Thanh Thanh/ Báo VnExpress
—–
Tập đoàn trả cho một TVC quảng cáo khoảng 100.000 USD, chi phí phát sóng có thể gấp 10 lần và đội ngũ marketing phải đảm bảo không để phí một giây nào.
Bà Trần Uyên Phương – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát tham gia tọa đàm ‘Làm gì để có thương hiệu mạnh?’ diễn ra sáng 7/9 tại Hà Nội. Sự kiện có sự góp mặt của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, học giả, chuyên gia, nhà văn hóa…
Thay đổi tư duy nhân lực
Tại đây bà Uyên Phương chia sẻ câu chuyện của riêng Tân Hiệp Phát. Theo bà, chủ đề buổi tọa đàm là vấn đề được Tân Hiệp Phát đặt ra cách đây 10 năm trước. Khi đó, doanh nghiệp tuyên bố đầu tư 300 triệu USD xây dựng 10 dây chuyền hiện đại nhất thế giới của ngành nước giải khát. Giới trong ngành ví đó là công nghệ thế kỷ 21 nhưng gần như không nhiều người tin Tân Hiệp Phát làm được. Nhưng lúc này doanh nghiệp đã chứng minh bằng chất lượng sản phẩm.
“Chúng tôi tin chất lượng sản phẩm chính là nền tảng giá trị của Tân Hiệp Phát. Và sản phẩm có lợi cho sức khỏe sẽ định vị thị trường cho hàng chục năm sau. Điều này không chỉ cho ngành nước uống, thực phẩm mà còn những lĩnh vực khác”, bà Uyên Phương nói. “Chúng tôi muốn làm rõ một ý là chất lượng được đánh giá qua máy móc công nghệ là chưa đủ, mà phải từ công nghệ quản trị, bởi vì kiểm soát quá trình là một trong những yếu tố quan trọng”.
Phó tổng giám đốc của Tân Hiệp Phát bày tỏ sự tự hào bởi là một trong số doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam và khu vực tiếp cận nhiều kiến thức mới trong quản trị. Ví dụ như quy trình 6 bước thay đổi dịch vụ mà công ty triển khai hồi 2018. Thay đổi tư duy dịch vụ là vấn đề khó bởi thay đổi tư duy toàn bộ tổ chức và liên quan đến câu chuyện chuyển giao thế hệ tiếp nối của doanh nghiệp. “Không chỉ chuyển giao thế hệ từ nhà sáng lập sang con cái, mà làm sao cho những thế hệ tiếp theo là lãnh đạo và nhân viên kế thừa nếu hiểu được văn hóa, giá trị của tổ chức đó thì doanh nghiệp mới có thể duy trì được hàng trăm năm”, bà Phương nói.
Hiện Tân Hiệp Phát triển khai là hệ thống phức hợp về xây dựng đội ngũ nhân sự trong đó có mức đánh giá lãnh đạo với kỳ vọng đào tạo ra những con người thật sự có thể kế thừa giúp doanh nghiệp tồn tại hàng trăm năm. Với bà Uyên Phương, đây là một trong những khát vọng mà bà cùng đội ngũ lãnh đạo Tân Hiệp Phát đang nỗ lực thực hiện.
Chuyên nghiệp trong marketing
Quan tâm đến phản hồi từ khách hàng cũng là cách Tân Hiệp Phát phát triển thương hiệu. Tập đoàn có một kênh truyền thông riêng ghi nhận sự thay đổi thái độ của khách hàng. Doanh nghiệp tiếp xúc với hàng chục triệu khách hàng. Và cách họ làm là phải để khách hàng có thể hiểu sản phẩm, giá trị doanh nghiệp trong một thời gian ngắn nhất.
Để ra được một TVC quảng cáo tập đoàn mất khoảng 6 tháng, ngân sách tốn khoảng 100.000 USD. Chi phí để phát TVC có thể lớn hơn 10 lần. Đội ngũ marketing của công ty phải cắt từng giây một để đảm bảo trong 30 giây không có giây nào thừa. Đó là cả một quá trình làm việc nghiêm túc của đội ngũ khoảng 70 người. “Nếu như khách hàng không thể hiểu chúng tôi trong 15-30 giây TVC quảng cáo thì chúng tôi không thể bán được sản phẩm”, bà nói.
Lãnh đạo Tân Hiệp Phát tóm gọn quá trình xây dựng thương hiệu sau hơn 2 thập kỷ trong 7 tiêu chí tập đoàn đạt được gồm: Vai trò của lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp; chiến lược hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp; chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường; đo lường, phân tích và quản lý tri thức; quản lý, phát triển nguồn nhân lực; quản lý quá trình hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp; kết quả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.
“Tất cả những gì mà chúng tôi triển khai đều nhất quán trong vòng 25 năm vừa qua và chúng tôi khao khát có một thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt có thể tồn tại được hàng trăm năm”, bà Uyên Phương nói.
NGUỒN: Theo Báo VnExpress
Link bài: Lãnh đạo Tân Hiệp Phát…
(https://vnexpress.net/kinh-