Những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trên bản đồ đổi mới sáng tạo toàn cầu

Hải Linh/ Báo Lao Động

Khai trương mạng 5G ở Việt Nam. Nguồn: TGTT

—–

Một quốc gia phát triển phải dựa trên sáng tạo, không có sáng tạo không có phát triển.

Tui rất thích khái niệm “Creative Destruction” (Sự hủy diệt mang tính sáng tạo) của nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter vào năm 1942. Tui nói ngắn gọn là “phá hủy sáng tạo”. Theo tui hiểu, không có sáng tạo nào là đỉnh cao, sáng tạo sau sẽ thay thế cho sáng tạo đi trước để thế giới luôn thụ hưởng được giá trị mới.

Việt Nam còn nghèo, còn lạc hậu, chưa nằm trong nhóm các quốc gia phát triển, một trong những nguyên nhân quan trọng là vì chúng ta chưa có nhiều sản phẩm sáng tạo có giá trị, đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhưng trong mấy năm qua, Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi.

Từ năm 2014 đến năm 2020, Việt Nam đã tiến 29 bậc, từ vị trí 71 lên vị trí 42/131 quốc gia/nền kinh tế trong Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo toàn cầu (GII) do WIPO công bố. Đây là một thông tin rất đáng mừng, nếu duy trì được sự cải thiện này, chúng ta có quyền hy vọng lọt vào “TOP 10” trong vòng 10 năm tới. Tất nhiên, ở đoạn cuối, vượt lên được vài nấc thang là điều hết sức khó khăn, vì đối thủ của chặng này toàn là cao thủ.

Nhưng chúng ta có quyền hy vọng, vì người Việt Nam thông minh, tiếp cận rất nhanh với công nghệ. Và điều rất quan trọng là Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để xây dựng một hệ sinh thái về quốc gia khởi nghiệp sáng tạo, sẽ có nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ cống hiến.

Trần Quí Thanh

—–

Trong vòng 7 năm (2014-2020), Việt Nam đã tiến 29 bậc, từ vị trí 71 lên vị trí 42/131 quốc gia/nền kinh tế trong Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo toàn cầu (GII) do WIPO công bố. Đặc biệt khi dịch COVID-19 xuất hiện đã cho thấy sự chuyển đổi linh hoạt, dẻo dai của người Việt nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng.

Bền bỉ vươn lên

Nhìn lại những sóng gió mà nền kinh tế Việt Nam phải trải qua trong năm 2020, PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những thử thách đó chính là cơ hội để Việt Nam chuyển mình: Cơ hội thay đổi tư duy, bứt phá trong đổi mới sáng tạo.

“Mới đây, Chính phủ đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia ở Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc. Tôi cho rằng đó là một sự quyết tâm đột phá để chúng ta dùng đổi mới sáng tạo, dùng khoa học công nghệ bước vào 1 giai đoạn mới: Giai đoạn nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực chống chịu cho nền kinh tế”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói và đặc biệt nhấn mạnh cơ hội thay đổi cấu trúc nền kinh tế, tạo ra những trụ cột kinh tế mới, những “đại bàng” của Việt Nam dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, đây là cơ hội tốt để Việt Nam thu hẹp khoảng cách và bắt kịp với các nước trong khu vực: “Trong 1 số nghiên cứu, họ cũng cho biết Việt Nam hoàn toàn có thể nằm trong nhóm đi đầu về khoa học công nghệ. Tất nhiên chỉ là trong nhóm thôi chứ chưa phải dẫn đầu nhưng như vậy cũng là quý rồi”.

Trong vòng 7 năm (2014-2020), Việt Nam đã tiến 29 bậc, từ vị trí 71 lên vị trí 42/131 quốc gia/nền kinh tế trong Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo toàn cầu (GII) do WIPO công bố. Đặc biệt, các chỉ số thành phần trong xếp hạng GII của Việt Nam có nhiều kết quả tích cực.

Theo đánh giá của WIPO, năm 2020 hệ thống Đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam có kết quả nổi bật về Trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 39, tăng 30 bậc từ vị trí 69 năm 2019.

Chỉ số Quy mô phát triển của cụm công nghiệp (tăng 32 bậc, từ vị trí 74 lên 42). Năng lực Hấp thụ tri thức tăng 13 bậc so với năm 2019, xếp hạng 10 – là thế mạnh của Việt Nam nhờ sự dẫn đầu về Nhập khẩu công nghệ cao (hạng 4) và Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (hạng 19).

Cơ sở hạ tầng tiếp tục có sự cải thiện tích cực, tăng 09 bậc so với năm 2019. Trong đó, đáng kể nhất là nhóm chỉ số về Hạ tầng ICT – tăng 6 bậc so với 2019 với tiến bộ rõ rệt về Tiếp cận ICT (tăng 4 bậc từ vị trí 90 lên 86) và Sử dụng ICT (tăng 27 bậc, từ vị trí 92 lên 65).

Nhóm chỉ số Sáng tạo tri thức và Lan truyền tri thức có cải thiện tích cực so với 2019, trong đó, nhóm chỉ số Lan truyền tri thức xếp hạng 14 được coi là thế mạnh của Việt Nam, nhờ sự dẫn đầu về Xuất khẩu công nghệ cao (hạng 2). Đặc biệt, chỉ số Số công bố bài báo khoa học và kỹ thuật đã tăng 13 bậc so với 2019, từ vị trí 74 lên 61. Đặc biệt, với 33 thương hiệu nằm trong tốp 5.000, dẫn đầu là Công ty viễn thông Viettel Telecom, Việt Nam xếp hạng thứ 19 ở chỉ số mới được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trong GII 2020 – chỉ số Giá trị thương hiệu toàn cầu.

Tìm cơ hội trong thách thức

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành – Nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), COVID-19 đã cho thấy sự chuyển đổi linh hoạt, dẻo dai của người Việt nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng.

Tiến sĩ Võ Trí Thành dẫn chứng kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê hồi tháng 9.2020 để nói rằng, thời điểm đó, tỉ lệ doanh nghiệp được tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ còn thấp nhưng đã có trên 30% doanh nghiệp có đầu tư công nghệ, đặc biệt là công nghệ số để thay đổi cách thức quản trị, phương thức bán hàng nhằm tiếp cận với thị trường, khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cũng nhanh nhạy chuyển đổi sản phẩm để đáp ứng nhu cầu phát sinh của thị trường trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo khảo sát của HSBC Navigator công bố đầu tháng 12.2020, có tới 68% doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện các thay đổi nhằm đối phó với dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đầu tư vào các kênh bán hàng, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, trải nghiệm khách hàng và quản lý dòng tiền/vốn; hay đầu tư vào công nghệ để cải thiện tốc độ tiếp cận thị trường, tiếp cận khách hàng mới và tăng cường tự động hóa/hiệu quả hoạt động.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, tinh thần chủ động chuyển đổi số và sự dẻo dai của doanh nghiệp Việt cũng là nhân tố quan trọng góp vào thành công của kinh tế Việt Nam trong năm 2020, bên cạnh thành quả chống dịch và nền tảng kinh tế vĩ mô tốt được tích lũy trong nhiều năm, trước khi COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.

Tại báo cáo nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021, CIEM nhận định: “Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cơ cấu thị trường toàn cầu và khu vực, đặc biệt thúc đẩy doanh nghiệp tiến hành triệt để hơn quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số. Chính phủ cũng đã có những chuyển động tích cực để chuyển sang Chính phủ số, qua đó bảo đảm tương thích với nỗ lực của doanh nghiệp. Với việc ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg (tháng 6.2020) phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Việt Nam đã đạt được những dấu mốc quan trọng trọng quá trình thúc đẩy kinh tế số phát triển”.

CIEM cho biết: Đến năm 2020, Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số với quy mô kinh tế số ước đạt 14 tỉ USD trong năm qua.

 

NGUỒN:  Theo Báo Lao Động

Link bài: Những bước tiến...

https://laodong.vn/kinh-te/nhung-buoc-tien-vuot-bac-cua-viet-nam-tren-ban-do-doi-moi-sang-tao-toan-cau-872320.ldo

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *