực lượng kế thừa”. Đây là kim chỉ nam trong cách dạy con kiểu Dr Thanh thống nhất suốt những năm niên thiếu của ba đứa trẻ. Cũng giống như những ông bố khác yêu thương con hết lòng, tuy nhiên đối lập với sự yêu thương có phần chiều chuộng con cái thì ông Thanh lại bày tỏ tình yêu thương con cái theo cách nghiêm khắc và cứng rắn. Ông Thanh đã từng chia sẻ “Tôi thấy mình khó với con quá” sau khi đọc tâm sự của cô con gái lớn Trần Uyên Phương trong cuốn sách về gia đình mình.
Với ông Thanh tuyệt đối không nuôi con theo kiểu cung phụng, chiều chuộng con, suốt đời lo lắng cho con, bảo vệ con và mải miết lo kiếm tiền để con được hưởng một cuộc sống ấm no nhất. Đó không phải là yêu con mà chính là đang hại con, suốt đời những đứa trẻ ấy khó có thể trưởng thành được, luôn dựa dẫm chờ vào sự bao bọc của cha mẹ. Ông tuyệt đối không biến con thành “cái rốn của vũ trụ” bởi với ông, đó là cách làm con cái mau hư hỏng nhất. “Không ai phục vụ các con hết, tự các con phải phục vụ lấy các con và phục vụ người khác” – ba đứa trẻ nhà ông Thanh thuộc làu làu câu nói này của bố.
Với sự nghiêm khắc của người cha, ba người con của ông chủ Tân Hiệp Phát từng đã rất sợ ba. “Đó là người mà suốt nửa đầu tuổi trẻ, tôi sợ hãi nhiều hơn là yêu thương” – Uyên Phương từng nói như vậy về ba Thanh của mình. Chia sẻ về cha, cô tâm sự trong cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh” rằng có những lúc trong quá khứ, cô đã cảm thấy sợ và ghét cha vì ông “ít dành thời gian và tình thương cho gia đình thân yêu của mình”. Tuy nhiên, sau này cô dần thấu hiểu và yêu thương cha nhiều hơn. Cô cảm thấy may mắn vì là con của ông Trần Quí Thanh, cảm ơn cha đã nuôi dạy để cô trở thành một nhà lãnh đạo chứ không phải một nàng công chúa.
Nói về cách dạy con của mình, ông Thanh chia sẻ: “Cái nhìn của con cái là thấy khắc nghiệt, còn cái nhìn của tôi khác. Tôi vẫn quan niệm là con người ta không có năng lực gì cả. Năng lực là do đào tạo huấn luyện mà thôi, nên những người có năng lực rất cao chắc chắn phải rèn luyện rất dữ’. Sau khi du học trở về, hai cô con gái của ông Thanh phải bắt đầu những công việc vô cùng khiêm tốn trong Công ty, rồi từng bước khẳng định bản thân với cha của mình. Họ luôn luôn phải làm việc từ sáng sớm đến tận đêm muộn, làm việc quần quật không dưới 16 tiếng mỗi ngày nhưng phải khó khăn lắm mới được nhận lương như những người khác, thậm chí phải tranh đấu mới có mức thu nhập như lẽ ra cần phải có.
Trong cách quản lý và dùng người của ông Thanh thì ngay cả người nhà cũng bị “kiểm toán”. Hai cô con gái Uyên Phương và Ngọc Bích là người phụ trách mua hàng và marketing nhưng vẫn trải qua những khâu kiểm toán như bao người. Mục tiêu là để xây dựng một công ty bền vững và là quân pháp bất vị thân. Hơn ai hết, những người con của nhà Dr Thanh hiểu chỉ có sự quyết đoán và kỷ luật như vậy, Tân Hiệp Phát mới trở thành công ty gia đình đạt chuẩn quản trị quốc tế.
Chính việc trao cho con cơ hội để quyết định và tự chịu trách nhiệm của mình, ông Thanh đã khiến những đứa con cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn. Nhờ vậy, cô con gái lớn Trần Uyên Phương của ông hiện nắm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn sau một hành trình cố gắng đầy vất vả, bắt đầu từ những vị trí thấp nhất ở Tân Hiệp Phát. Đồng thời, cô cũng là thành viên của tổ chức Các nhà lãnh đạo trẻ (YPO), Lãnh sự danh dự của Cộng hòa Sudan tại thành phố Hồ Chí Minh.
Yêu thương con nhưng phải thật tỉnh táo để có những biện pháp nuôi dạy con tốt nhất, để con khôn lớn trưởng thành bằng chính năng lực bản thân. Với ông Trần Quí Thanh, ông đã lựa chọn sự nghiêm khắc và cứng rắn để giúp con đủ mạnh mẽ để tin rằng bằng năng lực của mình, con tự do đi trong đời, không bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì, đến khi nhắm mắt vẫn tự hào vì đã “sống một cuộc đời thực sự đáng sống!”.