TS Tô Văn Trường/ Báo Người Lao Động
Thiên tai nối tiếp thiên tai ở miền Trung gây ra những thiệt hại rất lớn về người và của. Lũ chồng lũ, bão chồng bão, khiến cho người dân miền Trung kiệt sức. Chưa hết, cơn bão số 10 đang lăm le ngoài biển Đông.
Thiên tai thì đúng rồi, biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng gây nên thời tiết cực đoan cũng đúng luôn, nhưng đúng mà chưa đủ.
Trong những mất mát ghê gớm đó, có một phần do bàn tay con người gây ra, chúng ta thường nói đó là “nhân tai”.
Nếu như không đối diện với điều này, tự kiểm điểm, sửa sai, thì mẹ thiên nhiên sẽ còn nổi giận, chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn nữa.
Hãy tự kiểm điểm để có con số chính xác hiện nay chúng ta còn bao nhiêu ha rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên. Nếu phá hết rừng đại ngàn, biển núi non xanh màu xanh cây lá thành những ngọn núi trọc, rồi trồng cây keo, cây bạch đàn làm rừng kinh tế, rồi gọi đó là phủ xanh đất trống đồi trọc thì đó chỉ là tự lừa dối con mắt của chính mình mà thôi.
Trong hàng vạn ha rừng bị phá hoại, tỉ lệ do làm thủy điện nhỏ chiếm bao nhiêu, do người dân đốt rừng làm nương rẫy bao nhiêu, do lâm tặc phá bao nhiêu? Và cho dù vì nguyên nhân gì, thì cũng do hạn chế trong quản lý mà ra.
Đừng đổ cho phát triển, đừng lấy lý do do nhu cầu về điện năng. Rất nhiều nước trên thế giới vẫn đảm bảo phát triển nhưng không phá rừng như chúng ta.
Chúng ta phải sửa sai, phải tạ tội với thiên nhiên, dù muộn nhưng vẫn còn hơn cứ tiếp tục phạm sai lầm.
Trần Quí Thanh
—–
Chưa lúc nào dân ta lại thấy thấm thía như bây giờ câu nói đúc kết kinh nghiệm ngàn đời của ông cha ta khi xếp thứ tự 4 loại tai họa: thủy, hỏa, đạo, tặc.
Do đặc điểm địa hình, thủy văn, thời tiết và cả thói quen sinh sống nên bên cạnh việc khai thác, tận dụng những lợi ích do nguồn nước mang lại thì người Việt cũng phải thường xuyên đối chọi với những khó khăn, tai họa gây ra bởi chính nguồn nước đó.
Hằng năm, cứ đến mùa mưa lũ, người dân, nhất là ở khu vực miền Trung, ngoài nỗi lo về thiên tai còn canh cánh trong lòng nỗi lo sợ về “nhân tai” do các hồ thủy điện xả lũ.
Lời nguyền tài nguyên có câu “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” ngẫm suy thật chuẩn xác vì đó là cái giá phải trả do đối xử tệ hại với môi trường sinh thái tự nhiên.
Ngoài nguyên nhân do lâm tặc hoành hành, sự tiếp tay của những phần tử thoái hóa trong chính quyền thì việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ tràn lan, tàn phá rừng đầu nguồn, kể cả vườn quốc gia, cũng là tác nhân gây nên các hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở núi đồi…, phá hủy các cơ sở hạ tầng, làm nhiều người rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, đặc biệt là cướp đi biết bao sinh mạng của người dân vô tội.
Năm nay, miền Trung đang phải hứng chịu, vật lộn, chống chọi với bão lũ, đặc biệt lại do lở đất, làm chết và mất tích hơn 50 người ở Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị, gây nên sự mất mát thật đau lòng.
Địa chất khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam là vùng địa hình dốc, đất yếu. Khi mưa lớn thì nguy cơ trượt đất, sạt lở rất cao. Bình thường đã như thế rồi, khi có tác động san đất, xẻ núi, làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng… lại càng tác động đến kết cấu địa hình thì nguy cơ càng lớn hơn. Đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lớn bất thường, nguy cơ càng cao hơn gấp bội. Vì vậy, khi xây dựng các cơ sở hạ tầng, kể cả doanh trại quân đội, phải hết sức quan tâm, từ khâu khảo sát, thiết kế đến kiểm tra an toàn khi đối phó với rủi ro trượt, sạt lở đất.
Để hỗ trợ cho việc điều tiết lũ hiệu quả, kể cả các nhà máy thủy điện, có nhiều yếu tố liên quan đến nhân tai: Quản lý vận hành hồ cần phải tuân thủ chặt chẽ theo quy định, đây là điều rất khó kiểm soát trong những tình huống khó khăn khi đứng trước bài toán tích nước phát điện và xả đón lũ.
Link bài: Lời nguyền…
https://nld.com.vn/thoi-su/