Những người truyền cảm hứng cho cộng đồng mùa dịch COVID

Thiên Điểu – Duy Phương/ Báo Tuổi Trẻ

Nghệ sĩ Việt “hot” nhất mùa COVID-19 năm nay có lẽ là chàng nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất âm nhạc 9x Khắc Hưng với ca khúc Ghen cô Vy, một bài hát không chỉ làm mưa làm gió trong nước mà còn khiến nhiều công chúng quốc tế “phát cuồng”. Hết chương trình Last Week Tonight with John Oliver (HBO) đến kênh BFMTV của truyền hình Pháp, nhiều báo quốc tế khác phải liên tục thay nhau ngợi ca bài hát này cùng với video vũ điệu rửa tay của vũ công Quang Đăng. Fanpage của UNICEF cũng không quên chia sẻ lại ngay lập tức.

MC, diễn viên hài John Oliver trên HBO đã gọi tên Việt Nam với danh xưng nước “đã tạo ra một bài hát không thể tưởng tượng được về khuyến khích việc rửa tay”, và gọi Ghen cô Vy là “một bài hát đáng kinh ngạc, nó khiến các bài hát về rửa tay khác trở thành thứ bỏ đi”. Ông thậm chí còn nhắc nghệ sĩ nước mình “đừng tự mãn vì nghệ sĩ Việt Nam đang thay đổi”.

Kênh BFMTV (Pháp) cũng không “kém cạnh” trong việc ngợi ca bài hát này khi gọi nó là “bài hát của năm”, là “điều kỳ diệu xảy ra trong nghịch cảnh”.

Nhưng điều bất ngờ hơn là một bài hát Việt, hầu như là lần đầu tiên đưa V-pop ào ào ra thế giới, lại là một ca khúc… cổ động, được viết theo đơn đặt hàng tuyên truyền phòng chống virus corona từ Bộ Y tế. Ghen cô Vy xuất hiện để người ta tin rằng, ngay cả nghệ thuật viết theo đơn đặt hàng tuyên truyền một chuyện cực nhàm chán thì vẫn có thể trở thành một ca khúc hấp dẫn ở tầm quốc tế.

Khắc Hưng và một số nghệ sĩ trẻ khác, bằng nghệ thuật của mình, có lẽ đã nhắc lại một cách kiêu hãnh cho mọi người về quá khứ “vàng son” của nghệ thuật cổ động cách mạng từng đạt nhiều thành tựu ở nước ta.

Bấy lâu nay, hình ảnh bộ đội giúp dân mỗi khi có thiên tai hoạn nạn đã thành điều quen thuộc tưởng như một lẽ đương nhiên. Nhưng lần này, khi nạn dịch đổ tai họa lên tất cả mọi người, thì hình ảnh những chiến sĩ bộ đội căng mình vươn ra tuyến đầu, nhận về mình những đêm ngủ ngoài trời, những bữa cơm nuốt vội nơi biên cương hay trong những khu cách ly để làm lá chắn an toàn cho người dân khiến người người đều cảm động, yêu mến hơn.

Bất cứ nơi nào đất nước gọi về để khóa chặt vòng tuyến an toàn cho dân như những chốt chặn kiểm soát đường mòn, lối mở; các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung; những nơi cần phòng độc, khử trùng…thì những áo xanh bộ đội đều có mặt. Những hò hẹn hạnh phúc lứa đôi, những sum vậy ríu rít cha con đều phải tạm khép vì nhiệm vụ với dân, với nước nhưng ai ai cũng vui vẻ, cái vui của đoàn quân ra trận phơi phới niềm tin chiến thắng. Còn nhân dân thì dõi theo các anh từng ngày, với lòng biết ơn vô hạn sự bình yên mà mọi người đang có được từ những hi sinh của các anh.

“Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội với “những đêm ngủ ngoài trời, những bữa cơm ăn vội” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã tô thắm thêm truyền thống cao đẹp của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”, lời cảm động trong lá thư Thủ tướng gửi động viên bộ đội phòng dịch hôm nào cũng chính là lòng dân dành cho “biệt đội siêu nhân xanh” này.

Sài Gòn giữa những ngày đầu giãn cách xã hội, trong cái buồn lo chung của cả nước vì các hoạt động kinh tế – văn hóa bị ngừng trệ, nổi lên những gương mặt thất thần của cả ngàn người thường ngày lam lũ mưu sinh hè phố nay đang phải đối diện với thực tế có thể bị “đứt” bữa.

Giữa lúc cũng đau đầu với bao khó khăn của một chủ doanh nghiệp nhỏ khi hoạt động kinh doanh bị ngừng trệ vì đại dịch như bao doanh nghiệp khác, anh Hoàng Tuấn Anh chợt nhận ra mình vẫn may mắn hơn nhiều người. Ngoài kia, còn nhiều lắm những ông bà già, em nhỏ bán vé số, những chị ve chai, những thanh niên làm công việc thời vụ trong các quán xá, những công nhân nghèo mất việc… có thể đang phải khốn khó kiếm cái ăn từng ngày.

Tuấn Anh quyết định mình phải làm gì đó để giúp những người đang gặp cảnh ngặt nghèo, để đừng có đồng bào nào vì đói mà gục ngã. ATM gạo ra đời cho bất cứ ai cần đều có thể “rút” gạo 24/24h. Sự sáng tạo và nhân văn trong cách làm từ thiện của những người trẻ giàu nhiệt huyết và tài năng này ngay lập tức tạo cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng để người người náo nức, khẩn trương cùng hợp sức cứu giúp người khó.

Như con sóng mạnh mẽ mỗi ngày được đắp bồi từ Sài Gòn nhân ái, ATM gạo nhanh chóng lan tỏa khắp cả nước. Danh hiệu Bạn đồng hành quanh tôi của Báo Tuổi Trẻ và thư khen của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dành cho tác giả của ATM gạo có lẽ không phải là niềm vui lớn nhất đối với anh, mà chính là những nụ cười ấm áp và niềm cảm hứng anh đã gieo vào cộng đồng trong những ngày tháng Tư đặc biệt này và tiếp tục về sau.

Những cánh đồng khô khát, nứt nẻ của miền Tây thời gian qua không chỉ thấm những giọt nước mắt, mồ hôi mặn chát của người nông dân, mà còn in những dấu chân của cặp đôi Thủy Tiên – Công Vinh đi khảo sát tình hình hạn mặn giữa chang chang nắng; và thấm những yêu thương mà cộng đồng nghệ sĩ, nhà hảo tâm cả nước trao gửi tới nơi này.

Những tháng qua, người Việt không chỉ phải căng mình trong cuộc chiến cam go với COVID-19 mà còn chia nhau nỗi cơ hàn của bà con nông dân miền Tây đang điêu đứng vì hạn mặn. Giữa lúc ấy, cặp đôi nổi tiếng trong giới giải trí Việt về chuyện làm từ thiện là Thủy Tiên – Công Vinh kịp thời xuất hiện kêu gọi quyên góp ủng hộ chống hạn mặn sau những ngày họ đã trần mình trong nắng lửa về với bà con, ruộng đồng đang khát cháy. Hàng chục tỉ đồng nhanh chóng được gửi về cho hai nghệ sĩ để cứu khát cho bà con. Bao nỗi lo với COVID-19, nhưng người người vẫn chụm lại cùng nhau cứu miền Tây khi được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ các nghệ sĩ nhân ái.

Ngay sau đó, Hồ Ngọc Hà và nhà thiết kế Lý Quí Khánh cùng vận động 3 tỉ đồng để ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 và hạn mặn ở miền Tây. Hàng loạt các nghệ sĩ trẻ như Hà Anh Tuấn, Chi Pu, Tóc Tiên, Tùng Dương, Phạm Thùy Dung, Trọng Tấn… đều nhanh chóng vào cuộc cứu đói, cứu khát cho đồng bào, ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh, hạn hán của chính phủ. Hơn cả chuyện làm thiện nguyện, những hành động này truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng khi nó cho thấy rằng: trong khó khăn, người Việt chọn đứng cùng nhau để vượt qua thử thách.

Khu cách ly bệnh tật tập trung ở một trường quân sự, với những vòng bảo vệ chặt chẽ, nơi mà dấu hiệu nhắc lịch sinh hoạt ăn, ngủ là tiếng chuông, còi báo hiệu, người người phải giữ khoảng cách nhất định… tưởng sẽ là ác mộng với bất cứ ai phải “chuyển hộ khẩu” tới đây, và chắc lẽ ai ai cũng chỉ mong đếm từng ngày để được trở về với gia đình.

Với một chàng trai trẻ là du học sinh, vừa bước về từ trời Âu văn minh và đầy tiện nghi như Tăng Quang, hẳn cuộc sống ở khu cách ly càng phải là ác mộng. Ấy vậy mà “Cuộc sống thật kỳ lạ! Có những điều chẳng mong chờ nhưng lại đọng lại với rất nhiều những điều tốt đẹp”, như Tăng Quang tâm sự.

Và như một cách trả ơn những điều tốt đẹp bất ngờ ấy, Tăng Quang đã vẽ lại một bộ ký họa đầy mầu sắc tươi sáng và giàu cảm xúc về đời sống ở khu cách ly, như vẽ lại chính những yêu thương và lòng biết ơn trong mình.

Những luyến lưu ở khu cách ly sâu đậm trong chàng trai trẻ tới mức bạn tiếp tục vẽ ký họa về những yêu thương ở đây khi đã về với đời sống thoải mái và yên ấm ở nhà mình. Một bộ tranh vẽ từ bàn tay và tâm hồn đẹp đẽ, đầy năng lượng lạc quan và yêu thương của tuổi trẻ, không bất ngờ khi nó được công chúng đón nhận nồng nhiệt, gọi tên là bộ tranh “truyền cảm hứng cực mạnh”.

Cũng rất trẻ, nhưng Lê Đức Hiệp lại chọn cách đóng góp cho đất nước bằng… tranh cổ động. Tấm poster chủ đề COVID-19 có tên Ở nhà là yêu nước kêu gọi người dân ở nhà để chung tay đẩy lùi COVID-19 được tác giả “làm để đăng Facebook chơi” trong vỏn vẹn một buổi chiều nhưng không ngờ sau đó đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực, từ cộng đồng mạng đến báo chí trong và ngoài nước. Hiệp rất nhanh nhạy đã quyết định in hạn chế poster này để bán ủng hộ cho ATM gạo tại TP.HCM.

Lê Đức Hiệp cũng chính là tác giả của các poster phim bắt mắt như: Cô Ba Sài Gòn, Song Lang, Gái già lắm chiêu, Tháng năm rực rỡ

Đứng giữa Siêu thị 0 đồng – Siêu thị hạnh phúc lựa từng món thực phẩm thiết yếu, được nhân viên siêu thị mời mọc, phục vụ tận tình như mình đang là “thượng đế” ở những hàng quán xa xỉ, những ông bà già vốn thường ngày khan hiếm lắm những giọt nước mắt bỗng không thể ngăn được những giọt lệ cảm động. Những người khác lại lấp lánh nụ cười tươi vui bởi tình người, sự sẻ chia quý giá mà cộng đồng đang từng ngày trao tới họ để dắt họ cùng đi qua gian khó.

Đó là khung cảnh chung của những Siêu thị 0 đồng ở TP.HCM, Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thừa Thiên – Huế…, do nhóm của một doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính triển khai. Cũng giống như mô hình ATM gạo, mô hình này được đánh giá cao ở sự nhân văn khi những người khó khăn không phải là đang đi nhận phát quà từ thiện mà giống như đi mua sắm miễn phí, vừa được tự chọn nhận quà là sản phẩm thiết yếu với mình, lại được tiếp đón trân trọng, phục vụ như những “thượng đế”.

Ý nghĩa là vậy nhưng chủ nhân của mô hình này – một doanh nhân ăn chay, hành thiền – lại nhất quyết giấu mặt. Ngay cả cái biển hiệu tên siêu thị cũng không có một chữ nào quảng bá cho thương hiệu của doanh nghiệp đang làm việc thiện.

Những ngày giãn cách xã hội, Sài Gòn vẫn đều đặn các chuyến xe gắn máy chở theo thùng cơm nóng hồi, đủ dinh dưỡng tỏa đi khắp ngõ ngách của thành phố để đến với những người khó khăn. Những phần quà là gạo, mì gói… có mặt ở nhiều nơi trong thành phố mời gọi “nếu khó khăn cứ lấy 1 phần, nếu bạn ổn xin nhường cơm cho người khác”…

Sài Gòn những ngày chống chọi với dịch bệnh COVID-19 luôn tràn ngập nghĩa tình như thế. Từ quán cơm chay Bình An, tới chuỗi quán cơm Nụ Cười cùng nảy sáng kiến phát cơm miễn phí tận tay người nghèo ở Sài Gòn. Trước đây, quỹ Bông Sen với chuỗi quán cơm Nụ Cười hỗ trợ người nghèo suất ăn với giá 2.000 đồng. Nhưng ngay khi dịch COVID-19 ập đến, để tránh lây lan dịch bệnh, chuỗi quán này kêu gọi tình nguyện viên trực tiếp mang cơm miễn phí trao tận tay người nghèo. Và không chỉ Nụ Cười hay Bình An, nhiều quán cơm chay ở Sài Gòn tuy đóng cửa bán hàng mà bếp vẫn đỏ lửa ngày ngày để nấu cơm tặng miễn phí cho người nghèo khó.

Có nhiều gia đình còn tự mình tổ chức các điểm phát thực phẩm cho bất cứ ai đang cần. Những nghĩa cử ít nơi nào có được ấy của người dân thành phố làm cho Sài Gòn thật đặc biết, luôn nhân ái, bao dung, hào sảng, như xưa nay vẫn vậy.


NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Những người truyền…

(https://tuoitre.vn/ho-da-truyen-cam-hung-de-cung-dong-bao-vuot-qua-dai-dich-20200429153836404.htm)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *