Đi thực tập là đi làm, không phải đi học

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: vatgia.com

Hiện nay, có nhiều trường đại học, cao đẳng nghề tiếp xúc với các doanh nghiệp để đặt vấn đề về nhận sinh viên thực tập, tiến tới nhận sinh viên về làm việc. Căn cứ vào các nội dung hợp tác với doanh nghiệp, một số trường cam kết với sinh viên và phụ huynh là đảm bảo cho sinh viên ra trường có việc làm.

Tui là chủ doanh nghiệp, ủng hộ việc nhận sinh viên thực tập, cũng sẵn sàng nhận sinh viên ra trường về làm việc. Không chỉ riêng Tân Hiệp Phát, mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu về nhân lực, không có người lao động thì ai làm việc.

Nhưng vấn đề đặt ra là nguồn nhân lực đó có đảm bảo chất lượng hay không? Nhận sinh viên về thực tập không có nghĩa là cầm tay chỉ việc, mà sinh viên đó đủ khả năng để tham gia một phần vào quy trình công việc, còn nếu đến để doanh nghiệp dạy như là đào tạo lại thì quá mất thì giờ và gây phiền hà cho nhau. Doanh nghiệp không phải là cơ sở từ thiện, giúp đỡ trường đại học hay trường nghề đào tạo miễn phí.

Ở các nước có nền giáo dục đại học chất lượng cao, sinh viên nộp đơn vào các doanh nghiệp để xin thực tập. Doanh nghiệp phỏng vấn, sau đó nhận thực tập, và xem đó là một nhân sự của doanh nghiệp. Có giao việc, có trả lương đàng hoàng. Nếu sinh viên ở xa đến thực tập, có bố trí nơi ăn ở nghiêm túc.

Họ trả lương cho sinh viên thực tập bởi vì họ quan niệm đi thực tập là đi làm việc, không phải đi học. Thực tập là làm quen với công việc, học hỏi kinh nghiệm để sau khi ra trường chính thức vào nhận một công việc thường xuyên.

Ở Việt Nam thì sao, nếu trường nào cung cấp sinh viên có kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, làm việc tốt thì doanh nghiệp sẵn sàng trả lương trong quá trình thực tập. Thậm chí, gặp được sinh viên xuất sắc, doanh nghiệp sẽ nhận sau khi tốt nghiệp.

Cho nên, chính các trường đại học và trường nghề có cuộc cạnh tranh về chất lượng đào tạo. Trường nào có uy tín cao thì sinh viên được nhận thực tập và tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường cao. Ví dụ như Trường Nghề Cao Thắng, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa TPHCM, Trường Đại học Tôn Đức Thắng…

Các trường đại học có uy tín luôn tự tin vào sản phẩm đào tạo của mình và cam kết sẽ tìm được việc làm cho sinh viên. Ngược lại, trường không có uy tín thì doanh nghiệp không muốn nhận thực tập, nói chi đến nhận làm việc.

Nói vậy để thấy, trường đại học nhận tiền để đào tạo con người ta thì phải có trách nhiệm. “Bán” cái bằng đại học xong rồi phủi tay, còn sinh viên đi đâu về đâu không cần biết, là có tội với xã hội, không phải chỉ riêng cho người đi học.

Sài Gòn ngày 24/10/2019

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *