PGS-TS. Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM/ Báo DNSG
Khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đang mong mỏi điều gì? Phải khẳng định là họ không cần cơ chế hỗ trợ thuế khóa mà cần môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh minh bạch để doanh nghiệp vận hành thuận lợi chứ không phải chạy theo quá nhiều giấy phép con.
Cuối năm ngoái, trong một hội nghị thu hút đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có 15 DNTN, năm 2030 là 20 DNTN với vốn hóa trên 1 tỷ USD.
Nghị quyết 10 năm 2017 của Đảng đã nêu bật kinh tế tư nhân (KTTN) là động lực quan trọng phát triển kinh tế đất nước. Sự phát triển của khu vực KTTN trong 10 năm qua đã được ghi nhận trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII. Chưa bao giờ, Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và toàn hệ thống chính trị dành cho DNTN một vị trí quan trọng như vậy trong công cuộc phát triển đất nước. Và thực tế, khu vực KTTN và kinh tế hộ gia đình đạt tốc độ tăng trưởng rất khá, chiếm tỷ trọng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lao động, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh du lịch, khu đô thị, sản xuất ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ. Tại TP.HCM, khu vực KTTN chiếm 60% GRDP, trong khi cả nước thì khu vực KTTN đóng góp khoảng 40% GDP. Khu vực KTTN rất nhạy với kinh tế thị trường, nhạy với cơ hội làm ăn.
Điểm nghẽn
Tuy nhiên phải nhìn nhận thời gian qua đầu tư cho KTTN chủ yếu là đầu tư ngắn hạn nên thiếu đi những tập đoàn lớn. Câu hỏi đặt ra là tại sao sau 30 năm đổi mới, hơn 10 năm tập trung phát triển KTTN, đến nay vẫn không tìm ra được những doanh nghiệp thật lớn đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Phần lớn doanh nghiệp hiện nay là nhỏ và vừa, đầu tư ngắn hạn, số doanh nghiệp sinh ra và giải thể rất nhiều, hôm nay thành lập nhưng có thể vài tháng sau là đóng cửa, mang tính chất chụp giật thời cơ. Mặt khác, DNTN đầu tư chạy theo bề nổi thị trường, trong khi vấn đề gốc là công nghiệp nặng, công nghệ số hầu như không có.
Vấn đề này phải hỏi chính các doanh nghiệp. Có lẽ, một thời gian dài doanh nghiệp nhận thấy kinh tế vĩ mô bất ổn, môi trường đầu tư, kinh doanh có quá nhiều bất cập. Tình hình kinh tế của Việt Nam chỉ ổn định được trong vòng 7 năm trở lại đây, từ năm 2013, khi kiểm soát được bội chi ngân sách, kéo giảm được nợ công, nâng cao giá trị nội tệ, tạo được niềm tin vào giá trị đồng tiền.
Những yếu tố ổn định trên đã giúp nhà đầu tư nhìn ra cơ hội dài hạn, bắt đầu có niềm tin, nhất là khi trong khó khăn Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát, tỷ giá USD/VND ổn định. Khi doanh nghiệp thấy sự ổn định đó, cùng với các nghị quyết của Đảng khẳng định KTTN là động lực quan trọng của nền kinh tế thì DNTN mới nghĩ đến đầu tư dài hạn, đầu tư vào những ngành công nghiệp bền vững. Nếu nhìn qua thị trường chứng khoán là nơi huy động vốn dài hạn, thì bây giờ doanh nghiệp đã thấy lợi ích của nó. Kênh này đang phát huy hiệu quả huy động vốn cho doanh nghiệp, và nó cũng có sự trợ lực từ ổn định chính sách tiền tệ. Đây chính là cơ hội để có những “con sếu đầu đàn”. Các tập đoàn như Samsung, Intel đều đi vào công nghệ với vốn rất lớn và họ cũng phải đầu tư dài hạn vào những ngành công nghiệp mũi nhọn.
Cơ chế nào tiếp sức cho “sếu” cất cánh?
Trong 7 năm gần đây, tình trạng doanh nghiệp nhà nước lỗ nặng hầu như không còn, chỉ có hậu quả trước đây chưa giải quyết xong. Tiếp tục cổ phần hóa là cách giải quyết vấn đề tồn đọng đó. Hiện nay khó tìm ra những DNTN ngang bằng các tập đoàn lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí là các công ty cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Khối doanh nghiệp FDI hiện chỉ chiếm khoảng 28% nhưng đóng góp kim ngạch xuất khẩu 60-70%. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, đòi hỏi phải độc lập, tự chủ trong kinh tế chứ không thể mãi phụ thuộc. Muốn vậy, khi kinh tế nhà nước đang giảm dần, nhượng lại cho KTTN gánh, thì KTTN phải trở thành động lực phát triển nền kinh tế. Như vậy, các chính sách ưu đãi không tập trung cho nhà đầu tư nước ngoài nữa mà dành ưu đãi cho các tập đoàn KTTN.
Vấn đề đặt ra là khối KTTN đang mong mỏi điều gì? Phải khẳng định là họ không cần cơ chế hỗ trợ thuế khóa mà cần môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh minh bạch để giúp doanh nghiệp vận hành thuận lợi chứ không phải chạy theo quá nhiều giấy phép con. Tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp để doanh nghiệp phát triển thuận lợi, tạo ra hệ thống đường sá thông thoáng, hệ thống cảng thuận lợi, tất cả là đầu tư công. Trước mắt, Chính phủ cần tạo ra những khu đất sạch dành riêng cho các nhà đầu tư tư nhân, với hạ tầng cơ sở, chi phí ưu đãi cụ thể để khuyến khích DNTN vào. Bên cạnh đó, việc Chính phủ đầu tư hạ tầng với quyết tâm kết nối giao thông, nhất là khu vực Đông Nam bộ, cao tốc, đường sắt đô thị, cảng biển đã, đang là tín hiệu tích cực giúp doanh nghiệp giảm chi phí logistics. Thời gian qua, nếu kể ra những tập đoàn KTTN lớn thì chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, như VinGroup, Hòa Phát, FPT, Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai, Vietjet, Thaco… Chỉ có một vài cái tên như vậy cho nên cần có cơ chế khuyến khích đầu tư khu vực KTTN nhiều hơn nữa. Cần tạo ra cơ hội cho KTTN phát triển nhiều hơn, nhất là cơ hội về đất sạch, tức là khu vực đất cho nhà đầu tư tư nhân.
Về vốn, cần tạo ra thị trường tài chính lành mạnh hơn nữa để DNTN có thể phát hành cổ phiếu, trái phiếu huy động vốn và tạo ra sự minh bạch về mặt tài chính. Tất cả là quản lý nhà nước, còn lại kinh doanh tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường là việc của doanh nhân. Khi đó Việt Nam sẽ có những DNTN quy mô ngày càng lớn, có thể hàng tỷ đô.
Tài sản của tập đoàn tư nhân là tài sản quốc gia?
Khi đưa DNTN lên tầm chiến lược thì cũng đồng nghĩa xuất hiện quan điểm vậy tài sản, vốn liếng của họ có phải là của cải xã hội. Đây là quan điểm mới, nhưng thực ra, các tập đoàn DNTN mà Việt Nam hiện có đều đã có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán. Như vậy, một doanh nghiệp tỷ đô có hàng nghìn cổ đông, nguồn vốn đó đã được xã hội hóa chứ tài sản không phải riêng của ông chủ doanh nghiệp hay một nhóm người trong hội đồng quản trị.
Việt Nam hiện có 100 triệu dân, đứng top 20 các nước có dân số cao nhất thế giới. Đó là một điều kiện thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, một đất nước thích nghi nhanh với công nghệ cao vì thói quen sử dụng smartphone từ trẻ em đến người già, cùng với sự kết nối Internet lại càng có điều kiện phát triển kinh tế số, có điều kiện bắt nhanh với thế giới bằng công nghệ số.Trong năm qua, Việt Nam là điểm sáng trong phòng, chống đại dịch Covid-19, khắc phục thiên tai và giữ được nền kinh tế tăng trưởng dương. Những yếu tố ấy tạo nền tảng cho Việt Nam phát triển nhanh. Covid-19 đã giúp Việt Nam đẩy nhanh thương mại điện tử, giáo dục online, y tế thông minh… Bên cạnh đó, mạng 3G, 4G, 5G triển khai rất nhanh. Đất nước hình chữ S còn có cơ hội phát triển du lịch nội địa, do địa hình, khí hậu giữa các vùng khác nhau. Du lịch nội địa sẽ giúp Việt Nam vượt qua Covid-19.
Nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào cũng phải tính đến giữ được độc lập, tự chủ. Vị thế bây giờ của Việt Nam đã khác, chúng ta phải đưa ra tiêu chí mới khi lựa chọn nhà đầu tư, nhất là lựa chọn nhà đầu tư trong nước. Phải ưu tiên cho những doanh nghiệp FDI đầu tư công nghệ cao, kết nối được với doanh nghiệp trong nước, tức là tạo ra chuỗi cung ứng cùng có lợi cho khu vực nội địa. |
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: Việt Nam…
https://doanhnhansaigon.vn/