Phúc Tiến/ Báo Người Đô Thị
Trước khi các nhà ga vận hành, mong MAUR sẽ tổ chức những chuyến du hành đi bộ trong lòng đất Sài Gòn qua đường hầm metro cho giới trẻ và những người quan tâm khám phá lịch sử thành phố.
Một ngày nóng bức đầu tháng 7.2020, chúng tôi cùng các chuyên viên của MAUR (Ban Quản lý Đường sắt đô thị) mặc vào bộ đồ bảo hộ gọn nhẹ, bắt đầu đi bộ trong đường hầm metro vừa hoàn thành từ ga Nhà hát TP.HCM (TP) đến ga Ba Son. Chúng tôi háo hức mang theo không chỉ máy ảnh mà còn là ký ức về đô thị và các metro xa gần.Cung điện ngầm đồ sộ
Ga Nhà hát TP là ga metro đầu tiên trong tuyến Bến Thành – Suối Tiên đã hé lộ “dung nhan” đón khách. Cửa nhà ga ngầm trổ lên trên vỉa hè – gần khách sạn Rex (đường Lê Lợi) và trụ sở Saigontourist (công trường Lam Sơn) có mái che bằng kính cường lực, kiểu dáng tân kỳ. Chụp hình tại đây, bỗng nhớ các cổng lên xuống metro ở Paris, ra đời từ năm 1900, có khung vòm mái và lan can theo lối cổ điển. Đường nét khung vòm uốn lượn cong cong rất điệu nghệ, đúng chất Paris.
Thêm nữa, nằm bên các cổng lên xuống, luôn có cái cột đèn cũng bằng gang, gắn cái biển nền đỏ chữ vàng METRO rất duyên dáng. Đi từ xa, thấy cái “điểm son” ấy là biết ngay có ga tàu điện dưới chân phố phường! Ờ nhỉ, sau này, mong sẽ có cuộc thi thiết kế mang dấu ấn đặc trưng Sài Gòn cho các cổng lên xuống và trụ đèn báo hiệu metro của thành phố. Chẳng hạn, kiểu dáng dòng sông Sài Gòn uốn khúc khỏe khoắn. Hay tháp đồng hồ uy nghi của chợ Bến Thành. Hoặc mái Nhà rồng cường tráng…
Nghĩ vui như vậy, chúng tôi bồi hồi rời mặt đường, bước xuống tầng một nhà ga. Qua hai lượt cầu thang ốp đá granite màu nâu sẫm, tầng một – cách mặt đất gần 9m, xuất hiện sáng loáng như một gian thương xá rộng lớn. Mặt bằng tầng này có đến hàng ngàn mét vuông, với chiều dài 190m và chiều rộng 26m. Ô kìa, các bảng hướng dẫn, các máy bán vé và cửa ra vào kiểm soát bằng thẻ thông minh đã được lắp đặt gọn gàng. Song, nổi bật hơn cả, suốt hành lang dài, có một loạt khung ảnh lớn – gắn trên tường, gồm nhiều hình ảnh và bản vẽ ghi lại các giai đoạn xây dựng metro. Hay lắm, đúng lắm, không gian công cộng của các nhà ga không nên chỉ dành cho các bảng quảng cáo!
Rời tầng một, chúng tôi đi xuống ba tầng kế tiếp, trên những bậc thang thô ráp – chưa lót gạch. Đây là khu vực còn đang thi công, trong đó tầng hai và tầng bốn là sân ga nơi tàu metro đến và đi liên tục trong đường ống. Đây rồi, sừng sững trước mắt chúng tôi – đường ống metro hình tròn khổng lồ hun hút, có đường kính khoảng 6m. Vách trong đường ống chi chít những ô vuông nhỏ đều đặn – dấu tích của các con ốc vít chuyên dụng. Lúc này, trong ánh đèn sáng rực của nhiều hộp đèn lớn lan tỏa, khung cảnh đường ống và sân ga trông như một cung điện ngầm đồ sộ, mới “bóc tem”.
Khắp công trường, bụi và mùi bê tông lạnh toát lan tỏa trong ánh sáng đèn trắng bạc. Nó gợi nhớ trong tôi hình ảnh đường tàu và sân ga metro mộc mạc, chỉ có gam màu lạnh, mang vẻ buồn cô độc nào đấy ở thủ đô Washington D.C – Mỹ. Trong khi đó, các metro ở London, Paris hay Berlin, Budapest có nhiều màu sắc, trông ấm cúng hơn. Tuy nhiên, về mặt này các metro ở châu Á như Tokyo, Hồng Kông và Singapore lại khác biệt hẳn bởi luôn có màu cam, xanh hay vàng đỏ – rực rỡ và thân thiện. Với metro Sài Gòn, màu và “thần thái” sắp tới sẽ như thế nào?
Đây đó, công nhân và kỹ thuật viên qua lại, kiểm tra nền đường ống và các thiết bị liên quan. Kỹ sư Hoàng Tuấn của nhà thầu Nhật, người hướng dẫn chúng tôi tại đây, cho biết hai đường ống chuẩn bị chuyển sang giai đoạn lắp đường ray cho tàu chạy. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, đường ray trong đường ống ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP và ga Ba Son sẽ được lắp ráp xong. Còn đường ray chạy trên mặt đất và chạy trên cao từ ga Ba Son đến ga cuối – Suối Tiên đã kết thúc thi công. Nếu mọi việc đúng tiến độ, vào đầu năm 2021, chuyến metro đầu tiên sẽ chạy thử từ cả hai đầu.
Hiện giờ, tàu metro còn đang chờ ở Nhật do COVID-19 gây ách tắc. Nhưng tài xế metro – một nghề mới, hơn 50 người đã được tuyển vào lớp huấn luyện ở Việt Nam. Chao ơi, nghĩ đến ngày được làm hành khách trên con tàu ấy, chúng tôi càng thấy rạo rực. Nhưng bây giờ, càng rạo rực hơn nữa khi chúng tôi là khách đi bộ hiếm hoi trong đường hầm metro, trước giờ khánh thành. Sau này, chắc chắn sẽ khó có những cuộc đi bộ trong lòng đất như thế!
Dưới chân bốn thế kỷ
Đang bắt đầu thả bộ khoảng 20m trong đường ống, bất ngờ chúng tôi nghe anh Tuấn nhắc: “Mình đang đứng dưới chân công viên Nhà hát TP!”. Hóa ra hai đường ống chạy ngầm từ công trường Lam Sơn băng qua đường Đồng Khởi, khu vực nằm giữa Nhà hát TP và khách sạn Caravelle. Từ đây, cả hai băng qua đường Hai Bà Trưng đến đường Nguyễn Siêu. Sau đó, hai đường ống xuyên thẳng đến đường Tôn Đức Thắng, vào khu vực bên trên là Ba Son. Chúng tôi đi từng bước chầm chậm thưởng ngoạn con đường. Thỉnh thoảng lại gặp một bức hình của góc phố bên trên đặt trên vách đường ống. Anh Tuấn cười vui vẻ, “tiết lộ” đây là những bảng chỉ dẫn tạm thời, vừa đặt cho đoàn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham quan đường hầm mấy hôm trước.
Thật thú vị, đường nối hai nhà ga chạy dưới lòng đất chỉ dài 781m nhưng đi qua rất nhiều dấu tích tiêu biểu của lịch sử Sài Gòn – xuyên suốt bốn thế kỷ. Đầu tiên là đường Catinat – được đặt tên năm 1865 (sau 1955 đổi thành Tự Do và sau 1975 là Đồng Khởi) vốn là con đường từ thành Gia Định thế kỷ XVIII – dành cho vua đi ra bến thuyền (ngày nay là vị trí phía trước khách sạn Majestic). Một nửa đường Catinat từ Nhà thờ Đức Bà đến Nhà hát TP, khi Pháp mới xây dựng lại Sài Gòn, được dành cho các công sở. Còn từ Nhà hát TP đến bến Bạch Đằng là đoạn đường hoa lệ với nhiều nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, cửa hàng sang trọng. Mở đầu thế kỷ XX, Catinat có thêm các tòa báo, nhà in, nhà sách – từ ấy con đường dập dìu cả văn nhân và giai nhân nhiều thế hệ.
Nhà hát TP, khánh thành đúng năm 1900, với mặt tiền mang dáng hình của Petit Palais (Cung điện nhỏ, khu triển lãm ở trung tâm Paris) là biểu tượng huy hoàng của một đô thị phong lưu về cả kinh tế và văn hóa. Đã có thời gian, trong 20 năm từ 1955 – 1975, Nhà hát TP được dùng làm trụ sở Quốc hội của miền Nam cho nên khu vực này còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện chính trị lớn lao. Bên hông Nhà hát là khách sạn Caravelle, xây năm 1959, nguyên là khách sạn và nhà hàng Café Terrase nổi tiếng trước 1945. Trên nóc tòa nhà 10 tầng của khách sạn, có mô hình chiếc tàu buồm Caravelle hình dáng thanh tú -– biểu tượng của những cuộc viễn du hải hành từ thế kỷ XV.
Phía sau Nhà hát, nơi đường metro chạy dưới đường Nguyễn Siêu, có tòa nhà trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN, được dựng trên nền nhà máy điện đầu tiên của Sài Gòn – cũng là nhà máy điện đầu tiên của Việt Nam. Và rồi, đường metro đi xuyên qua khu vực hải quân ngày trước: đường Thái Văn Lung – đường Ngô Văn Năm – đường Tôn Đức Thắng. Thời Nguyễn Ánh – Gia Long, nơi đây là khu vực doanh trại thủy quân mà cái tên lưu dấu gọi chung là Đồn Đất. Kế đến là xưởng Chu Sư – nơi sửa chữa và đóng tàu thuyền, nằm ngay góc sông Sài Gòn, giao với rạch Thị Nghè.
Khi Pháp vào, họ cũng giữ nơi này làm sở chỉ huy, bệnh viện, doanh trại, kho bãi của hải quân. Đặc biệt, họ mở rộng xưởng Chu Sư thành nhà máy công nghiệp đa năng, người Việt quen gọi là Ba Son. Nhà máy Ba Son không chỉ là nơi sửa chữa và đóng chiến thuyền và thương thuyền. Đó còn là chiếc nôi các ngành nghề cơ khí quy mô lớn đầu tiên của Đông Dương, bao gồm chế tạo, luyện kim, gò đúc… Sản phẩm lớn nhất của Ba Son lại chính là giai cấp công nhân hiện đại, chữ xưa gọi chất phác là “thợ thuyền”.
Những con rồng thời đại mới
Vừa đi, vừa chụp ảnh và chuyện trò, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đi bộ ra đến phần ga Ba Son. Hai đường ống chạy tàu trên và dưới khi ra đến ga Ba Son đã tách ra chạy song song trên cùng một mặt phẳng. Đường ống lúc này thay vì tròn đã chuyển sang vuông với quy mô khổng lồ không kém. Ga Ba Son có diện tích lớn hơn – khoảng gấp đôi ga Nhà hát TP nhưng chỉ có có hai tầng, cách mặt đất 20m. Tàu metro chạy đến ga sẽ từ từ trồi lên mặt đất.
Phía xa xa, nơi hai đường ống mở ra lộ thiên là những tòa nhà chọc trời của khu Landmark 81 – dấu hiệu hùng tráng của thế kỷ XXI, mọc lên trên nền mây trắng thanh bình. Anh Tuấn cho biết ga Ba Son có 5 lối lên xuống, trong đó có một lối lên nằm dọc bờ sông Sài Gòn.
Chúng tôi rời ga bằng lối này và bất ngờ trông thấy quang cảnh một phần các ụ tàu xưa của Ba Son – khu vực hẹp dọc đường Tôn Đức Thắng, từ khoảng cao ốc Landmark đến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Đứng tại đây, tôi thấy rõ các trụ cầu Thủ Thiêm 2 hùng vĩ mọc lên trên mặt nước, đợi ngày “hợp long”. Ô la la, đường metro cũng là con rồng oai vệ, vừa bay cao vừa đi ngầm, uốn lượn ngoạn mục đó chớ!
Phải mất hơn 6 năm, con rồng này mới ra đời và khởi động. Sau chú rồng Bến Thành – Suối Tiên, trong vòng 10 năm nữa sẽ có thêm 6-7 con rồng metro khác lần lượt ra mắt và hội quân. Metro – phương tiện giao thông công cộng lớn và nhanh đang nảy nở mau chóng và sẽ tác động mạnh nhiều mặt đến đại đô thị Sài Gòn. Trong tương lai không xa, nhiều vấn đề mới mẻ về kinh tế, môi trường và ngay cả văn hóa và lối sống sẽ xuất hiện cùng metro. Ô hay, theo đường ngầm metro vào lòng đất Sài Gòn, lại có dịp nghĩ đến nhiều chuyện không chỉ liên quan quá khứ mà còn gắn bó chặt chẽ với hiện tại và tương lai.
Trong đó, không thể nào bỏ qua chuyện kết nối lịch sử! Đầu năm nay, trong hành lang nhà ga ngầm cuối cùng của đường MRT Circle Line (*) mới khánh thành ở Singapore, tôi đã gặp một “bảo tàng mini” có nhiều hình ảnh và hiện vật, kể chuyện quá trình khai sinh đường tàu. Với các tuyến metro đầu tiên của Việt Nam, hãy để dành ngay một không gian nhất định tại các nhà ga cho các góc ký ức – kỷ niệm lịch sử công trình! Và không chỉ lịch sử metro…
Rời đường hầm và công trường metro, tôi nhớ đến Jules Vernes và tác phẩm Du hành vào lòng Trái đất. Thôi thì chưa thám hiểm được lòng Trái đất nhưng được đi bộ trong đường hầm metro như thế này là “sướng” lắm rồi! Trước khi các nhà ga vận hành, mong MAUR sẽ tổ chức những chuyến du hành đi bộ trong lòng đất Sài Gòn qua đường hầm metro cho giới trẻ và những người quan tâm khám phá lịch sử thành phố.
Ở nhiều nhà ga tàu điện ngầm nước ngoài, đều có các bức ảnh phóng lớn hoặc màn hình LED thể hiện đời sống phố phường của các khu phố bên trên nhà ga. Hàng triệu người hàng ngày qua lại metro được kết nối với quá khứ và hiện tại của đô thị và đất nước mình, một cách lý thú và gần gũi. Qua đó, càng yêu và càng muốn gìn giữ những công trình xây đắp làm nên thành phố nguy nga – tài sản chung của quốc gia và nhân loại!
Thủy tổ metro ở Sài Gòn là xe Tram 1881
Cách đây gần đúng 140 năm, Sài Gòn đã có phương tiện giao thông công cộng trên đường sắt là xe Tram. Tuyến Tram đầu tiên chạy từ Chợ Lớn dọc theo kênh Bến Nghé đến Cột cờ Thủ Ngữ. Sau 1914, lại có thêm đường Tram từ Chợ Lớn ra chợ Bến Thành và nhà ga xe lửa Sài Gòn. Từ đây, xe đi tiếp đại lộ Bonard (Lê Lợi), băng ngang đường Catinat (Đồng Khởi) vòng qua Nhà hát TP, đến đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), rồi thẳng lối qua Phú Nhuận đến Gò Vấp. Tuy nhiên, xe Tram Sài Gòn xa xưa thời kỳ đầu chưa phải là xe chạy bằng điện mà là đoàn xe được kéo bằng đầu máy xe lửa mini (steam tramline), có nồi súp-de bốc khói! Trong khi đó, metro ngày nay – chạy bằng điện hoàn toàn với tốc độ rất cao, trong đường hầm là 80km/h, còn chạy lộ thiên là 100km/g. Quả là một sự thay đổi lớn lao trong lịch sử giao thông công cộng của đô thị! |
—–
(*) Ở Singapore, tên gọi metro là MRT – Mass Rapid Transit – phương tiện di chuyển nhiều người tốc độ nhanh.
NGUỒN: Theo Báo Người Đô Thị
Link bài: Theo đường hầm…
https://nguoidothi.net.vn/