Trần Uyên Phương: Phải giữ gìn sứ mệnh và giá trị cốt lõi của gia đình

Hồng Đăng – 7Pm/ Báo Tri Thức Trẻ 

 

“Ba tôi nói rằng, may mắn vì ở trong một gia đình thành công. Còn bạc phước vì công ty ngày càng lớn, trách nhiệm càng nặng. Không đủ bình tĩnh và bản lĩnh thì khó lòng chèo lái con thuyền ra biển lớn” – Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát chia sẻ.

Người ta vẫn bảo những người như Trần Uyên Phương sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt của người được cho là “trúng số cuộc đời” vì gia đình rất có điều kiện, hay nôm na là con cái nhà giàu. Mọi người thường gọi cô là “công chúa” hay “cô Hai” mỗi khi nhắc tới. Nhưng đó là cách người ngoài nhìn vào những đứa con nhà họ Trần, tựa như cái bánh kem xếp hàng trong tủ kính.

Số đông luôn nghĩ những người như cô muốn gì cũng được. Nhưng nếu từng quan tâm tới chuyện nhà Dr Thanh, ai cũng hiểu, không có chuyện con gái rượu nhà ông Quí Thanh được đi học nước ngoài mà không phải quan tâm gì đến học phí; được người khác chăm sóc, săn đón từ bé đến lớn; hay tha hồ đỏng đảnh rong chơi, ném tiền qua cửa sổ. Chắc chắn không có chuyện đó ở trên đời.

Thứ mà những người con nhà Dr Thanh nhận được thật ra khó có thể đo đếm, định lượng. Bởi đó là sự yêu thương máu mủ, sự dìu dắt, dẫn đường và truyền cảm hứng sống – làm việc từ những bậc làm cha, làm mẹ.

 

Ví như khi sống với ba Thanh, Uyên Phương và các em luôn cảm thấy mình nhỏ bé. Không phải bởi ông Thanh là cha nên luôn lớn hơn, cũng không phải vì ông là doanh nhân thành đạt, người thầy tận tâm chỉ dạy. Mà vì chưa bao giờ cô nghe ông kể kể hay trách cứ bất cứ ai đã đi qua cuộc đời Dr Thanh.

Với ông, mọi thứ đều là bài học tốt cho cuộc sống và công việc. Gian khó với ông là thứ rất quen thuộc. Luôn có một câu ngắn gọn là “cửa miệng” của người cha này: “Không gì là không thể”.

Ông Quí Thanh luôn hứng chịu tất cả với thái độ bình tĩnh và che chở. Vì từng trải và dự cảm cho tương lai rất dài nên ông thường rất cứng nhắc nhưng luôn tỉnh táo và vô cùng quyết liệt.

Cũng bởi vậy, khi đi qua sóng gió, có những lúc khó khăn tưởng chừng như rất khó gượng dậy, các con ông học được ở cha nghị lực sống mạnh mẽ, sự chấp nhận nhìn ra sai lầm, thái độ không oán trách, không đổ lỗi.

 

Sau này, khi trưởng thành, Uyên Phương mới nhận ra không phải chỉ khi bước ra thế giới, cô mới được học. Mà quá trình học hỏi thật sự đã bắt đầu từ khi mới sinh ra và còn chưa hề ý thực được về sự dạy và sự học của trường đời. Trong đó, ba cô là người thầy “ra thầy”, không hề lộ chiêu thức nhưng thực sự đã dẫn dắt được hò trò bước vào bài học, sống, trải nhiệm và lớn lên trong những bài học.

Trong công việc, điều quan trọng nhất mà Uyên Phương học được từ ba, đó là tạo ra sự khác biệt. Không cung ứng cho thị trường những sản phẩm mình có, chỉ cung ứng những sản phẩm thị trường cần và không bắt chước ai. Nhờ có những chiến lược tạo sự khác biệt này, Tân Hiệp Phát đã có những lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.

Còn với người mẹ Phạm Thị Nụ, đó là tấm gương giỏi giang, đảm đang, bao dung và tha thứ. Đến mức Uyên Phương có cảm giác đứng trước má chẳng khác nào đứng trong căn phòng ở trên độ cao chóng mặt, bao bọc bởi tấm cửa kính quá lớn. Soi mình vào đó, cô vừa yêu thương vừa nể phục bởi làm phụ nữ như vậy khó quá.

 

Dường như hiểu và cảm nhận đúng đắn sự may mắn của mình, Uyên Phương viết trong Chuyện nhà Dr Thanh rằng: “Mỗi chúng ta có chọn được cha mẹ cho mình không? Và các bậc cha mẹ có được quyền chọn con cái cho mình hay không? Đó là quyền năng vượt ngoài ý muốn của chúng ta.

Ngay cả khi bị sốc nặng đến mấy, tâm hồn tổn thương đến mấy, tôi vẫn đinh ninh cha mẹ là cha mẹ, mà không phải bất cứ con người nào khác trong số hàng tỉ người trên Trái đất. Cũng vậy, ba má tôi dù có giận ba chị em tôi đến mấy, họ cũng không bao giờ từ chối con cái của mình.

Tôi giữ niềm tin ấy suốt cuộc đời, ngay cả những khi buồn tủi nhất. Tôi nghĩ thật đơn giản, với tôi, ba má tôi là ba Thanh, má Nụ. Vậy thôi, tôi không thích gọi kèm theo tên họ là ông bán vé số, bàn bún ốc, là tỷ phú hay chính trị gia”.

 

Trải qua quá nửa đời người, ông Thanh hiểu rằng, những đứa con trong gia đình mình vừa may mắn, vừa “bạc phước”. Điều may mắn có lẽ ai cũng hiểu, còn “bạc phước” thì sao? Công ty càng thành công, càng lớn mạnh, tính phức tạp càng cao, trong khi sự trải nghiệm của các con chưa chắc đã đủ. Chưa kể, trách nhiệm đè lên vai thế hệ kế cận ngày càng nặng.

Mà rõ ràng, chịu trách nhiệm trên thành quả của gia đình là sự thách thức, sự hy sinh để giành nhiều thời gian trang bị thêm những kinh nghiệm. Bởi vốn sống không bao giờ là đủ. Nếu không có những điều đó, thật khó để lèo lái con thuyền ra biển lớn.

Nhìn thấu sự “bạc phước” của các con, người làm cha như ông Thanh đã nhiều lần trăn trở. Thời điểm quyết định xây dựng thêm ba nhà máy mới ở Hà Nam, Quảng Nam và Hậu Giang là giai đoạn ông nhiều trăn trở nhất.

 

Uyên Phương từng kể, rất nhiều đêm, hai ba con cô chuyện trò tới gần sáng, thế mà mới chừng năm giờ, cô đã giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng ba lại gần cửa phòng. Một hôm, không giữ được những thắc mắc trong lòng, Phương hỏi thẳng:

 – Thật sự, con không hiểu tại sao ba cứ băn khoăn mãi về chuyện làm hay không làm? 

 – Đây là dự án mà nếu ba đầu tư thì các con sẽ là người phải trả, chứ ba không thể trả được nữa. Đặt cược “ván bài” này sẽ là một số tiền rất lớn. Đó sẽ là một kế hoạch dài hơi, nâng tầm Tân Hiệp Phát nhưng đó là kế hoạch của đời sau, chứ ba chưa chắc đã có thể hoàn thành. 

Ông Thanh từng dạy con, đời người có 2 loại tình huống xảy ra. Loại thứ nhất là nghi ngờ, nhút nhát thì không bao giờ thành công. Loại thứ hai là rất liều mạng thì chắc chắn thất bại. Giữa nhút nhát và liều mạng thì nên nhút nhát. Vì ít nhất giữ cái ta có nhưng đó không phải kiểu người lý tưởng.

 

Lý tưởng là người biết khi nào thì nhút nhát, khi nào thì cẩn trọng và khi nào thì phải mạo hiểm. Phải nắm bắt được kỹ thuật để từ mạo hiểm tìm ra những thứ thành công rộng lớn ẩn sau đó. Nhưng khi làm, hãy dự định trường hợp xấu nhất là thất bại thì ta có treo cổ không, nếu treo thì đừng làm.

Còn không treo cổ thì ta chơi, thua thì mất nửa sự nghiệp cũng không sao cả. Muốn gấp 4 lần sự nghiệp, thua nửa có sao đâu. Còn nếu sợ mất nửa thì không bao giờ có cú nhảy vọt đó. Chấp nhận rủi ro, “chơi” với rủi ro mới có thành công lớn. Đó là cái khó mà ông dành rất nhiều thời gian để rèn luyện cho các con.

 

Thành công nào mà chẳng có thất bại nhưng người khôn là người học tập được từ thất bại của mình. Người khôn hơn là người học tập từ thất bại của người khác. Học tập được ta sẽ không thất bại những chưa chắc đã thành công, người khôn ngoan nhất là người học tập được từ thành công của người khác.

Với ông Thanh, việc vừa cho con trải nhiệm, vừa cho học tập và quản trị, biết cách thức lao vào để khai thác cơ hội, để giữ được cái mà ta có, đồng thời có đủ bản lĩnh để vượt qua cạm bẫy của cuộc đời là điều vô cùng cần thiết. Bởi khối tài sản lớn khiến chúng như người chịu trách nhiệm giữ kho báu. “Trước nhiều người săn kho báu, người giữ phải có bản lĩnh, không thì mệt”.

Bên cạnh đó, thế hệ F2 còn phải giữ gìn sứ mệnh và giá trị cốt lõi của gia đình. Đó là làm việc chăm chỉ – hàm ý đề cập đến kết quả hơn là sự sở hữu. Đóng góp, tạo ra sự khác biệt cho nhiều người khác – hàm ý suy nghĩ lớn hơn cái tôi của bản thân. Chính trực – trân trọng lời nói của bản thân. Tinh thần không gì là không thể. Sự lãnh đạo – là một phần của mục tiêu lớn của cả nhóm. Là gia đình – hàm ý thành viên sống cho sự thành công của gia đình, sống với mục đích trách nhiệm để làm cho mọi thứ tốt hơn cho cả gia đình.

 

NGUỒN: Theo Báo Tri Thức Trẻ

Link bài: Trần Uyên Phương: Phải giữ gìn…

(http://ttvn.vn/kinh-doanh/tran-uyen-phuong-nguoi-ta-noi-chung-toi-trung-so-cuoc-doi-con-ba-bao-lam-con-dr-thanh-may-man-that-nhung-cung-bac-phuoc-day-4201918774250415.htm)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *