Phạm Hải Chung/ Báo Tuổi Trẻ
Cuối những năm 1990, một trong những dấu hiệu rõ nhất của “hội nhập” chính là sự xuất hiện các trung tâm ngoại ngữ ở các thành phố lớn và các tỉnh thành.
Một thế hệ 6X, 7X học những câu giao tiếp cơ bản đầu tiên, khả năng ngoại ngữ được chia theo chứng chỉ A, B, C trong hồ sơ khi đi xin việc.
Hơn hai mươi năm sau, chúng ta vẫn thấy nhà nhà chi một khoản tiền rất lớn để cho con học ở các trung tâm ngoại ngữ có người nước ngoài đứng dạy với lời quảng cáo “nói giọng Anh Anh, Anh Mỹ”, “đạt được chứng chỉ quốc tế”…
Thế giới vẫn luôn nhìn nhận điểm mạnh của Philippines hay Ấn Độ không phải là nói tiếng Anh theo chuẩn Anh Anh hay Anh Mỹ. Nhưng người Philippines đang đi dạy tiếng Anh cho nhiều nước trên thế giới và một phần lớn dân số Philippines lao động bên ngoài đất nước vì biết nói tiếng Anh và đóng góp rất nhiều cho GDP của nước này. Còn người Ấn Độ thì đang dạy toán cho người Mỹ, viết phần mềm cho cả thế giới và là tác giả của rất nhiều cuốn sách bằng tiếng Anh bán chạy nhất thế giới.
Theo báo cáo năm 2020 của EF (tổ chức chuyên đánh giá mức độ thành thạo tiếng Anh của các nước trên thế giới), mức độ thành thạo tiếng Anh của người Việt được xếp hạng ở vị trí 65 trong số 100 quốc gia được khảo sát, thuộc mức độ thông thạo trung bình kém. Nhiều khảo sát về thị trường lao động ở Việt Nam chỉ ra trình độ ngoại ngữ của sinh viên ra trường chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc, chủ yếu đọc hiểu tài liệu, còn kỹ năng giao tiếp và thuyết trình yếu.
Chúng ta đều nhận ra rằng để nâng cao năng lực ngoại ngữ cần có nhiều yếu tố, cần môi trường trong lớp học ngoại ngữ, không gian sinh sống và điều kiện tiếp nhận thông tin. Hệ thống giáo dục Việt Nam đề ra mục tiêu rõ ràng về tầm quan trọng và vai trò của ngoại ngữ. Mới đây, TP.HCM đề xuất đầu vào lớp 10 năm nay môn ngoại ngữ cũng được xem quan trọng như toán và văn, cả ba môn thi đều không nhân hệ số.
Chúng ta đang cố gắng. Điều đó đáng ghi nhận. Nhưng cách học văn, học toán và học ngoại ngữ sẽ khác nhau. Mục tiêu của học ngoại ngữ ở bất kỳ quốc gia nào là phải giao tiếp được, là công cụ để làm việc và không “câm, điếc”.
Những đứa trẻ ở trường công vẫn điền được hết các phiếu ngữ pháp, đọc hiểu bằng tiếng Anh, nhưng vẫn phải học thêm giao tiếp ở ngoài. Trong trường học nếu cả thầy và trò đều ngại phát âm và giao tiếp bằng tiếng Anh hay các kỳ thi tiếng Anh chỉ dừng lại trên giấy thì chúng ta sẽ lại tạo ra cả một thế hệ ngại giao tiếp tiếng Anh, dù điền đúng cả một cuốn ngữ pháp.
Hà Lan và các nước Bắc Âu đứng đầu trong chỉ số thành thạo tiếng Anh của tổ chức EF (2020). Bí quyết của họ chính là người dân lớn lên cùng các nội dung bằng tiếng Anh qua phim ảnh, sách vở và việc giao tiếp thường xuyên trong các môn học bằng tiếng Anh ở trường với thầy cô.
Thành thạo ngoại ngữ phải là đích đến cuối cùng. Nó phụ thuộc vào hình thức đánh giá môn học và phương pháp giảng dạy. Chúng ta cần một môi trường ở trường học mà thầy trò có thể giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Thêm nữa, mục tiêu của các kỳ thi ngoại ngữ không nên dừng lại ở kỳ thi trên giấy, nên có đầy đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân.
NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Công cụ….
https://tuoitre.vn/cong-cu-