Giảm căng thẳng khi con vào lớp 1 giữa mùa dịch

Lam Nguyên/ Báo Phụ nữ Việt Nam

 

Ảnh minh họa

—–

Nếu bé bắt đầu đi nhà trẻ được xem là cuộc khủng hoảng tâm lý đầu tiên trong đời, thì theo chuyên gia tâm lý học Phạm Hiền (Hà Nội), trẻ vào lớp 1 chính là giai đoạn khủng hoảng tâm lý thứ hai. Phụ huynh cần làm gì để bé có được các kỹ năng cơ bản để sẵn sàng vào lớp 1?

Giai đoạn khủng hoảng tâm lý thứ hai

Thực tế, nhiều con trẻ khó vượt qua hoặc cần nhiều thời gian để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, thậm chí nhiều cha mẹ nói rằng “tại sao con tôi khi học mẫu giáo đang rất tự tin nhưng khi vào lớp 1 lại bắt đầu co cụm, sợ hãi, không có bạn chơi, không thích đi học, hình thành nhiều tính xấu”…

Theo chuyên gia tâm lý học Phạm Hiền, có nhiều thay đổi lớn về môi trường, về con người nên trẻ không tránh khỏi cảm giác “choáng”. Thứ nhất, trẻ trong độ tuổi này đang thoát dần khỏi giai đoạn ấu thơ. Vốn dĩ tâm lý có nhiều thay đổi, chúng bắt đầu biết cảm nhận các áp lực trong học tập và cuộc sống xung quanh. Thứ hai, môi trường mẫu giáo con không phải làm gì cả hoặc chỉ làm cho vui, ít có sự ép buộc về tiến độ thời gian. Trong khi đó, vào học lớp 1 thì môi trường hoàn toàn thay đổi, các cô giáo nghiêm khắc hơn, nguyên tắc hơn, áp lực học nhiều hơn. 

“Con có rất nhiều nỗi sợ, kể cả khi con chăm học cũng chỉ vì sợ bị cô mắng, không hiểu bài cũng chỉ vì sợ. Điều này khiến tâm lý ở hầu hết các con khi vào lớp 1 thường dễ bị khủng hoảng”, chuyên gia Phạm Hiền phân tích.

Với những lý do trên, các chuyên gia giáo dục nhấn mạnh, yếu tố về tâm lý và cảm xúc là điều quan trọng đầu tiên mà cha mẹ cần chú ý trước khi chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1. Muốn tạo cho con tâm lý thoải mái, cha mẹ hãy cho con làm quen dần với mô hình hoạt động của lớp 1 như cho con đi tham quan trường tiểu học, kể cho con nghe những câu chuyện về trường học và những việc làm sau khi con đến trường, giờ chơi của con sẽ ít lại vì cô giáo giao bài tập về nhà làm… 

Một lưu ý nữa là cha mẹ không nên mắng, thậm chí “dọa” con về môi trường khiến cho bé bị sợ hãi. Thay vào đó, hãy dạy con kỹ năng được nói ra những cảm xúc của mình như cách nhìn nhận người xung quanh, nhìn nhận cảm xúc của chính mình, cách gọi tên bạn để giúp bé có thể làm chủ được cảm xúc hay đồng cảm với người khác.

Và để con sẵn sàng, háo hức hơn khi vào lớp 1, cha mẹ hãy mua sắm đầy đủ các tư trang, dụng cụ học tập. Tất cả đều phải sạch sẽ, gọn gàng và ngăn nắp, nếu có điều kiện thì tốt nhất nên sắm mới và nếu có thể hơn nữa hãy cho các bé tự chọn màu sắc, mẫu mã cho mình. Nếu có thể, hãy mua theo sự lựa chọn và sở thích của con để con tăng thêm sự vui vẻ với những “người bạn” mới. 

Một lưu tâm nữa là bố mẹ không nên vì “bệnh thành tích” mà ép con học quá nhiều, dạng như các lớp “tiền lớp 1”. Không ít phụ huynh đã nôn nóng, lo lắng mà cho con học đánh vần, kể chuyện, làm toán, tập viết… trước cả tháng, cả năm, thậm chí cả những tài liệu tham khảo, nâng cao. Cha mẹ cần phải biết rằng, khi học nhiều, trẻ sẽ cảm thấy rất nhàm chán, không còn hứng thú, sáng tạo, không chịu tập trung nếu các bé được học những bài đầu tiên mà cảm thấy không có gì mới mẻ.

Và dĩ nhiên, trong mùa dịch Covid-19 này, phụ huynh hãy dạy con thật thuần thục các kỹ năng tự bảo vệ mình, trong đó là thói quen đeo khẩu trang liên tục, để khẩu trang đúng nơi quy định (túi xách, ba lô), tránh để quên. Các loại khẩu trang nên dùng loại mềm, thấm hút nhanh mồ hôi và thoáng khí để trẻ không thấy khó chịu. 

Hãy chuẩn bị một chai nước cá nhân, một lọ nước rửa tay khô lành tính để con có thể tự rửa tay bất cứ lúc nào. Tăng cường các bữa ăn giàu vitamin, khoáng chất, tăng trái cây, rau xanh để thêm đề kháng cho trẻ. Và cha mẹ hãy giữ liên lạc với giáo viên bất cứ lúc nào cần thiết, để sẵn sàng hỗ trợ cô giáo, nhà trường trong những ngày đầu con bỡ ngỡ đến lớp.

 

NGUỒN:  Theo Báo Phụ Nữ Việt Nam

Link bài: Giảm căng thẳng…

(https://phunuvietnam.vn/giam-cang-thang-khi-con-vao-lop-1-giua-mua-dich-20200820183111194.htm)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *