Nguyễn Hải Linh/ Báo Phụ Nữ Tp HCM
Hãy tưởng tượng một sân trường đầy smart phone “hợp pháp”, và mỗi khi cần trao đổi với nhau, lũ trẻ sẽ cắm cúi nhắn đi nhắn lại trên mấy ứng dụng, thay vì quay sang nhìn bạn bè rồi mở miệng…
Hôm trước, tôi thấy một tờ báo mạng khảo sát về việc có nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, tôi liền tham gia bình chọn với ý kiến là phải cân nhắc lợi hại, chứ áp dụng vội vàng, bất cập là… chết. Nhưng tôi cứ nghĩ, đó mới là dự thảo, chưa áp dụng.
Cho tới cuối tuần rồi đi họp phụ huynh, tôi choáng váng nghe giáo viên nói rằng năm nay các con sẽ được mang điện thoại tới trường, được sử dụng trong lớp, tất nhiên là với sự đồng ý và giám sát của giáo viên…
Hỡi ơi! Không ít bậc cha mẹ ngồi dưới lắc đầu, thở dài đầy lo âu. Điện thoại mang đến lớp, đương nhiên là phải “thông minh”. Một cái máy tàm tạm cũng mấy triệu bạc. Sẽ có những phân bì như: “Bạn con xài máy xịn máy tốt máy đang hot mà con lại phải dùng thứ đồ lạc mốt chậm rì này sao?”
Bao nhiêu phát sinh, bấy nhiêu gánh nặng đổ lên đầu phụ huynh, và cả thầy cô nữa. Lên lớp dạy thôi đã đủ mệt, giờ phải quản lý và phân xử xem “bạn A. lên mạng để chơi hay tìm hiểu bài học, bạn B. cầm máy được sao lại la con”… đủ vất vả điên đầu!
Chúng ta là người lớn, xin hỏi một câu thực tâm, là quý vị có bị “lậm” điện thoại như tôi không? Quý vị từng nghiêm túc nhìn lại, suy nghĩ xem, thời gian mỗi ngày mình dành cho “cái alo” có phải quá nhiều không? Đó giống như một thói quen khó bỏ, khó thay đổi, đặc biệt là khó cai nghiện không? Quý vị có khả năng rời bỏ cái vật bất ly thân ấy một buổi, nửa ngày, một hôm, hay vài bữa không?
Chẳng cần phải nói nhiều về sự hai mặt của công nghệ, cũng như những bất an liên quan tới “thế hệ cúi đầu”, “thế hệ ngón tay cái” bây giờ. Đâu đâu cũng thấy người ta hí húi. Một mình hay giữa tình thân, đều khó thay đổi thói quen ấy. Tiện lợi, hấp dẫn, bổ ích, nhiều thông tin, nhanh chóng… tôi công nhận, nhưng mặt trái của nó, hẳn không ai dám phủ nhận.
Bao nhiêu ông bố bà mẹ đang vật vã cấm đoán khuyên lơn, năn nỉ, mắng mỏ con mỗi ngày, liên quan tới việc “buông cái điện thoại ra một chút được không!”. Nếu cảnh ấy xa lạ với quý vị, không là chuyện hàng ngày ở nhà quý vị, thì xin chúc mừng. Con cái của quý vị đang là những đứa trẻ… hiếm.
Tôi không thiếu tiền để mua cho con một cái điện thoại thông minh loại tốt, nạp thẻ, mua gói data cho con. Tôi cũng không phải là người cực đoan, bài xích tiến bộ, chê bai khoa học công nghệ, hay cứng nhắc trong giáo dục con cái. Nhưng tôi vẫn thấy sợ hãi khi hình dung, con mình mỗi ngày sẽ rời nhà với cái điện thoại nắm chặt trên tay, hoặc nằm sẵn chờ đợi đầy háo hức trong cặp.
Chắc chắn con sẽ tranh thủ mọi giây phút có thể để dán mắt vào đấy. Cái sự say mê đến bỏ cơm bỏ ngủ, bỏ học hành bỏ chuyện trò của bọn trẻ dành cho điện thoại và ti tỉ thứ hấp dẫn bí ẩn trong đó, bạn từng đối mặt giống tôi chưa?
Khi bạn ý thức được rằng, điện thoại đang “cướp” mất đứa con mình yêu quý, thì bạn hẳn sẽ đồng cảm cùng tôi. Tâm trạng cáu giận, nỗi lo âu, sự bất lực, cảm giác bị con mình “bỏ rơi”, ý nghĩ “ganh tỵ” với cái điện thoại… những cảm xúc đáng buồn ấy tôi đã, đang và chắc sẽ còn phải trải qua dài dài…
Tôi phản đối cái sự “cho phép” này của ngành giáo dục. Cảm tưởng như con trẻ đang bị mang ra “thí điểm” kiểu, cứ buông cho chúng xài điện thoại rồi tính tiếp vậy. Tôi tin rằng việc những người lạc quan nói “chỉ cần quản chặt” không hề đơn giản.
Đành rằng không cho con trẻ sử dụng trong lớp, thì ở nhà chúng vẫn òn ỉ mượn mõ cái thiết bị cảm ứng ấy, quẹt quẹt liên tục với bao nhiêu lý do: Lên group (nhóm) lớp để xem thời khóa biểu, báo bài, hẹn giờ, lịch thi lịch học, bài tập cô giáo cũng cho trên ấy… Đành rằng hiện nhiều đứa trẻ vẫn lén mang điện thoại tới trường và lén sử dụng.
Nhưng dù sao thì “lén” hoặc dùng ngoài giờ học vẫn đỡ hơn là dọn sẵn một con đường “hợp pháp” cho lũ trẻ vin vào đó mà thoả thuê sở hữu một cái điện thoại, một lý do chính đáng chống lại mọi thỏa thuận, cấm đoán.
Bạn hãy tưởng tượng một sân trường đầy smart phone “hợp pháp”, và mỗi khi cần trao đổi với nhau, bọn trẻ sẽ cắm cúi nhắn đi nhắn lại trên mấy ứng dụng, thay vì quay sang nhìn bạn bè và mở miệng…
Tôi chỉ muốn con cái lớn lên khỏe mạnh, linh hoạt, không mù mờ mắt mũi, không chậm chạp béo phì, không cày game quên ngày đêm, không học hành bê trễ, không ngại giao tiếp, không dối gạt kiếm tiền nuôi điện thoại… Tất cả những nguy cơ ấy đều có thể tránh được phần nào, nếu con tôi không được “cấp phép” mang điện thoại tới trường!
NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Tôi phản đối…
https://www.phunuonline.com.