Thế Định/ Báo Vietnamnet
Vượt qua nhiều thách thức trong mùa Covid-19
Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường nước giải khát Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 8,4% trong giai đoạn 2015-2019. Năm 2019, qui mô thị trường đạt giá trị 5,3 tỉ USD và với theo dự kiến, giá trị thị trường 2020 sẽ ước đạt 5,8 tỉ USD. Tuy nhiên, dự đoán tốc độ tăng trưởng ngành trong ba năm kế tiếp chỉ là 6,3%.
Mặc dù là một thị trường đồ uống có qui mô không nhỏ nhưng phần nhiều thị trường nước giải khát Việt đang thuộc về các tập đoàn đa quốc gia. Trong top 5 công ty đồ uống kinh doanh tại Việt Nam, Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp nội địa duy nhất.
Đánh giá về tình hình ngành nước giải khát sau đại dịch Covid-19, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát cho rằng, khi tiền lương của người lao động bị ảnh hưởng, thì chi tiêu cũng sẽ bị cắt giảm, trong đó có chi tiêu dành cho nước giải khát.
Để ứng phó với tác động này, bà Phương cho rằng từ trước tới giờ Tân Hiệp Phát luôn phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng. Ngoài ra, một trong những sản phẩm chiến lược của công ty là nước giải khát đựng trong chai thủy tinh.
“Chai thủy tinh là sản phẩm giá thấp mà người tiêu dùng có thể sử dụng. Đây chính là giải pháp của chúng tôi cho năm kế tiếp tiếp”, bà Phương chia sẻ.
Trong khi đó, bà cũng đưa ra phân tích liệu thương mại điện tử có phải là giải pháp cho ngành nước giải khát. Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Công thương, giá trị ngành thương mại điện tử Việt Nam 2020 ước đạt 11-12 tỉ USD.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, một thống kê từ Grab cho thấy các sản phẩm tiêu dùng nhanh giao vận trên nền tảng Grab được lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Trong số các sản phẩm tiêu dùng nhanh lọt top 5, có tới hai mặt hàng thuộc ngành giải khát.
Dẫu vậy, nữ lãnh đạo Tân Hiệp Phát lại cho rằng thương mại điện tử chưa chắc đã là giải pháp tốt nhất đối với thị trường mà công ty đang tham gia.
“Đối với việc vận chuyển và chi phí vận chuyển, thương mại điện tử chưa phải là giải pháp tối ưu trong ngành hàng nước giải khát. Chúng tôi vẫn trăn trở để tạo ra các sản phẩm thiết yếu, bảo vệ sức khỏe. Đó mới là nhu cầu mà người tiêu dùng đang cần bây giờ”, bà Phương chia sẻ.
Giữ vững những giá trị cốt lõi
Được biết đến là một tập đoàn gia đình, nhưng Tân Hiệp Phát luôn đánh giá các cá nhân thông qua giá trị cốt lõi, chứ không phải đánh giá qua tình thân.
“Chúng tôi đánh giá nhau không phải vì chúng tôi họ Trần, mà dựa trên bộ giá trị cốt lõi”, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiêp Phát chia sẻ tại Diễn đàn Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới.
Theo bà Trần Uyên Phương, bộ giá trị cốt lõi của Tân Hiệp Phát bao gồm 7 điểm: Thỏa mãn khách hàng, chất lượng quốc tế, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, không gì là không thể, làm chủ trong công việc, hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai và chính trực.
“Với bộ giá trị cốt lõi, Tân Hiệp Phát có thể tồn tại độc lập với gia đình của bất cứ người sáng lập nào”, bà Uyên Phương khẳng định. Từ đó, bà hi vọng tổ chức Tân Hiệp Phát có thể tồn tại hàng trăm năm. Nữ lãnh đạo đồng thời khẳng định văn hóa chính là lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp khi tạo ra sự khác biệt trên thương trường.
Link bài: 7 giá trị…
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-