Bức tượng giống “người thật” từng bị đòi xem hộ chiếu
Bức tượng cố Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ đặt tại chùa Quán Sứ khiến nhiều phật tử không khỏi ngạc nhiên khi có tạo hình chân thực, giống y chang người thật từ làn da, mái tóc đến từng sợi gân tay, sợi lông mày…
Một điểm độc đáo của pho tượng này là tóc thật của Hòa thượng Thích Thanh Tứ khi còn sống đã được sử dụng để gắn lên tượng sáp.
Thượng tọa Thích Thanh Tuấn, hiện là Phó Chánh Đương gia chùa Quán Sứ cho biết, pho tượng được hình thành xuất phát từ lòng yêu quý của ông và những đệ tử của cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ.
Chính Thượng tọa Thích Thanh Tuấn đã trực tiếp sang Thái Lan 8 lần để tham gia quá trình hoàn thiện bức tượng. Không những phải đi đi về về rất nhiều lần, bức tượng cũng phải mất đến 1 năm để hoàn thiện.
Để đưa được bức tượng từ Thái Lan về Việt Nam, do không thể vận chuyển bằng đường hàng không nên đoàn rước tượng phải di chuyển bằng ô tô qua Lào và chuyển về theo cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh).
Khi qua cửa khẩu ở Lào, nhân viên hải quan nhìn thấy một vị Hòa thượng ngồi tụng kinh trên xe, bắt đoàn dừng xe lại với lý do: “Tại sao có 5 người mà chỉ có 4 hộ chiếu”. Sau khi hỏi chuyện, nhân viên hải quan mới sửng sốt khi biết vị Hòa thượng ngồi trên xe chỉ là một bức tượng sáp.
Bức tượng Phật ngồi trên lưng vua “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam
Bức tượng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam “Phật ngồi trên lưng vua” đang được lưu giữ tại chùa Hòe Nhai (số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, TP Hà Nội).
Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc của bức tượng bắt nguồn từ thời vua Lê Hy Tông (1663-1716), vị vua thứ 10 của nhà Lê trung hưng.
Năm 1678, vua ra sắc lệnh đuổi hết tăng ni lên rừng, ai ngoan cố không rời khỏi kinh thành sẽ bị khép vào trọng tội và đem xử trảm khiến Phật giáo thời kỳ này rơi vào thảm cảnh.
Thiền sư Chân Dung Tông Diễn, Tổ thứ hai của thiền phái Tào Động Việt Nam, thấy vậy đã dâng lên vua một chiếc hộp nói là ngọc quý, nhưng thực chất bên trong là một tờ sớ ghi lại những điều lợi cho xã hội mà Phật giáo mang lại.
Tương truyền sau khi đọc xong, nhà vua chợt bừng tỉnh, lập tức cho mời nhà sư vào triều để cúi mình tạ lỗi, thu hồi lại sắc lệnh cấm Phật giáo.
Vua Lê Hy Tông hứa với thiền sư Tông Diễn rằng, ông sẽ sửa mình và cho người tạc bức tượng Phật ngồi lưng vua đặt trong chùa Hòe Nhai.
Đây là pho tượng độc nhất vô nhị trong các tác phẩm điêu khắc của Phật giáo.
Bức tượng độc đáo có thể đứng lên ngồi xuống
Pho tượng thờ Đức Linh Lang Đại vương ở miếu Bảo Hà (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) được tạc cao bằng người thực. Điều đặc biệt, bức tượng có thể chuyển động, đứng lên ngồi xuống.
Theo các vị cao nhân trong làng, pho tượng này là sự sáng tạo “độc nhất, vô nhị” kết tinh giữa nghệ thuật tạc tượng với múa rối truyền thống.
Bí mật về sự chuyển động của bức tượng Đức Linh Lang Đại vương nằm ở cánh cửa ngay điện thờ, khi mở dần cánh cửa thì bức tượng dần đứng lên nhưng khi khép lại thì bức tượng lại trở về tư thế ngồi ban đầu.
Được biết, bức tượng có tuổi đời khoảng 700 năm, được người dân nơi đây coi như báu vật.
Bức tượng Phật nằm khổng lồ, lớn nhất Việt Nam
Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong có niên đại hàng trăm năm, đã trải qua 12 đời trụ trì. Đây cũng là một trong những ngôi chùa Khmer có tượng Phật nằm được xem là lớn nhất Việt Nam.
Tượng Phật được xây dựng ngoài trời, với kích thước dài 63m, cao 22,5m, nặng 490 tấn.
Tượng được khởi công xây dựng từ tháng 10/2017, đến nay mới hoàn thiện phần sơn. Tượng Phật được thi công bằng bê tông, cốt sắt rất nặng và kiên cố.