TS Nguyễn Minh Hoà/ Báo Tuổi Trẻ
—–
Từ lâu, Việt Nam không còn là một địa chỉ thu hút các nhà đầu tư bằng “giá lao động rẻ”, mà chuyển sang lao động giá phù hợp. Nhưng đã đến lúc, chúng ta có thể giới thiệu với thế giới về lao động giá cao.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập. Vị trí này chưa phải thuộc nhóm cao, nhưng chúng ta có những lợi thế để tiếp tục đạt mức xếp hạng cao hơn.
Lợi thế thứ nhất chính là sự tập trung đầu tư nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức, cho chuyển đổi số. Lợi thế thứ hai là xây dựng những trung tâm đi đầu, làm hạt nhân cho việc chuyển đối đó và thành phố Thủ Đức là một điển hình. Lợi thế thứ ba là sự quyết tâm của lãnh đạo đất nước về xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho khởi nghiệp và sáng tạo quốc gia.
Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng sáng 26.1, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số”. Đã có những địa phương “chủ động”, như TPHCM thành lập thành phố Thủ Đức để xây dựng một trung tâm sản xuất ra các sản phẩm công nghệ, một thành phố trí tuệ nhân tạo trong tương lai.
Kinh tế tri thức của thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ 4.0 chính là tạo ra sản phẩm công nghệ có hàm lượng chất xám cao. Muốn đạt được ước mơ tạo ra sản phẩm công nghệ thì phải có thể chế làm nền tảng, nói như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng:
“Chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận cái mới: Công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Trần Quí Thanh
—–
Đã qua rồi thời kỳ mà TP.HCM sẵn sàng mời chào các nhà đầu tư đến cho đông vui, bây giờ là lúc TP.HCM phải đưa ra những lựa chọn khác để hướng tới xây dựng một thành phố có chất lượng sống tốt. Con đường ấy chỉ có thể là nền kinh tế tri thức.
Kinh tế tri thức là nền kinh tế vận hành trên nền tảng của trí tuệ, hàm lượng chất xám chiếm tỉ trọng cao trong mỗi sản phẩm đầu ra; hiệu quả của các hoạt động quản lý, dịch vụ vượt trội do “trí tuệ thông minh” xâm nhập sâu rộng vào công nghệ, kỹ thuật và quy trình thao tác.
Thành quả rực rỡ của công nghệ thông tin, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo đã thúc đẩy kinh tế tri thức tăng tốc ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Với những ưu thế của mình, TP.HCM xác định chuyển nhanh sang nền kinh tế tri thức là một lựa chọn đúng đắn.
TP.HCM đã có sẵn nền tảng cho việc hình thành một nền kinh tế tri thức. Đó là một đội ngũ hàng nghìn các nhà khoa học, chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật đang làm việc ở hơn 100 trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu.
TP.HCM cũng đã hình thành nên các địa chỉ được vận hành và phát triển theo hướng hiện đại hóa như Công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm ươm tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo, Công viên khoa học và công nghệ tại Khu công nghệ cao, Viện Khoa học và công nghệ tính toán… và gần đây nhất là sự ra đời của TP Thủ Đức đóng vai trò như một trung tâm sáng tạo và khởi nghiệp.
Nền kinh tế tri thức không phải chỉ dành và ứng dụng cho các trường đại học, viện nghiên cứu, khu công nghệ cao mà nó dành cho toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của một thành phố từ hành chính công đến sản xuất, y tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, giao thông… Ứng dụng của nó len lỏi vào từng tế bào đô thị, từng khu phố và từng sản phẩm.
Rồi sẽ có một ngày, hệ thống điều khiển giao thông toàn thành phố vẫn diễn ra nhịp nhàng nhưng không thấy bóng cảnh sát nào trên đường, việc thu gom rác thải sẽ không còn thủ công và người cao tuổi có thể được theo dõi sức khỏe tại gia mà không phải khó nhọc đến bệnh viện.
TP.HCM đã đạt được những thành tích bước đầu trong việc xây dựng thành phố thông minh và chính phủ điện tử, trong đó có một số lĩnh vực được coi là tiên phong như hành chính công, khám và điều trị kỹ thuật cao, hình thành hạ tầng khung cho công cuộc chuyển đổi số như Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng dự báo phát triển kinh tế – xã hội và Trung tâm an ninh, an toàn thông tin thành phố…
Tất nhiên như thế vẫn chưa đủ, bởi đó mới chỉ là nền tảng, vốn liếng ban đầu cho cả một hành trình dài đi đến nền kinh tế tri thức của một đại đô thị với hơn 13 triệu dân. Thành phố còn phải làm nhiều hơn nữa, như Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề cập đến 7 giải pháp trên diễn đàn Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó các giải pháp đổi mới thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư tập trung cho hạ tầng công nghệ thông tin, hội nhập quốc tế sâu rộng, tiếp thu vận dụng các thành tựu khoa học tiên tiến nhất của thế giới được nhấn mạnh như những ưu tiên hàng đầu.
Đã qua rồi thời kỳ mà TP.HCM sẵn sàng mời chào các nhà đầu tư đến cho đông vui, bây giờ là lúc TP.HCM phải đưa ra những lựa chọn khác để hướng tới xây dựng một thành phố có chất lượng sống tốt. Con đường ấy chỉ có thể là nền kinh tế tri thức.
Đó là một hướng đi tất yếu mà thành phố phải trải qua, cho dù khó khăn đến mấy, bởi chỉ có bằng cách đó TP.HCM mới tiến ngang bằng với các thành phố khác trong khu vực và trên thế giới.
NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Kinh tế…
https://tuoitre.vn/kinh-te-