PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam/ Báo DNSG
—–
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 khép lại với những hy vọng của giới doanh nghiệp tư nhân về một môi trường kinh doanh sáng sủa. Nơi mà những ý tưởng được chắp cánh, những khó khăn được giải quyết, những thành tựu được nâng niu. Tuy nhiên, đâu đó vẫn không hết sự hồ nghi dù trong không khí cởi mở của Diễn đàn, khu vực kinh tế tư nhân đã nhận được nhiều cam kết từ phía Nhà nước về sự hỗ trợ tận tình để phát triển tốt trong thời gian tới. Báo Doanh nhân Sài gòn đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam về tâm tư, nguyện vọng của giới doanh nghiệp tư nhân.
Nhiều ý kiến trong giới doanh nhân cho rằng: môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy đã có nhiều cải thiện tích cực nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản, đặc biệt là với khu vực tư nhân, ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
Có thể nói môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay là khá hấp dẫn cho đầu tư và kinh doanh. Trong bối cảnh thế giới và khu vực gần đây xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, xung đột, tranh chấp và nguy cơ chiến tranh thương mại môi trường kinh doanh của Việt Nam có thể nói là ổn định. Việt Nam vẫn ở trong thời kỳ dân số vàng, nhóm dân số trẻ trong độ tuổi lao động tốt vẫn chiếm lệ cao trong cơ cấu dân số. Theo đó tạo nên lực lượng lao động dồi dào và sẵn sàng, là yếu tố then chốt có tính quyết định để các doanh nghiệp, nhà đầu tư xem xét quyết định việc đầu tư, kinh doanh. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP ở mức trên 6,5% còn rất nhiều dư địa cho đầu tư phát triển tạo sức hấp dẫn không chỉ với các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp và doanh nhân lớn trong nước mà còn hấp dẫn các bạn trẻ, các nhóm khởi nghiệp kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam gần đây đã nỗ lực điều chỉnh, cải thiện các chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh, như là điều chỉnh và sửa đổi cơ chế, chính sách pháp luật, chú trọng tập trung cải cách thủ tục hành chính và đã bước đầu thực hiện chính phủ số, văn phòng điều hành không giấy tờ với việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến người dân, doanh nghiệp tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính phủ Việt Nam đã coi trọng và quyết liệt hành động rất cụ thể trong khâu hội nhập quốc tế, thành tựu rất lớn như đã hoàn tất đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đang tiếp tục một số hiệp định FTA với khu vực lớn, đồng thời rất coi trọng việc phổ biến nội dung này tới cộng đồng doanh nghiệp, có sự quan tâm hỗ trợ đáng kể cho doanh nghiệp. Qua đó cũng thúc đẩy cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh.
Với những lợi thế, thuận lợi trên, song chúng tôi cũng mong muốn môi trường kinh doanh được cải thiện nhanh hơn nữa và nhất là sự đồng bộ trong khâu cải cách thủ tục hành chính. Làm sao mà sớm xây dựng đồng bộ và trực tuyến hóa được công tác hành chính liên quan đến người dân và đặc biệt là doanh nghiệp. Có sự hỗ trợ và cuộc tích cực, thiết thực hơn nữa của các cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp trong khâu hội nhập quốc tế như, hỗ trợ tư vấn hội nhập, nghiên cứu thị trường quốc tế, xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển kinh doanh ở ngoài nước,…; Được như vậy sẽ tạo nên sự tương tác tích cực giúp cải thiện và thúc đẩy môi trường kinh doanh Việt Nam hội nhập, đạt các chỉ số tiến bộ ngang bằng, thậm chí cạnh tranh cao so với môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao ở quốc tế.
*Mặc dù được đánh giá là khu vực kinh tế năng động có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước nhưng dường như khu vực kinh tế tư nhân chưa được đối xử bình đẳng…?
Dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân tư nhân ngay từ trong nhận thức, thậm chí một số người vẫn chưa từ bỏ được thói quen dựa trên hình thức sở hữu và vẫn có sự phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân. Về khía cạnh vĩ mô, về mặt thể chế và chính sách cho thấy là kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác đều được xem trọng như nhau, thậm chí kinh tế tư nhân đã được xem là bộ phận cấu thành quan trọng và là động lực tăng trưởng mạnh mẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế quốc gia trong thời gian tới.
Tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ nền kinh tế bao cấp – kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thói quen tâm lý và định kiến về kinh tế tư nhân trong xã hội chưa mấy tốt đẹp cũng là điều dễ hiểu, nên cần thời gian để thay đổi.
Về chủ quan, doanh nhân, doanh nghiệp nước ta con non trẻ, mục tiêu kinh doanh của họ là tối đa hóa lợi nhuận. Vì vậy, thậm chí có người tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi cách như gian lận, cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế, chèn ép lẫn nhau, hủy hoại môi trường mà không chú ý đến giá trị khác như đạo đức kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng, xóa đói giảm nghèo cũng là điều doanh nghiệp và doanh nhân cần thay đổi, sửa đổi để xã hội ngày càng thừa nhận và đánh giá cao doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân. Qua đó sẽ có nhìn nhận, đánh giá và cư xử đúng với giá trị của doanh nhân.
*Là Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, ông kiến nghị gì về cơ chế, chính sách nhằm giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển hơn nữa trong thời gian tới?
Thứ nhất là nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh, rõ ràng, một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện cho doanh nghiệp. Chúng tôi cần công bằng, minh bạch và lành mạnh. Áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào các hoạt động quản lý, xóa bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, các giấy phép ‘’con’’, giấy phép ‘’cháu’’ bất hợp lý. Đẩy mạnh hơn nữa việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Những việc gì mà doanh nghiệp tư nhân làm tốt nên để cho doanh nghiệp tư nhân được tham gia.
Thứ hai là Nhà nước cần có chính sách công bằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Chỉ có như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng và các doanh nghiệp tư nhân trong nước mới phát triển được. Quyết liệt trong công tác xóa bỏ tệ nạn tham nhũng, nhũng nhiễu doanh nghiệp, đơn giản hóa, trực tuyến hóa các thủ tục hành chính, xây dựng bộ máy hành chính có năng lực, liêm chính và phục vụ tận tâm cho doanh nghiệp.
Thứ ba là hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận các nguồn lực (như đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ,…) để phát triển sản xuất kinh doanh.
Có cơ chế, chính sách để xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin dữ liệu về doanh nghiệp hoạt động cùng ngành hàng, về thị trường vốn, về thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ,..;
Rà soát, cập nhật và xây dựng hoàn chỉnh Bộ tiêu chuẩn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực hành nghề chuyên môn, kỹ năng mềm, đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, kỷ luật đạo đức làm việc, trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm lao động.
Thứ tư là hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển và có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ nhóm Doanh nghiệp tư nhân lớn có tiềm năng phát triển kinh doanh ra thị trường khu vực và thế giới, xây dựng được sản phẩm uy tín, thương hiệu tầm quốc tế; Khuyến khích, hỗ trợ các nhóm lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo để phát triển cộng đồng doanh nhân tư nhân cả về số lượng và chất lượng.
Thứ năm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc thực hiện Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân. Thường xuyên cập nhật và truyền thông các thành tựu phát triển Kinh tế tư nhân đạt được, phát huy những mặt tích cực và phòng ngừa, hạn chế tiêu cực.
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: “Chúng tôi cần minh bạch…”
(https://doanhnhansaigon.vn/