Nguyễn Vũ/ Báo TBKTSG
—–
Câu chuyện trái đất nóng dần lên do khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã được bàn luận từ nhiều năm trước. Thế nhưng chỉ đến năm 2019, khi giới trẻ khắp nơi trên thế giới bỗng dưng xuất hiện, lên tiếng mạnh mẽ quyền được sống trên một trái đất không bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu thì người lớn mới bừng tỉnh, không thể tự dối mình rằng chuyện biến đổi khí hậu cũng vài ba mươi năm nữa mới xảy ra.
Sao quý vị dám thế
Đầu tiên là cô bé Greta Thunberg. Tháng 8-2018, lúc mới 15 tuổi, Greta nghỉ học và ra trước thềm tòa nhà quốc hội của Thụy Điển cầm tấm bảng ghi khẩu hiệu “Bãi khóa vì khí hậu”, kêu gọi mọi người phải có hành động mạnh mẽ hơn để đối phó với vấn nạn trái đất đang nóng dần lên.
Phong trào học sinh bãi khóa vì khí hậu lan ra khắp nơi, hình ảnh Greta lan rộng như một biểu tượng không khoan nhượng, nói thẳng vào mặt người lớn đòi phải chịu trách nhiệm trước thế hệ trẻ về cái di sản một trái đất què quặt họ để lại cho mai sau. Đứng trước hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu cô bé cau mày, trách người lớn: “Chúng ta đang ở vào lúc khởi đầu một cuộc tuyệt chủng quy mô lớn, thế mà quý vị chỉ có biết nói về tiền bạc và các câu chuyện thần thoại về tăng trưởng kinh tế vĩnh cửu. Sao quý vị dám thế”. Có lẽ cô nói thay cho mọi học sinh: “Lẽ ra tôi không nên đứng ở đây. Lẽ ra tôi phải ngồi trong lớp học ở bên kia bờ đại dương. Thế mà tất cả quý vị lại đến với bọn trẻ chúng tôi để có niềm hy vọng. Sao quý vị dám thế”.
Cho dù vẫn có nhiều chính trị gia, nhiều tay cực hữu lên tiếng chê bai Greta, từ chuyện cô bé đã đơn giản hóa một vấn đề phức tạp, cô bị người lớn giật dây… đến những cáo buộc kiểu con nít như Greta bị ảnh hưởng bởi bệnh tự kỷ, cô bé đã trở thành một biểu tượng lớn hơn bản thân cô như một “hiệu ứng Greta” thức tỉnh người lớn. Sau khi tiếp xúc với cô, diễn viên Leonardo DiCaprio khẳng định Greta là một “nhà lãnh đạo trong thời đại của chúng ta”. Dưới tác động của “hiệu ứng Greta”, hàng triệu người (tờ Guardian ước tính đến 7 triệu) khắp nơi trên thế giới (tổng cộng 185 nước) đã xuống đường biểu tình vào cuối tháng 9-2019 đòi hỏi chính phủ các nước phải có biện pháp khẩn cấp giải quyết vấn nạn biến đổi khí hậu.
Ở các cuộc biểu tình này đã xuất hiện những phiên bản Greta của từng nước như Ralyn Satidtanasarn của Thái Lan, mới 12 tuổi đã phát động chiến dịch không dùng bao nylon ở một nước bình quân mỗi người xài đến 3.000 bao mỗi năm. Như Rishika Singh, 18 tuổi ở Ấn Độ, nơi ô nhiễm không khí đã đến mức báo động đỏ, em nói: “Người nghèo nhất bị tổn thương nặng nề nhất. Người giàu dù sao cũng có máy điều hòa không khí và xe đóng kín cửa để hưởng tiện nghi”. Như Jemima Grimmer, 13 tuổi, nói ở cuộc biểu tình tại Sydney: “(Người lớn) hãy tôn trọng tương lai của chúng tôi”. Như Jemima Grimmer, 13 tuổi, một thổ dân Canada, đang tiếp nối truyền thống của bộ tộc bảo vệ nguồn nước. Tất cả kết nối với nhau bởi mối đe dọa chung khủng hoảng khí hậu sẽ là tương lai của họ.
Không chỉ biểu tình, giới trẻ còn kiện các chính phủ ra tòa. Tại Liên hiệp quốc, Greta Thunberg cùng 15 bạn trẻ khác nộp đơn kiện chính phủ năm nước phát thải khí carbon với lý do các nước này đang vi phạm quyền trẻ em khi không có biện pháp giảm khí thải, gồm Argentina, Brazil, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Các em không đưa Mỹ và Trung Quốc vào danh sách bị kiện dù đây là hai nước phát thải CO2 lớn nhất là bởi hai nước này chưa phê chuẩn toàn bộ Công ước về quyền trẻ em. Một nhóm 15 thanh thiếu niên cũng đã kiện Chính phủ Canada do cho rằng họ khuyến khích phát triển các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch mặc dù biết rõ như thế sẽ càng làm tổn hại bầu khí quyển. Trước đó một nhóm khác gồm 21 em kiện Chính phủ Mỹ có những chính sách năng lượng gây biến đổi khí hậu và gây hại cho tương lai của họ. Tại Colombia, 25 thanh thiếu niên kiện để đòi chấm dứt phá rừng Amazon. Ở Bồ Đào Nha, 7 trẻ em kiện Hội đồng châu Âu với cáo buộc giới có thẩm quyền không chịu làm gì để ngăn ngừa thảm họa môi trường.
Một thực tế khốc liệt
Do đâu giới trẻ bỗng bừng tỉnh, phẫn nộ và đòi hỏi có hành động trước thảm họa biến đổi khí hậu? Trước hết đó là thực tế khắc nghiệt không ai có thể chối cãi. Nhiệt độ trái đất tăng lên làm băng tan, thể tích nước giãn nở, nước biển dâng. Chưa bao giờ Venice bị triều cường ngập nặng như hồi tháng 11-2019 khi mực nước dâng cao hơn mức bình thường đến 149 cen ti mét. Ngập úng do triều cường cũng diễn ra khắp nơi như ở Miami, New Orleans, Venice, Jakarta hay Lagos. Ngay ở Việt Nam người dân cũng cảm thấy tình hình ngập nước năm nay khác hẳn các năm trước. Các trận bão kéo dài hơn, mức độ tàn phá nặng nề hơn như trận bão Dorian quăng quật vùng Bahamas suốt đến 24 giờ. Bão chậm làm lượng nước mưa kèm theo bão tăng gây ngập lụt trên diện rộng, từ châu Mỹ đến châu Âu, châu Á.
Lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ lục địa châu Úc rộng đến 7,6 triệu cây số vuông không hề có một giọt nước mưa trong ngày 11-11. Năm 2019, chúng ta nghe về các đợt nóng bất thường tại châu Âu, Paris có lúc nóng đến 46 độ C, Berlin 42,6 độ C. Hạn hán kéo dài làm cháy rừng khốc liệt hơn trước, từ tiểu bang California qua rừng nhiệt đới Amazon đến các đám cháy rộng lớn ở Úc cũng như ở Indonesia. Năm 2019 cũng chứng kiến ô nhiễm không khí ở các đô thị ngày càng tệ hại như ở Ấn Độ, Hà Nội…
Trước đây các nhà khoa học tạo ra một ấn tượng sai lầm khi các báo cáo về biến đổi khí hậu luôn vẽ ra các hậu quả cũng đáng lo ngại nhưng là 50 năm nữa hay tận đến cuối thế kỷ 21 này. Không ai từ những năm 1990 dám tiên đoán chỉ 25 hay 30 năm nữa Paris hay Berlin có lúc sẽ nóng như sa mạc Sahara; không ai nghĩ đợt nắng nóng hồi tháng 7-2019 làm 40 tỉ tấn băng Greenland tan chảy. Có lẽ chính vì thế vào tháng 11-2019, hơn 11.000 nhà khoa học từ 153 nước trên thế giới cùng ký tên vào một báo cáo về biến đổi khí hậu với lời lẽ rõ ràng dứt khoát để cảnh báo nhân loại đang đứng trước một thảm họa về thời tiết do chính lối sống của con người gây ra.
Khi người lớn xuôi tay, biện bạch
Nhưng vì sao người lớn vẫn thờ ơ, để gánh nặng đòi có hành động rơi vào vai giới trẻ? Với từng cá nhân, có lẽ quy mô to lớn của vấn đề làm nhiều người cảm thấy bất lực. Một diễn viên hài tóm gọn tâm lý này khi nói, “Giả sử bạn nợ tay ghi đề 1.000 đô la, ắt bạn sẽ tìm cách trả dần. Nhưng nếu bạn nợ tay đó đến 1 triệu đô la chắc bạn sẽ xuôi tay chịu chết”. Với doanh nghiệp, với cả nền kinh tế, với giới chính trị, các biện pháp giảm thiểu các yếu tố gây biến đổi khí hậu đều kéo theo chi phí tốn kém mà theo họ làm giảm “năng lực cạnh tranh”! Lấy ví dụ chuyện nước Mỹ rút ra khỏi hiệp định khí hậu Paris đó là bởi Chính phủ Mỹ muốn tiếp tục hỗ trợ cho các ngành phát ra khí thải như nhà máy điện chạy than. Tổng thống nước này, ông Donald Trump, tuyên bố nếu thực thi các cam kết Paris, nước Mỹ sẽ thiệt hại 3.000 tỉ đô la trị giá GDP và mất đi 6,5 triệu việc làm.
Không những xuôi tay ngó lơ, nhiều người lớn chối bỏ chuyện biến đổi khí hậu cho là không có gì mà làm ầm ĩ. Thậm chí ngay sau khi Greta Thunberg đọc diễn văn trước Liên hiệp quốc, một nhóm 500 người tự cho là các nhà khoa học nổi tiếng đã gửi một lá thư đến Tổng thư ký Liên hiệp quốc cho rằng không hề có cái gọi là tình trạng khẩn cấp về khí hậu, rằng “các chính sách khí hậu đang hướng đến sẽ làm hại nền kinh tế, tạo rủi ro cho nhiều sinh mệnh con người ở các nước không được tiếp cận nguồn năng lượng giá rẻ, tin cậy”. Chối bỏ hiện tượng biến đổi khí hậu thường rơi vào ba dạng: chối bỏ hoàn toàn, chấp nhận có biến đổi khí hậu nhưng không phải do con người gây ra và không chối bỏ nhưng tin rằng khoa học sẽ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong tương lai nên giờ không cần làm gì cả. Với dạng thứ ba, chiếc đũa thần họ thích sử dụng nhất là sử dụng trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) để giải bài toán trái đất nóng dần lên như thể có AI là có tất cả!
Người lớn để lại gì cho bọn trẻ
Năm 2019 là năm xoay chuyển về nhận thức, ít nhất là ở giới trẻ trước thảm họa biến đổi khí hậu. Từ nhận thức này đến sự áy náy khi tiêu thụ thức ăn và đồ dùng nhập khẩu từ nửa vòng trái đất là một khoảng cách xa vời vợi. Tuy nhiên, người lớn nên bắt đầu lắng nghe bọn trẻ, trong đó có con em mình, bởi chỉ trong chớp mắt năm 2030 sẽ đến, rồi năm 2040, 2050. Những em bé sinh ra bây giờ lúc đó sẽ mới chỉ 20, 30 tuổi. Không lẽ chúng ta đành lòng để các em sống trong một khung cảnh mà chúng ta chỉ thấy trên phim khoa học viễn tưởng: Cháy rừng khắp nơi, bầu trời mù mịt, đỏ quạch một màu ám ảnh, nhiều thành phố bỏ hoang trong điêu tàn, những bóng người đeo khẩu trang kín mít ẩn hiện như những zombie.
Có lẽ đã đến lúc người lớn phải nhìn lại lối sống hiện nay để cân nhắc xem thử chúng ta có cần theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Lấy ví dụ, chúng ta đang thiếu điện, một phần rất lớn là để phục vụ cho các dự án sản xuất từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phải xây thêm nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than, chạy dầu phát thải gây ô nhiễm để phục vụ cho vai trò Việt Nam là “một công xưởng” kiểu như Trung Quốc cho thế giới. Đổi lại GDP sẽ tăng thêm một chút, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng thêm một chút dù thu nhập này chảy về túi người giàu là chính. Đã đến lúc phải đặt câu hỏi có đáng đánh đổi như vậy không khi chi phí giải quyết ô nhiễm môi trường trong ngắn hạn và biến đổi khí hậu càng nặng nề hơn trong dài hạn sẽ là những gánh nặng khổng lồ cho con cháu chúng ta.
Đó là một “món nợ khí hậu” với thế hệ trẻ mà chúng ta phải tìm cách trả ngay từ bây giờ.
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn
Link bài: Khi “bọn trẻ” nổi dậy…
(https://www.thesaigontimes.vn/