Hải Hiền theo Soho/ Báo VnExpress
Đó không phải những lần cãi vã triền miên, những giọt nước mắt buồn tủi mà là sự lạnh nhạt hoàn toàn từ phía hai người.
Bài viết của nhà văn với bút danh Shuyihuizhongyuan đăng trên diễn đàn dành cho gia đình tại trang sohu.com
Một người bạn của tôi kể về việc ly hôn với vợ cũ.
Trước kỳ thi đại học của con, người vợ nói với anh: “Chúng ta sẽ ly hôn khi con thi xong đại học”. Vốn dĩ anh nghĩ đây chỉ là câu nói nhất thời nhưng không ngờ lại thành sự thật.
Bước ra từ tòa án, anh ta khóc, nhưng vợ lại mỉm cười. Cô nói đã chờ đợi ngày này 18 năm. Trước khi cưới, anh bạn tôi nói sẽ chiều chuộng, bảo vệ và sẽ không để vợ làm những việc khó nhọc. Cưới xong, vợ thúc giục làm việc nhà, anh luôn lảng tránh: “Anh mệt quá, em tự làm một mình đi”. Lúc đầu người vợ cằn nhằn vài lời, sau đó cô luôn tự làm mọi việc một mình. Bạn tôi đã rất vui, nghĩ thế này: “Phụ nữ luôn như vậy. Phải kiên quyết ngay từ đầu để sau này ngoan ngoãn tự làm”.
Sau khi sinh, không có ai giúp đỡ nên người vợ phải nghỉ việc ở nhà. Mỗi lần vợ hỏi tiền, anh đều cảm thấy khó chịu và không ngừng dè bỉu: “Chẳng phải em chỉ ở nhà trông con sao. Mua quần áo mới cho ai ngắm”. Sau đó vợ tự đi làm và không yêu cầu anh phải trả một xu nào.
Có lần đi uống rượu với một người bạn, hát hò cả đêm không về nhà, người bạn liên tục nhận được cuộc gọi giục giã từ vợ, còn vợ anh không gọi lần nào. Lúc đó anh lớn tiếng chê cười người bạn, cho rằng anh ta thật không biết cách dạy vợ. Mười mấy năm vợ tự kiếm tiền, tự nuôi con, tự làm việc nhà, dù có chuyện gì xảy ra trong gia đình cũng không bao giờ nhờ vả anh. Người bạn tôi cảm thấy tự mãn về điều đó và cho rằng vợ mình cuối cùng cũng được rèn luyện để trở nên dịu dàng và biết điều.
Trong ngày ly hôn, người vợ đã nói một câu khiến anh đau thấu tim: “Sau gần 20 năm chung sống, anh không phải là chồng em nữa. Anh chỉ là bố của con trai em”. Cô ấy nói rằng, nguyên nhân xa rời anh không bởi phải sự hờn giận, oán trách, mà bởi không còn mong đợi ở chồng một điều gì nữa.
“Những người muốn rời đi, tiếng đóng cửa luôn nhẹ nhàng nhất. Tất cả những sự phô trương, hào nhoáng bên trong căn nhà trước đó thực sự trong lòng tôi không còn chỗ chứa”, người vợ nói.
Vậy cuộc hôn nhân tồi tệ là gì?
Đó không phải những lần cãi vã triền miên, những giọt nước mắt buồn tủi mà sự lạnh nhạt hoàn toàn từ phía hai người. Sau khi sinh con, phụ nữ thường mệt mỏi với việc chăm sóc gia đình, đàn ông mệt mỏi bởi áp lực tài chính. Hai vợ chồng đều có những khó khăn riêng, nếu một bên luôn phớt lờ đóng góp của đối phương thì mối quan hệ ban đầu dù có tốt đẹp tới đâu cũng dễ tan vỡ. Rõ ràng, dù cùng chung sống dưới một mái nhà nhưng lại mất đi động lực giao tiếp, tổ ấm lạnh như hầm băng, cuộc hôn nhân như thế khó lòng giữ được.
Trong bộ phim truyền hình “Gặp gỡ hạnh phúc”, nữ chính ly hôn đã nói một câu: “Hôn nhân không đơn giản như bạn nghĩ. Hai người sống với nhau và bạn chỉ còn lại một mình”. Những người đã trải qua chắc chắn sẽ hiểu câu nói này.
Hôn nhân không phải là chuyện của một người. Dù nam hay nữ, ai cũng muốn được yêu thương, không ai muốn “biến” mình thành ốc đảo. Hai người giao tiếp bằng tinh thần và sự quan tâm trong cuộc sống thì hôn nhân mới bền vững.
Người sáng lập hãng sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Smartisan Technology Lạc Vĩnh Hạo nói rằng chỉ cần trở về nhà và nhìn thấy vợ, mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. Người ngoài luôn biết Lạc tính khí nóng nảy nhưng trước mặt vợ anh chưa khi nào mất bình tĩnh. Dù công việc bận rộn, đi công tác triền miên, bữa cơm của hai vợ chồng cả năm chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng tình cảm giữa họ vẫn nồng ấm. Nhiều người đặt câu hỏi: “Làm sao hai vợ chồng vẫn hạnh phúc khi anh quá bận rộn như vậy?”. Lạc trả lời: “Tôi luôn kể cho cô ấy nghe những việc xảy ra ở công ty. Thế là đủ”. Với vị tổng giám đốc này, vợ là người biết lắng nghe và tâm lý.
Người có cuộc hôn nhân không hạnh phúc, có thể kéo bạn bè đi uống rượu lúc không vui. Nhưng bạn bè có thể ở lại được bao lâu khi ai cũng phải trở về nhà sau cuộc nhậu. Chỉ còn mình họ vẫn mở to mắt và sống trong nỗi cô đơn trước khi bình minh tới.
Một cuộc hôn nhân tốt đẹp chính là chỗ dựa quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người. Tinh thần giao thiệp và sự bao dung là điều kiện tiên quyết để gắn kết cuộc hôn nhân bền vững.
Mối quan hệ giữa hai người khi bắt đầu luôn tốt đẹp vì những gì họ thể hiện lúc đó luôn là thế mạnh của bản thân. Nhưng không biết từ khi nào, có người trở nên lãnh đạm, có người khi đủ thất vọng sẽ quay lưng bỏ đi. Chưa bao giờ có một cuộc hôn nhân hoàn hảo. Nếu có đó chỉ là ảo tưởng.
Người dẫn chương trình nổi tiếng Trung Quốc Từ Lỗi từng nói câu thế này: “Trên đời này chẳng bao giờ có cái gọi là hôn nhân trời định. Tất cả hạnh phúc có được đều là máu chảy ròng ròng và trái tim vướng víu như kim châm”.
Theo ông Từ, hôn nhân đòi hỏi hai người phải dựa vào nhau, cùng giúp đỡ lẫn nhau. Nó đòi hỏi người vợ phải quan tâm đến áp lực và cảm xúc của chồng, không gây rắc rối một cách vô lý. Nó cũng yêu cầu người chồng phải tôn trọng sự đóng góp của vợ, chia sẻ việc nhà nhiều nhất có thể và quan tâm tới vợ nhiều hơn.
Dù con người ở độ tuổi nào thì gia đình vẫn là nơi trú ẩn an toàn và đáng tin cậy nhất. Nỗi khổ ở bên ngoài có thể vượt qua được, nhưng khổ ngay chính trong nhà mình thì đó mới là đau khổ thực sự.
Diễn viên Quách Đức Cương đã từng ví hôn nhân tốt đẹp giống như một trò ảo thuật. Trên mặt bàn có trải khăn, nhà ảo thuật có thể rút ra rất nhiều thứ từ trên chiếc bàn đó như chim, lọ hoa hay một con thỏ… Người ngoài thì hò reo tán thưởng nhưng thực chất chiếc bàn có rất nhiều lỗ và mọi thứ đều được giấu trong những chiếc lỗ đó.
“Hôn nhân là phải đắp tấm khăn trải bàn này. Nếu không mỗi lần mở tấm vải ra, nhìn vào lỗ này, lỗ kia thì bạn chỉ thấy đó là sự lừa phỉnh, dối trá, không thể sống tiếp nổi”, Quách nói.
Lâm Đại Ngọc nhạy cảm, nhỏ nhen và hay khóc nhưng Giả Bảo Ngọc vẫn yêu cô say đắm. Người đàn ông này từng nói: “Nếu chúng ta so đo cô ấy có tính này tốt, tính kia chưa tốt thì mới yêu thì đó không gọi là tình yêu. Thực ra, tình yêu là sự bao dung cho những khuyết điểm của nhau”.
Bởi vậy mới nói, chúng ta đến với tình yêu không phải bằng cách tìm một người hoàn hảo mà học cách nhìn sự hoàn hảo bên trong một người không hoàn hảo.
NGUỒN: Theo Báo VnExpress
Link bài: Thế nào là…
https://vnexpress.net/the-nao-