Trần Quí Thanh
Kính thưa chú
Cảm ơn chú đã trả lời rất nhanh câu hỏi của chúng cháu (Bài Tìm người “vừa khôn vừa ngoan” đó ạ.) Nay chúng cháu lại gởi tới chú câu hỏi “xưa như trái đất” nhưng lúc nào cũng thời sự, đó là: dùng cây gậy hay củ cà rốt để tạo động lực cho nhân viên? Nếu buộc phải chọn một trong hai biện pháp nói trên thì chú chọn cái nào, củ cà rốt hay cây gậy ạ? Mong chú hồi âm.
Kính chúc chú vạn an
Chủ nhiệm CLB.
Lê Minh Hòa (Thanh Hoá): hoa_leminh1980@gmail.com
—–
Lê Minh Hòa mến!
“Cây gậy và củ cà rốt” tồn tại song song trong các tổ chức, doanh nghiệp. “Củ cà rốt” là khen thưởng, “cây gậy” là xử phạt.
Khen thưởng là tiền, tăng lương, tuyên dương, cho đi du lịch, thăng tiến, xu phạt là cắt giảm lương, kiểm điểm, cắt thưởng…
Cháu tự nghĩ về bản thân, sẽ biết rằng cháu thích “cây gậy” hay thích “củ cà rốt”. Có nghĩa là cháu thích khen thưởng hay thích bị xử phạt. Đương nhiên ai cũng muốn khen thưởng thôi phải không cháu.
Cho nên, trong quản trị nhân sự của doanh nghiệp, cháu nên hướng đến việc khen thưởng hơn là đe dọa, trừng phạt. Đương nhiên không thể không dùng “cây gậy” đối với những trường hợp không tuân theo quy định của tổ chức, doanh nghiệp.
Để nhân viên, người lao động làm việc tốt hơn, cháu nên đưa ra những lời động viên và các chính sách lợi ích. Nhưng cũng rõ ràng minh bạch về sự xử phạt. Cũng đừng bao giờ từ bỏ sự trừng phạt. Củ cà rốt là động lực chính cho người lao động, nhưng cần có cậy gậy thì sự thúc đẩy động lực cho người lao động mới thực sự có hiệu quả.
Cho nên không thể có việc chọn một trong hai củ cà rốt hay cây gậy cháu ạ. Chúng ta cần cả hai, vấn đề là dùng nó thật thích hợp, thật khéo léo.
Doanh nghiệp nên tổ chức bình chọn nhân viên xuất sắc của tháng, của quý, của năm để khích lệ và định hình những thành tích và hành vi được mong đợi và được tuyên dương đối với tổ chức.
Với đa số con người, luôn có tâm lý thích được nghe lời khen, cho nên khi có nhân viên làm việc tốt, cháu phải tuyên dương trước tập thể. Nhưng với người làm việc chưa tốt, cũng cần phản hồi rõ ràng, kịp thời. Đưa ra hai cách giải quyết này, để cháu thấy được là nên sử dụng biện pháp “cây gậy” hay “củ cà rốt”. Đó là sự khéo léo.
Tuy nhiên phản hồi là 1 kĩ năng quan trọng của người lãnh đạo để giúp cho nhân viên thay đổi hành vi kịp thời, chứ không phải cố tình làm mất danh dự của người khác. Đừng tưởng cứ bêu tên người làm việc kém ra trước tập thể là để răn đe, mà đôi khi đây là cách xử phạt phản tác dụng.
Một giám đốc doanh nghiệp biết sử dụng khéo léo “củ cà rốt” và “cây gậy, sẽ luôn nghĩ ra nhiều cách khác nhau để động viên, khen thưởng, thay vì ngồi tìm các biện pháp đe dọa, xử phạt. Tuy vậy đừng vì nể nang, vì sợ mất lòng mà ỉm đi sự xử phạt cũng là một sai lầm lớn. Thủ tiêu trừng phạt đồng nghĩa với việc biến khen thưởng thành hình thức, vô tác dụng.
Tóm lại khôn khéo là điều cần phải chú trọng nhất trong việc lựa chọn củ cà rốt hay cây gậy trên cơ sở tôn trọng người lao động.
Chúc cháu thành công, có gì cần cứ gửi thư cho chú nhé.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)