Nhà quản lý kiểu mới chú trọng phát triển năng lực cá nhân

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Báo Khởi nghiệp

Chào anh Trần Quí Thanh!

Em thua anh đúng một giáp, làm CEO nhà nước ba chục năm, sắp nghỉ rồi. Bữa nay viết thư tâm sự anh một chuyện không lớn nhưng cũng không nhỏ. Số là bữa trước mấy đứa cháu làm CEO doanh nghiệp tư đến nhà chơi, chúng nó bảo em tuy là CEO giỏi nhưng cung cách quản lý cũ rồi. Các nhà quản lý mới không ai làm như thế nữa. Em hỏi chúng, thế nào là nhà quản lý kiểu mới? Chúng nó giải thích lòng vòng em nghe không thủng. Vậy nên đưa câu hỏi đó hỏi anh. Vì em đang tính nghỉ việc nhà nước thì làm doanh nghiệp tư anh ạ.

Rất mong anh bỏ chút thời gian trả lời.

Kính

Trần Hữu Long (Hà Nội): longtran_1967@gmail.com

—–

Anh Trần Hữu Long mến!

Các bạn trẻ nói đến nhà quản lý mới hay đúng hơn là khoa học quản lý hiện đại đó anh. Nói anh đừng giận, nó khác xa với cách quản lý của hệ thống doanh nghiệp nhà nước mà anh từng làm CEO 30 năm đó anh.

Quản lý mới trước hết là tinh gọn bộ máy quản lý. Thay vì phân ra nhiều phòng ban, tầng nấc, thì giảm bớt. Theo quan điểm của các chuyên gia nghiên cứu về quản lý doanh nghiệp, không cần thiết có nhiều vị trí quản lý, vì sẽ tốn kém chi phí trả lương cho các vị trí này, và thường là ở mức cao. Nếu miêu tả công việc, sẽ không thấy những vị trí đó tạo ra được giá trị gì cho doanh nghiệp.

Với một doanh nghiệp có quy mô không lớn, từ một lãnh đạo trong ban giám đốc, trực tiếp đến nhân viên, đó là cách mới nhất.

Đừng lo như vậy là quản không chặt, mà để cho nhân viên tự đặt ra các thách thức, sáng tạo trong công việc để hoàn thành nhiệm vụ. Tư duy này khác xa so với kiểu quản lý cái gì cũng hỏi sếp, chờ sếp duyệt. Cách này vừa chậm trễ công việc, vừa thủ tiêu óc sáng tạo và tính tự chủ của cá nhân.

Xóa đi các cấp quản lý trung gian sẽ tạo không gian cho nhân viên hoạt động, phối hợp với nhau để làm việc. Cũng xin nói thêm là đừng lo họ chây lười, làm hỏng việc, bởi vì nhà quản lý giỏi không phải là ra mệnh lệnh, mà hướng dẫn cho họ cách làm và theo dõi để điều chỉnh. Tui có kinh nghiệm cá nhân, khi để cho nhân viên độc lập trong công việc, họ sẽ có những đề xuất và sáng kiến bất ngờ.

Khi không có mệnh lệnh, thì sẽ xóa dần những cách làm cũ để tạo không gian sáng tạo trong doanh nghiệp, từ đó tác động tích cực đến nhà quản lý. Nhà quản lý không còn rập theo khuôn thước mà bắt buộc phải có tinh thần đổi mới, không giám sát cá nhân mà thiết kế làm việc theo mô hình đội nhóm, không có cái nhìn ngắn hạn mà có tầm nhìn xa rộng.

Nhà quản lý mới không đưa ra cách chấm công a, b, c, thưởng phạt bằng tiền, mà  tạo cảm hứng cho nhân viên đóng góp, cống hiến, có hoài bão, có trách nhiệm xã hội. Một công dân thấy mình là người có ý nghĩa đối với cộng đồng, điều đó đáng giá hơn rất nhiều so với đồng tiền thưởng. Tất nhiên, doanh nghiệp phải bảo đảm đời sống vật chất cho họ, trả công tương xứng với đóng góp của họ.

Quản lý mới không phải là khai thác sức lao động của người lao động, mà luôn chú trọng nâng cao tay nghề, phát triển năng lực cá nhân. Người lao động phải được chăm sóc không chỉ đời sống vật chất mà còn đời sống tinh thần, tạo điều kiện tối đa cho cá nhân phát triển, thăng tiến.

Vậy đó anh. Anh cứ so sánh đi, ở vị trí CEO của doanh nghiệp nhà nước, anh có cắt bỏ được vị trí quản lý cấp trung gian không? Chắc là khó.

Chúc anh vui khỏe. Có gì cứ meo cho tui nha.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *