Những cảnh sát cỡi thú kỳ lạ trên thế giới

Key Pi/ Báo Tuổi Trẻ Cười

Từ đầu thế kỷ 18, do đặc thù đường xá còn xấu, nhất là các khu vực nông thôn, cảnh sát di chuyển bằng ngựa là tất yếu. Những cảnh sát kỵ binh đầu tiên xuất hiện tại Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ trong thời thuộc địa và hậu thuộc địa góp phần khiến hình ảnh cảnh sát cưỡi ngựa tuần tra được rộng rãi chấp nhận khắp trên thế giới, từ Canada đến Mexico, từ Nam Phi tới Thổ Nhĩ Kỳ…

Điều kiện và môi trường làm việc khắc nghiệt cũng là một yếu tố đặc thù trong công việc, khi cảnh sát viên phải làm việc ngoài trời, dưới nhiều điều kiện thời tiết khác khác nhau, chẳng hạn cực nóng hoặc lạnh, mưa gió lớn. Lực lượng cảnh sát kỵ binh thuộc hàng đông đảo nhất ở Mỹ là New York với 55 chú ngựa (năm 2016), trong khi lực lượng tuần biên Mỹ – Mexico có những 200 chú (năm 2005).


Đội cảnh sát kỵ binh Toronto, thành lập 1886, có quân số đông đảo nhất Canada, nhưng vỏn vẹn chỉ có 27 chú ngựa, còn Montreal nay chỉ còn 8. Cảnh sát kỵ binh hoàng gia Canada, niềm tự hào của đất nước và từng xuất hiện trong loạt truyện tranh Lucky Luke, ngày nay cũng chỉ còn 36 chú ngựa, chủ yếu phục vụ vào các dịp lễ lạc. Hiện đang còn hơn 40 lực lượng cảnh sát kỵ binh đang hoạt động trên thế giới.


Từ xa xưa, trong vũ trụ Star Wars – Chiến tranh giữa các vì sao – Tauntaun nằm trong số những loài thú hoang được thuần hóa phục vụ cho công tác vận chuyển và đôi khi tham gia vào vô số những cuộc chiến dai dẳng tại dải thiên hà xa xăm, bởi lớp vẩy và lông cực dày. Tauntaun là loài thằn lằn tuyết thường sinh sống ở những đồng bằng tuyết gió lộng ở hành tinh Hoth. Trong thời gian lực lượng Kháng chiến trú tại Hoth, họ đã thuần hóa sinh vật này để thuận tiện cho việc di chuyển, một lý do lớn là bởi khí hậu khắc nghiệt dưới 0 độ. 

Một trường hợp khác là Dewback, loài bò sát khỏe mạnh và dẻo dai, không chịu ảnh hưởng bởi sức nóng và bụi bặm sa mạc. Lực lượng lục quân Đế chế thiên hà sử dụng dewback để tuần tiễu và truy lùng những vùng đầm lầy rộng lớn của hành tinh Tatooine.


Cũng trong Star Wars, tại hành tinh Naboo có loài kaadu, lưỡng giống giữa bò sát và chim. Người tộc Gungan của Naboo sử dụng những con kaadu nhanh nhẹn vào nhiều mục đích vận chuyển và vô cùng coi trọng loài vật này, xem việc thuần dưỡng kaadu là một nghi thức đánh dấu tuổi trưởng thành của tộc nhân. Mỏ của kaadu giống với mỏ thú mỏ vịt cho phép thở dưới nước nhiều giờ liền.


Ngoài ra, trong vũ trụ Star Wars, còn có blurrg của người Twi’lek, luggabeast nửa quái thú nửa cơ giới trên hành tinh Jakku, varactyl khổng lồ vừa biết bay vừa biết bơi của hành tinh Utapau, bantha voi có sừng của hành tinh Tatooine.

Trong bộ sử thi hiện đại Chúa tể những chiếc nhẫn của Tolkien, warg là một loài sói sống ở Trung Địa, vùng Núi mù sương (được Tolkien lấy cảm hứng từ dãy Alp cao vút vắt ngang Châu Âu). Đây là vùng đất cổ xưa của người lùn từ Kỷ đệ nhất đến Kỷ đệ tam, cũng như loài Đại bàng và gấu tổ tiên của Beorn. Sang Kỷ đệ tam, Warg bị loài orc của Isengard và Mordor thuần chủng và trở thành lực lượng chiến đấu đắc lực cho những trận càn quét làng mạc và truy tìm những kẻ băng qua khu vực. Trong cuộc chiến Năm đạo quân, lực lượng đối kháng liên minh người lùn Đồi sắt, tiên rừng Mirkwood, loài người xứ Dale và đại bàng núi khổng lồ chính là warg và goblin.

Loài cọp trắng cũng từng được sử dụng trong thế giới World of Warcraft, như cọp tuyết Ash’alah của nữ tướng Tyrande Whisperwind.

Hay loài sư tử có cánh huyền thoại, Leonopteryx, ở hành tinh Pandora, chỉ được ít ỏi những chiến binh Na’vi quả cảm nhất thuần hóa.

Còn ngày nay, cảnh sát kỵ binh sẽ cáng đáng những trách nhiệm sau đây:… cưỡi ngựa; kiểm soát đám đông (tại các sự kiện cộng đồng và công cộng); tuần tra các khu vực xe cộ và phương tiện có bánh không thể lưu thông; thực hiện những công việc thông thường của lực lượng cảnh sát; khả năng phát biểu trước công chúng. 

Ngoài ra, lực lượng cảnh sát kỵ binh còn tham gia các cuộc tìm kiếm và giải cứu, điều tiết giao thông, và đôi khi truy tìm nghi phạm. Ở một số nơi như Anh, do đặc thù về tầm quan sát trên lưng ngựa và sự oai vệ của cảnh sát kỵ binh khiến họ thường xuất hiện để bảo vệ các trận thi đấu bóng đá, hoặc trấn áp đám đông.

Quá trình huấn luyện cảnh sát kỵ bịnh kéo dài khoảng ba năm, sau khi cảnh sát viên đã có bằng đại học và được đào tạo chính quy. Đội kỵ binh U.S Park ở Washington D.C có một chương trình huấn luyện yêu cầu phải có 400 giờ lên lớp nghiêm ngặt, bao gồm điều khiển ngựa, hành vi của loài ngựa, giải phẫu và sinh lý học của loài ngựa, kỹ năng nâng cao về kiểm soát đám đông, và đào tạo tìm kiếm và giải cứu. Một cảnh sát kỵ binh còn phải có một tình yêu dành cho loài ngựa và động vật nói chung, cũng như khả năng giao tiếp và tin tưởng tuyệt đối với con vật.

Một cảnh sát kỵ binh được tính tương đương với mười sĩ quan mặt đất, đồng thời với mức lương trung bình 63,000 đôla/năm, theo thống kê năm 2017 của Cục lao động Mỹ.

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ Cười online

Link bài: Những cảnh sát…

(https://cuoi.tuoitre.vn/giai-tri/nhung-canh-sat-coi-thu-ky-la-tren-the-gioi-2986.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *