Kích cầu tiêu dùng thế nào sau đại dịch?

Trần Quí Thanh

Nguồn hình:  Báo Giáo dục & thời đại.

—–

Sau đại dịch COVID-19, một trong những chương trình được tất cả các địa phương chú trọng là kích cầu tiêu dùng. Quá trình “ngủ đông” kéo dài trong thời gian dịch bệnh không chỉ làm cho nhiều doanh nghiệp khốn đốn, mà ngay cả người dân sản xuất và khai thác nông hải sản cũng điêu đứng. Cho nên, kích cầu tiêu dùng là liều thuốc cấp cứu nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Kích cầu tiêu dùng giúp cho người dân, doanh nghiệp hồi phục sản xuất và sinh hoạt là cách lo cho dân no ấm bền vững. Các gói hỗ trợ khác chỉ là giải pháp tạm thời.

Một điều rõ ràng, người dân sản xuất nông, hải sản không có điểu kiện và sự hiểu biết để tổ chức kích cầu tiêu dùng, hoạt động này chỉ dựa vào các cơ quan nhà nước, các trung tâm xúc tiến thương mại, các siêu thị và các tổ chức khác. Trong thời gian vừa qua, các hoạt động “Chợ phiên nông sản” hay “Ẩm thực đường phố” đã kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã với siêu thị là sáng kiến độc đáo, có lợi cho các bên, từ người sản xuất, chế biến, đến buôn bán. Ở các chương trình này, giá cả khuyến mãi đã giúp cho người tiêu dùng thụ hưởng sản phẩm với chi tiêu rẻ hơn, tăng hiệu quả cho mục đích kích cầu.

Tuy nhiên, chính quyền các địa phương cần triển khai thêm các chương trình ngoài siêu thị, đó là các hội chợ kết hợp sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí để người dân và doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu sản phẩm. Địa phương nào được lãnh đạo quan tâm, sáng tạo trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bán hàng, thì hoạt động kích cầu có hiệu quả.

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, một hoạt động cực kỳ quan trọng để kích cẩu tiêu dùng chính là du lịch. Hiện nay, người đi du lịch rất ít, các khách sạn, resort, nhà hàng ế ẩm, người lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ mất việc làm hơn một nửa so với trước dịch.

Kinh doanh du lịch giảm sâu chưa hồi phục, thì các sản phẩm tiêu dùng khác cũng không thể hồi phục. Nông hải sản bán cho ai khi mà người dân không bỏ tiền ra đi chơi, khi mà nhà hàng, quán ăn vắng bóng du khách.

Từ sau dịch đến nay, nhiều địa phương đưa ra các giải pháp kích cầu du lịch, các hãng hàng không và công ty du lịch lữ hành cũng tung ra các gói khuyến mãi hấp dẫn để hấp dẫn người dân. Nhưng theo đánh giá chung, ngành du lịch phục hồi rất chậm.

Một trong những nguyên nhân khiến cho người dân chưa đi du lịch nhiều là do học sinh còn học bù sau dịch, con còn đi học thì bố mẹ chưa thể tổ chức cho gia đình đi chơi. Hy vọng khi chương trình học bù kết thúc vào cuối tháng sáu đến đầu tháng bảy, thì sẽ có một làn sóng du lịch “dữ dội”. Có học bù thì cũng có đi chơi “bù” sau một thời gian dài bị “cầm chân”.

Các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ hãy sẵn sàng cho làn sóng này, chủ động sản xuất các sản phẩm du lịch mới, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để cạnh tranh thu hút du khách.

Một điều mà ai cũng rõ, với dân số gần 100 triệu, thị trường du lịch nội địa bùng nổ thì đủ để kích cầu tiêu dùng. Cho nên, hãy kích cầu du lịch, càng mạnh càng tốt.

Trần Quí Thanh

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *