Khóc, cười học nghề

Đình Thắng/ Báo Tiền Phong

Sinh viên Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: Phạm Hùng- Báo Kinh Tế Đô Thị

—–

Cách đây 3 năm, trong 1 hội nghị về đào tạo nghề nông thôn, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chua chát thông tin: Một xã có tới 600 người đăng ký học hoạn lợn. Sở dĩ, người ta đăng ký học một nghề không phổ biến vì đó là “miếng bánh” có thể trục lợi. Đăng ký thật nhiều để lấy kinh phí nhà nước rót xuống.

Sau phát biểu đó, tình trạng hiện nay ra sao? Học nghề nông thôn vẫn đầy hư, ảo. Ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), người ta xây hẳn trung tâm giáo dục nghề hàng chục tỷ đồng, bề thế, khang trang, rồi phải tìm cách giải cứu vì không có ai học. Không riêng gì nơi đây, nhiều tỉnh, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên tình trạng lãng phí, vô bổ diễn ra phổ biến. Đắk Nông một tỉnh nghèo nhưng vẫn không chịu kém cạnh trong việc lãng phí trung tâm dạy nghề phụ nữ (đầu tư 23 tỷ đồng, nhưng 10 năm chỉ mở vài lớp). Mới đây nhất, tại huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), công an đã phải vào cuộc trước kê khai gian dối của trung tâm giáo dục nghề nghiệp của huyện này. Học viên học 10 buổi bỏ ngang vẫn được kê đủ 38 ngày; giảng viên mới đi học 2 ngày đã được đứng lớp; giảng viên chuyên ngành tiếng Anh phải đứng lớp dạy bán hàng. Dường như đang diễn ra một cuộc đua lãng phí tiền ngân sách nhà nước.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH), năm nay, chi thường xuyên bằng tiền ngân sách cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề là 258.750 tỷ đồng, bằng 24,49% tổng chi thường xuyên NSNN (ngân sách trung ương 30.250 tỷ đồng, ngân sách địa phương 228.500 tỷ đồng). Con số chi cho lĩnh vực này năm ngoái, thấp hơn một chút.

Một câu hỏi đặt ra, đã có hệ thống dạy nghề tư nhân (nhiều bậc), sao phải tồn tại các trung tâm hưởng tiền ngân sách tại các tỉnh, huyện? Trong khi các trường dạy nghề tư nhân linh hoạt đào tạo theo nhu cầu cho doanh nghiệp và xã hội, nhiều trung tâm nhà nước đào tạo lấy chỉ tiêu, thậm chí rút tiền nhà nước trái phép. Câu chuyện 600 người trong 1 xã đăng ký học nghề hoạn lợn e rằng chưa kết thúc nếu sự giám sát lơi lỏng.

Ở huyện Ea H’leo, nếu báo chí không vào cuộc, có khi cuối năm, bảng thành tích đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn sẽ ngồn ngộn các con số xen lẫn những lời tung hô hoa mỹ. Ngân sách nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, chi tiêu 1 đồng cũng phải cân nhắc. Nhu cầu học nghề và cách thức đào tạo chỉ có thể hiệu quả bằng chính sách tốt. Hiện nay, nhiều thanh niên không chỉ lập nghiệp bằng con đường duy nhất vào đại học. Thậm chí, nhiều thanh niên du học các nước Úc, châu Âu tốt nghiệp phổ thông trung học, còn giành 1 năm học nghề rồi mới thi vào đại học. Họ làm vậy để khi vào bậc đại học, có thể tự nuôi thân bằng chính nghề có sẵn đó. Ở Việt Nam, nhiều công nhân tại một số khu công nghiệp còn giấu bằng cao đẳng, đại học và trình chứng chỉ nghề để xin việc.

Nguồn:  Theo Báo Tiền Phong

Link bài: Khóc cười…

https://www.tienphong.vn/toi-nghi/khoc-cuoi-hoc-nghe-1730062.tpo

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *