Trần Vũ Nghi/ Báo Tuổi Trẻ
—–
Hơn 360kg bao cao su, hàng triệu găng tay, kim tiêm, khẩu trang y tế… đã qua sử dụng được các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thu gom trôi nổi khắp nơi, sau đó “mông má” lại rồi bán ngược ra thị trường.
Những vụ việc sơ chế bất lương này liên tiếp bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ trong thời gian gần đây đã làm dấy lên không ít sự phẫn nộ lẫn hoảng sợ cho người tiêu dùng, nếu chẳng may mua phải các “của nợ” đó.
Nếu hiểu một cách đúng nghĩa, các hoạt động tái chế đều phải được sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để thu lại các thành phần có giá trị từ chất thải.
Thế nhưng, vì lòng tham, những “gian thương” nói trên đã không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn nào, miễn thu được nguồn lợi bất chính.
Còn hậu quả, thậm chí gánh nặng, để lại cho xã hội, cho từng gia đình lại vô cùng khủng khiếp: nguy cơ lây nhiễm y tế, bệnh lý qua đường tình dục, dị ứng, mang thai ngoài ý muốn tăng cao, kéo theo các bất hòa âm ỉ mà chính người trong cuộc cũng không thể ngờ được nguyên nhân từ đâu.
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng để gọi được đúng tên và xử lý thích đáng các hành vi sơ chế bất lương trên theo khung luật định hiện hành hoàn toàn không đơn giản, khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”, dù hệ lụy tiêu cực của nó gây nhức nhối cho cả xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính và cả niềm tin cho người tiêu dùng.
Với các nhà sản xuất chân chính, thật không may khi sản phẩm của họ bị chính những gian thương cố tình sử dụng thương hiệu, hình ảnh để làm giả, làm nhái hoặc gây hiểu lầm về nhận diện thương hiệu đối với người tiêu dùng.
Vì không chỉ tính minh bạch của thị trường hàng hóa bị đảo lộn mà công sức gầy dựng uy tín, phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp trong phút chốc cũng “không cánh mà bay” bởi sự phá hoại có chủ đích này.
Theo quy định của pháp luật, để xử lý được hàng giả thì bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Và không ít hàng giả, hàng kém chất lượng lại “ngốn” chi phí giám định rất đắt.
Do đó, khi đưa đi giám định, lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu đúng là hàng giả thì buộc phải tiêu hủy ngay, trong khi quy định hiện hành bắt buộc chính đương sự vi phạm phải là người nộp khoản tiền giám định đó.
Nhưng vì thiếu cơ chế thực thi nên hầu như không có đương sự nào tự nguyện chịu nộp và việc cưỡng chế thi hành cũng rất khó khăn.
Tới đây, để ngăn chặn hiệu quả hơn các hành vi tổ chức và tiêu thụ những sản phẩm gây tổn hại không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả… tinh thần của người sử dụng, như… bao cao su đã qua sử dụng nói trên, việc cơ quan thực thi pháp luật cần gấp rút bổ sung vào luật định những tên gọi, loại hình vi phạm ngày một phát sinh mới trong thực tiễn, từ đó có thể định đúng được tội danh cho quá trình xử lý vi phạm, là hết sức cần thiết.
Đồng thời, ngoài ý thức cảnh giác và nêu cao tinh thần chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng của người tiêu dùng, các doanh nghiệp – chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ – cũng cần thấy họ không chỉ có quyền mà còn có cả trách nhiệm trong công tác phối hợp, hợp tác với các cơ quan hữu trách, thay vì cho rằng việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật.
NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Sơ chế bất lương
https://tuoitre.vn/so-che-bat-