Sea Group trở thành đế chế 137 tỷ USD như thế nào?

Thu Hằng/ Báo DNSG

Forrest Li – Nhà sáng lập Sea Group. Ảnh: Tech in Asia.

Khởi đầu là một công ty trò chơi điện tử nhỏ tại Đông Nam Á, Sea Group vươn lên thành tập đoàn thương mại điện tử và thanh toán online khổng lồ với giá trị vốn hóa 137 tỷ USD. 

Theo South China Morning Post, cụm từ “kỳ lân” (chỉ những startup có định giá trên 1 tỷ USD) chưa được sử dụng rộng rãi hồi năm 2009. Khi đó, Forrest Li – mới tốt nghiệp Đại học Stanford – khởi nghiệp với một công ty trò chơi điện tử nhỏ, chỉ có hơn 10 nhân viên. Tất cả chen chúc ngồi trong một căn nhà phố thương mại bé xíu ở trung tâm Singapore.

Garena – công ty của Forrest Li – nhanh chóng thu hút được nhiều khoản đầu tư đáng kể và lập tức mở rộng hoạt động. Từ căn nhà nhỏ bé ở đường Maxwell, Garena chuyển trụ sở tới một căn penthouse hai tầng rộng rãi. Một thập kỷ sau, Garena giờ chỉ là một nhánh kinh doanh của Tập đoàn Sea Group khổng lồ.

Với định giá lên đến 137 tỷ USD, Sea Group có giá trị lớn hơn cả DBS, ngân hàng lớn nhất Singapore. Tập đoàn này tuyển dụng 3.000 nhân viên và kinh doanh tại hàng loạt thị trường lớn, từ Trung Quốc, Nhật Bản cho đến Mỹ Latin. Sea Group giờ không chỉ là một “kỳ lân”, mà còn là một trong những tập đoàn công nghệ đình đám nhất Đông Nam Á.

Điều đó được thể hiện qua diện tích văn phòng của công ty này. Năm 2019, Forrest Li đưa nhân viên Shopee vào một khu tổ hợp rộng 22.600 m2. Shopee hiện là nền tảng thương mại điện tử lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Trong 10 tháng qua, giá cổ phiếu Sea Group tăng tới 500%. Những ngày gần đây, cổ phiếu Sea Group được giao dịch với giá lên đến gần 265 USD. Hồi năm 2017, Sea Group phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) với mức giá chỉ vỏn vẹn 15 USD.

Tuần trước, Sea Group hoàn tất thỏa thuận mua ngân hàng Bank Kesejahteraan Ekonomi (BKE) của Indonesia. BKE sẽ được chuyển đổi thành một ngân hàng kỹ thuật số. Năm ngoái, Sea Group đã được chính phủ Singapore cấp phép thành lập ngân hàng kỹ thuật số đầy đủ.

Sea Group tăng trưởng chóng mặt bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế khu vực Đông Nam Á và toàn cầu. Theo South China Morning Post, đã có một số chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về tốc độ tăng trưởng quá nóng này. Dù vậy, nhiều người cho rằng Sea Group tăng trưởng một cách tự nhiên.

Khởi đầu từ game

Garena là nền tảng giúp Sea Group phát triển vũ bão. Forrest Li khẳng định thành công của Garena xuất phát từ việc công ty này sớm nhận ra những nhu cầu chưa hề được đáp ứng của cộng đồng người hâm mộ trò chơi điện tử ở Đông Nam Á vào đầu thập niên 2010.

Ví dụ, các game lớn, nổi tiếng tại những thị trường như Mỹ và Trung Quốc không có mặt tại Đông Nam Á. Đồng thời, nhiều game thủ Đông Nam Á không hiểu được những trò chơi tiếng Anh. Forrest Li nói rằng Garena muốn kết nối các game thủ trên phạm vi toàn cầu.

Công ty này xác định các game tương tác đã trở thành mô hình giải trí quan trọng với giới trẻ và sớm vượt qua radio, tivi và thậm chí cả phim ảnh. Từ đó, công ty lùng sục khắp các thành phố, thị trấn và quán cà phê Internet trong khu vực để tìm hiểu nhu cầu của người chơi, loại trò chơi mà họ quan tâm nhất và cách đưa trò chơi từ khắp nơi trên thế giới đến những người này.

Garena không khởi đầu một cách dễ dàng. Forrest Li cho biết nhóm lãnh đạo công ty phải sử dụng tiền túi, thậm chí vay mượn của người nhà và bạn bè để đầu tư. Ban đầu, Garena nhập game về Đông Nam Á. Đến năm 2014, công ty này quyết định tự phát triển game khi nhận ra sự phổ biến vũ bão của smartphone.

Free Fire đạt kỷ lục 80 triệu người dùng hàng ngày vào năm 2020. Ảnh: Handout.

Forrest Li thành lập một studio trò chơi ở Thượng Hải (Trung Quốc), chuyển sự tập trung từ game chơi trên máy tính sang game phục vụ riêng cho người dùng điện thoại di động. Hai năm sau, Garena tung ra thị trường game đình đám Free Fire. Năm 2019, Free Fire trở thành game được tải nhiều nhất tại Đông Nam Á. Free Fire thành công lớn bởi nó có thể chạy được trên mọi dòng smartphone, kể cả loại cấu hình thấp.

Garena cho biết Free Fire có mặt tại 130 quốc gia, và lập kỷ lục 80 triệu người dùng hàng ngày hồi năm ngoái. Ngoài phát triển game, Garena còn trở thành nhà tổ chức các cuộc thi đấu thể thao điện tử hàng đầu khu vực. Giải đấu thể thao điện tử của Garena vào năm 2019 thu hút 130 triệu khán giả theo dõi.

Nhờ thành công trong lĩnh vực game, Sea Group thu hút đầu tư từ nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Năm 2017, Forrest Li đổi tên Garena thành Sea Group. Cái tên này thể hiện tham vọng mang tầm khu vực của ông. Dù vậy, Forrest Li vẫn giữ cái tên Garena cho mảng game và giải trí kỹ thuật số.

Xâm chiếm thị trường thương mại điện tử

Ngay khi nhận thấy tốc độ phổ biến điện thoại thông minh vũ bão ở Đông Nam Á, Li và những người đồng sáng lập đã nghĩ đến việc mở rộng kinh doanh ở lĩnh vực thương mại điện tử. Năm 2015, Shopee được thành lập. Hồi năm 2019, Giám đốc Thương mại Shopee Zhou Junjie cho biết trong khi các nền tảng e-commerce khu vực tập trung vào trang web, Shopee muốn cung cấp một nền tảng ứng dụng di động.

“Đó là một trong những lợi thế của kẻ đến sau. Bởi bạn có thể quan sát được toàn bộ thị trường, hiểu rõ xu thế và biết cần phải làm gì khác biệt hoặc tốt hơn”, ông nhấn mạnh. Một chiến lược quan trọng khác của Shopee là “đánh chiếm” thị trường nước ngoài bằng cách địa phương hóa và tùy chỉnh ứng dụng với các khu vực cụ thể.

Ví dụ, tại Indonesia, Shopee tung ra một chiến dịch riêng dành cho các sản phẩm và dịch vụ để phục vụ cho thị trường với đa số người tiêu dùng là người Hồi giáo. “Đông Nam Á bao gồm nhiều quốc gia rất đa dạng về văn hoá, từ ngôn ngữ, tiền tệ đến hành vi người dùng đều rất khác nhau”, ông Junjie nói.

Shopee đạt mốc hơn 200 triệu lượt tải tính đến năm 2019 và trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của các nền tảng thương mại điện tử khu vực như Tokopedia (Indonesia) và Lazada (hiện thuộc sở hữu của Alibaba). Dù vậy, đến nay Shopee vẫn kinh doanh lỗ. Theo báo cáo quý III/2020, Shopee đạt doanh thu 618 triệu USD (tăng 173%), nhưng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao vẫn âm 301,6 triệu USD. Năm 2019, Shopee lỗ 253,7 triệu USD.

Một quảng cáo của Shopee tại Jakarta, thủ đô của Indonesia. Ảnh: Twitter.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Shopee là “cuộc chơi dài hơi” của Sea Group. Phó giáo sư Jason Davis thuộc Đại học Insead cho biết hiện chưa có doanh nghiệp nào thống trị thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á. Điều đó có nghĩa các nhà đầu tư toàn cầu sẽ tiếp tục đổ tiền vào đây.

Phó giáo sư Wang Yanbo thuộc Đại học Quốc gia Singapore so sánh tình hình của Shopee hiện nay với Amazon (Mỹ). Tập đoàn của tỷ phú Jeff Bezos cũng từng chấp nhận kinh doanh lỗ trong nhiều năm để thu hút khách hàng và chiếm lĩnh thị trường.

“Lợi nhuận ngắn hạn không quan trọng bằng khả năng mở rộng thị trường và các kênh doanh thu. Sea Group đang tiếp tục xây dựng hạ tầng công nghệ để mở rộng hệ sinh thái, do đó mảng thương mại điện tử chưa cần có lãi”, ông Wang nhận định.

Bên cạnh lĩnh vực giải trí kỹ thuật số và thương mại điện tử, Sea Group cũng tập trung vào mảng kinh doanh thứ ba là thanh toán online với nền tảng SeaMoney. Đây là lĩnh vực mới với Sea Group, nhưng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh với giấy phép ngân hàng kỹ thuật số ở Singapore và thỏa thuận mua lại BKE.

 

NGUỒN:  Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Link bài: Sea Group…

https://doanhnhansaigon.vn/goc-nha-quan-tri/cong-ty-me-cua-shopee-tro-thanh-de-che-137-ty-usd-nhu-the-nao-1103440.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *