Cốc Vũ/ Báo Phụ nữ Tp HCM
—-
Năm nào cũng vậy, ở “khúc ruột” gánh hai đầu đất nước, vào những ngày này, các bà, các mẹ, các em đang cùng gia đình kiệt sức “chạy” lũ mỗi ngày.
Huế sáng 18/10, trời tạnh ráo lạ thường. Bạn tôi, nhà gần Bệnh viện Quân y 268 (phường Thuận Lộc, TP. Huế) – nơi diễn ra tang lễ 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3 – lội nước ra ngoài sau hơn một tuần gia đình bạn bị “giam lỏng” trong lũ – để viếng các anh, các chú. Chắc hôm nay đưa tiễn những người đặc biệt nên trời thương, ráo bớt nước. Bạn kêu buồn quá, chưa thấy đám tang mô mà có nhiều cỗ quan tài đặt cạnh nhau như vậy. Chỉ mong lũ dữ qua, để dân miền Trung sống những ngày bình thường trở lại.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, mẹ trung tá Trần Minh Hải, người nhỏ choắt, sức khỏe yếu, chống gậy đến tang lễ. Kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, bà không thể lý giải nổi, chiến tranh qua rồi, sao thời bình mà con mẹ vẫn phải ra đi. Bà Lê Thị Tâm, mẹ đại úy Tôn Thất Bảo Phúc, khóc ngất sau khi vào nhìn di ảnh đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra đã không còn trở về sau cơn bão. Bà Đinh Thị Hồng, mẹ đại tá Bùi Phi Công cho tới cuối cùng vẫn không tin vào sự thật nghiệt ngã đó. Liệt sĩ Hải, Phúc và Công là ba trong số 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh lần này.
Và buổi tối trước đó một ngày, mạng xã hội phủ đặc lời kêu cứu từ trong rốn lũ ở Quảng Bình. Sáng hôm sau, như thường lệ thời sự cả tuần nay, hàng loạt tin tức mới từ các địa phương đổ về. Trên các mặt báo, thông tin bão lụt, thiệt hại về người và của phủ kín, được cập nhật từng giờ từng phút.
Tôi không biết những dòng thác thông tin này đến chừng nào mới ngừng lại… Có lẽ, sẽ không có câu trả lời chắc chắn. Ngoài kia, hai cơn bão đang hình thành trên Thái Bình Dương (ngoài khơi Philippines), trong đó có một cơn dự báo hướng vào miền Trung trong những ngày tới. Anh bạn người Huế của tôi nói, có những cơn bão khác đang lớn dần trong tưởng tượng.
Rùa là tên gọi ở nhà của chiến sĩ Tuấn Anh – một trong 22 cán bộ, chiến sĩ bị lũ vùi lấp ở Hướng Hóa. Ở góc đường, mẹ Rùa, bà Trương Thị Khuyên, liên tục chắp tay bám víu vào sự may mắn. Hai ngày trước, Rùa gọi điện về khoe ba tháng nữa sẽ xuất ngũ; trong doanh trại, anh còn tự tay làm một món quà lưu niệm để tặng mẹ. “Con khoe là có quà cho mẹ, con đâu rồi…”, bà Khuyên khi thì ngất xỉu khi thì tỉnh dậy gào thét tên con.
Ở miền Trung, mùa mưa bão thường kéo dài từ tháng 9 – 11 hằng năm. Không hoa tươi. Không áo dài, phấn son “bung lụa”. Không có những nụ cười chúc tụng đến thậm xưng. Năm nào cũng vậy; nhất là năm nay, ở “khúc ruột” gánh hai đầu đất nước, vào những ngày này, các bà, các mẹ, các em đang cùng gia đình kiệt sức “chạy” lũ mỗi ngày.
Những người sống sót – những người may mắn “chạy” lũ thành công – giờ đây, ngồi trên những bức tường, góc đường hoặc một cành cây vớ được đâu đó, chờ đợi những người thân còn mắc kẹt bên trong được cứu. Những người sống sót – những người được các đoàn cứu hộ cứu ra từ những căn nhà chìm trong nước – nhìn làng mạc, xóm giềng, nhà cửa tơi bời, đổ nát. Những gương mặt đàn ông, đàn bà; những gương mặt người trẻ, người già… ở dải đất này, ai cũng na ná nhau.
Đứng trước biển nước mênh mông, vô vọng, hay nhìn những đội hỗ trợ khẩn cấp, bộ đội, công an; đờ đẫn giữa những vật dụng gia đình trôi lềnh bềnh trong ngôi nhà của họ – ai cũng chờ đợi một điều gì đó. Chờ đợi tin tức từ người thân mất tích. Chờ đợi được cứu khỏi chết đuối, chết rét, chết đói. Chờ đợi thi thể kia không phải là người thân của mình. Chờ ngày nước rút. Dù là sự chờ đợi nào đi nữa, cảm giác thảm họa và trái tim họ theo một cách không bao giờ có thể quay ngược trở lại.
Trong những thời khắc bạo động của mẹ thiên nhiên, cần nhớ rằng, chúng ta đang sống trong cùng một thế giới. Thế nhưng, khi nhìn những dòng nước xiết, những thân người chới với hoặc bị bỏ quên trong lũ, những mái nhà bị cuốn đi, những mái đầu chìm dần trong nước, nhất là khi, nhìn những bước chân không còn đứng vững, ánh mắt đỏ hoe, đau đớn vì mất mát người thân của những người ở lại, có một điều khác cũng hiện lên trong tâm trí. Đó là khi bão ập đến, không chỉ đang sống trong cùng một thế giới, mà chúng ta bắt đầu cảm thấy như thể tất thảy chúng ta, đang sống cùng một cuộc đời.
NGUỒN: Theo báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Thương gửi…
https://www.phunuonline.com.