Lan Nhi/ Báo TBKTSG
—–
Hàng loạt hình thức “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng” hay “kinh doanh thời đại 4.0” đã phát triển rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội (như Facebook, YouTube…) dưới hình thức của những “doanh nhân” muốn kết nối toàn cầu, giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư. Thực chất đó là hoạt động huy động vốn đa cấp trái phép, theo cảnh báo của Bộ Công Thương.
Tuần trước, một tập đoàn lớn phải lập vi bằng gửi đến ban quản trị Facebook và các cơ quan quản lý Việt Nam về việc một trang web đã sử dụng trái phép hình ảnh một nhà lãnh đạo tập đoàn lớn ở Việt Nam kêu gọi “khởi nghiệp” bằng cách nộp tiền cho trang web đó. Khi vụ việc mới vỡ ra, thì hôm 17-6, Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã phát đi văn bản cảnh báo về một số dự án, mô hình hoạt động có dấu hiệu huy động vốn theo mô hình đa cấp trên nền tảng thương mại điện tử. Cụ thể, cơ quan quản lý phát hiện ra nhiều mô hình, dự án kinh doanh được giới thiệu là “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng” hay “kinh doanh thời đại 4.0”.
Những mô hình, dự án này được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, YouTube, Facebook, Zalo, Viber, TelegramX… như là “sân chơi” của những “bạn trẻ khởi nghiệp”, của những “doanh nhân” muốn kết nối toàn cầu, giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử thông qua các ứng dụng Internet như sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phân quyền, hệ sinh thái số, hay qua mô hình tiếp thị liên kết. Có thể kể đến các địa chỉ trang web dạng này, như Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Winvest.io.
Theo Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), Bộ Công Thương, các dự án đa cấp trái phép này có đặc điểm là hướng đến sinh viên đang muốn khởi nghiệp hoặc làm thêm, làm thêm quy mô quốc tế trên nền tảng thương mại điện tử… Khi tham gia sẽ được thu về hoa hồng, lợi nhuận cao, qua những người đi tiên phong, dụ dỗ những người khác bỏ tiền tham gia phát triển dự án.
Khoản tiền đầu tư của người tham gia không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào mà chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia hiển thị trên giao diện trang web. Hệ thống máy chủ lưu giữ dữ liệu thường đặt tại nước ngoài. Chủ đầu tư không hiện diện tại Việt Nam hoặc có tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật Việt Nam.
Cục CT&BVNTD đánh giá các mô hình nói trên là hoạt động đầu tư theo mô hình kim tự tháp và là hành vi bị cấm.
Bộ Công Thương chỉ cấp giấy phép cho 22 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp và có danh sách đầy đủ trên trang web của bộ. Các doanh nghiệp đa cấp khác hiện tuyển dụng nhân sự ồ ạt, dụ dỗ theo đúng kiểu đa cấp để ép buộc những người tham gia hệ thống nộp các khoản tiền lớn dưới hình thức chi phí đào tạo, mua gói sản phẩm… rồi tiếp tục người đến trước lừa người đến sau.
Cách thức của hoạt động đa cấp biến tướng là thông qua nhân viên, đào tạo viên, nhà phân phối tuyến trên, doanh nghiệp cung cấp thông tin gian dối hoặc thổi phồng về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới. Họ chỉ tập trung giới thiệu vào các khoản hoa hồng, như cho xem hình chụp số dư tài khoản, giao dịch chuyển khoản tiền giá trị cao vài chục hoặc vài trăm triệu, hoặc giới thiệu chỉ cần đầu tư một vài tháng là có thu nhập khủng vài chục triệu hay ngàn đô la mỗi tháng, đổi đời nhanh chóng và hưởng các chuyến du lịch ra nước ngoài…
Bộ yêu cầu người dân cảnh giác với các hoạt động lôi kéo bán hàng trái phép, mất tiền và gây mất trật tự xã hội dưới hình thức như trên, đồng thời yêu cầu báo cáo về Bộ Công Thương những trường hợp trái phép.
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Đa cấp trái phép….
(https://www.thesaigontimes.vn/