Văn hóa doanh nghiệp: Bí quyết chọn biến số có lợi trong năm 2021

Trung Hiếu/ Báo An Ninh Thủ Đô

Theo ông Trần Quí Thanh – Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, văn hóa niềm tin là thứ cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp

Nhìn lại năm 2020, với một “danh hiệu” buồn: Năm khó quên trong lịch sử, với một đại dịch chưa từng có, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị… “Bóng đen” Covid-19 được dự báo sẽ tiếp tục mang đến nhiều biến số khó lường cho các doanh nghiệp trong năm 2021. Bí quyết nào để chọn biến số có lợi?

Sự khó lường của dịch Covid-19 và những biến số

Những ngày cuối năm 2020, xã hội nói chung và giới doanh nhân nói riêng cùng ngóng đợi những tin tức tốt lành liên quan tới việc phòng, chống Covid-19. Đó là thông tin về các loại vaccine phòng SARS-CoV-2 được các nước trên thế giới – trong đó có Việt Nam – phát triển và nhiều nước cho biết sẽ triển khai việc tiêm vaccine trên diện rộng.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn luôn rất khó lường, như cái cách nó xuất hiện và xâm nhập thế giới loài người. Bởi ngay sau những thông tin về vaccine, thì người ta lại ghi nhận các chủng biến thể mới của virus SARS-CoV-2, với khả năng lây lan cao hơn, đòi hỏi các phương thức xét nghiệm phải được nâng cấp.

Cùng với đó, những tin tức bất lợi khác dồn dập xuất hiện, như Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao kỷ lục, dù nước này đã áp dụng nhiều biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt. Trong khi đó, lượng nhiễm mới Covid-19 tại Mỹ và châu Âu cũng không ngừng tăng lên, do các nước buộc phải giảm mức độ giãn cách xã hội để thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ.

Một dẫn chứng đáng lo ngại khác là nước láng giềng Thái Lan mặc dù không ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng trong nhiều tháng. Nhưng chỉ từ giữa tháng 12, khi phát hiện một ca nhiễm tại chợ tôm ở tỉnh Samut Sakhon, nước này mới truy vết và nhận ra dịch bệnh đã lan đến 31 tỉnh, thành phố trên khắp nước.

Sự khó lường nói trên của Covid-19 dẫn tới rất nhiều biến số khó đoán trước trong năm 2021, đặc biệt là đối với lĩnh vực kinh doanh.

Trong năm 2020, tác động tiêu cực của virus SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng tới toàn bộ quy trình hoạt động trước, trong và sau của rất nhiều doanh nghiệp. Cụ thể, nguồn cung của nhiều công ty bị gián đoạn hoàn toàn. Vì thiếu nguồn cung, không ít doanh nghiệp xảy ra tình trạng người lao động “chơi dài”, phải nghỉ việc luân phiên. Điều này khiến tâm lý của họ bị xáo trộn, thậm chí hoang mang, nhất là khi thu nhập bị cắt giảm mạnh. Trong khi đó, kênh tiêu thụ trên thị trường cũng bị thay đổi gần như hoàn toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu của doanh nghiệp.

Thực tế trên được phản ánh rõ nhất qua chia sẻ của đại diện Tổng công ty May 10 tại diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh” và tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực cuộc vận động Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động được tổ chức vào đầu tháng 11-2020, khi cho biết, “cơn bão” Covid-19 ập đến, họ đối mặt với 2 cú sốc chưa từng có.

Đầu tiên là tình trạng đứt gãy nguồn cung, khiến quá trình sản xuất gặp khó khăn. Tiếp đến, nhu cầu của thị trường châu Âu và Mỹ đối với những sản phẩm thế mạnh của công ty như veston, sơ mi… bị sụt giảm mạnh.

“Họ nói rằng, hầu hết mọi người chuyển sang làm việc trực tuyến, thì những veston với sơ mi trở nên… không cần thiết”, vị đại diện Tổng công ty May 10 nhớ lại giai đoạn căng thẳng nhất.

Hoàn cảnh khó khăn, bất lợi tương tự cũng xảy đến với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, du lịch… Trong bối cảnh đó, những biến số dành cho doanh nghiệp trong năm 2021 được dự báo sẽ rất khó lường.

Lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát tri ân nhân viên thâm niên

Bí quyết chọn “biến số” có lợi: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp!

Mặc dù dịch Covid-19 khó lường, nhưng thị trường vẫn chứng kiến không ít doanh nghiệp đứng vững, biến “nguy” thành “cơ”, thậm chí coi đây là dịp để tạo đà phát triển mạnh hơn. Một trong những doanh nghiệp tạo được ấn tượng rõ nét là nhà sản xuất nước giải khát hàng đầu Việt Nam – Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Khi tình trạng sa thải, nợ lương lan rộng trong nhiều doanh nghiệp, thì người lao động tại Tân Hiệp Phát được đảm bảo duy trì công việc đều đặn, với mức thu nhập không những chẳng hề bị cắt giảm mà còn tăng thêm. Tình trạng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vẫn được đảm bảo, dù không ít kênh phân phối gặp khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

“Tất cả những gì chúng tôi đã, đang và sẽ làm được đều gói gọn trong bí quyết mang tên “Văn hóa doanh nghiệp”. Đó là điều mà chúng tôi rất tâm đắc, xây dựng và chia sẻ nhiều từ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Đến lúc đại dịch gây nên những biến cố chưa từng có, thì “Văn hóa doanh nghiệp” đã phát huy tối đa vai trò trong việc giúp doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, biến ”nguy” thành “cơ’”, chị Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ.

Ngay từ lúc đặt ra mục tiêu phát triển mở rộng, Tân Hiệp Phát đã định hướng xây dựng một bản sắc riêng cho doanh nghiệp mình để có sự khác biệt, độc đáo, từ đó tạo ra một nguồn sinh lực bên trong của đời sống doanh nghiệp, là giá trị của doanh nghiệp, từ đó tương tác với cộng đồng.

Trong văn hóa doanh nghiệp kể trên, nhà sản xuất trà Dr.Thanh cô đọng bộ giá trị cốt lõi rất cụ thể: Thỏa mãn khách hàng; Chất lượng quốc tế; Có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội; Không gì là không thể; Làm chủ trong công việc; Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai; Chính trực.

Từ bộ giá trị cốt lõi đó, văn hóa doanh nghiệp tại Tân Hiệp Phát được xây dựng thực chất, đầy đủ, để tất cả tạo ra một khối thống nhất và vững chắc: Từng người lao động của doanh nghiệp này tự hoàn thiện bản thân thành những “chiến binh” thực thụ, để bước chung trên một con đường định hướng rõ ràng, sẵn sàng đối phó với những biến cố chưa từng có trong lịch sử như dịch Covid-19. Nếu ai không phù hợp, không hiểu và không hòa nhập được vào văn hóa doanh nghiệp đó thì có thể ra đi.

“Nhờ vậy, chúng tôi đã xây dựng được những kênh truyền thông nội bộ, truyền thông xã hội rất thực chất, để hình thành mối gắn kết ‘chính trực”, chị Trần Uyên Phương bày tỏ.

Trước đó, Tân Hiệp Phát cũng đã đáp ứng hàng loạt chỉ số cụ thể và phức tạp (nguyên vật liệu đầu vào, nhiên liệu sử dụng, doanh thu, nguồn lực lao động…) để được vinh danh là doanh nghiệp bền vững của năm 2020 – một năm quá nhiều biến động khó lường.

Mặc dù đã được chỉ rõ văn hóa doanh nghiệp là “bí quyết” để vượt lên mọi khó khăn, song thực tế hiện nay, có không ít doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp start-up đang hiểu nhầm, hiểu sai hoàn toàn. Họ chỉ chú trọng việc đẩy mạnh kết quả kinh doanh, tới khi mọi thứ “đạt đỉnh” trong khuôn khổ hoạt động thì doanh nghiệp loay hoay, không thể tìm ra hướng đi để ngăn chặn đà tuột dốc.

Thậm chí, có những công ty tuyển nhân sự về để… giao phó hoàn toàn việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Thế nhưng, lãnh đạo công ty đó không hiểu rằng, dù muốn hay không, thì “văn hóa doanh nghiệp” luôn tồn tại trong họ. Nó được hình thành trong quá trình kết nối nội bộ của công ty, cũng như qua sự truyền thông ra cộng đồng, kết nối đối tác, khách hàng… Bởi thế, người tiên phong và nắm quyền quyết định trong việc định hướng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải là nhà sáng lập/lãnh đạo cao nhất của công ty. Nếu giao phó hoàn toàn việc đó cho người khác, văn hóa doanh nghiệp có thể bị méo mó, hời hợt và hình thức.

Ông Trần Quí Thanh – Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã đúc kết rằng: “Là CEO của một doanh nghiệp, hãy đưa niềm tin lên hàng giá trị cao nhất và chính mình phải là người đi đầu thực hiện. Văn hóa niềm tin là thứ cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp. Một khi đã xây dựng được văn hóa niềm tin, văn hóa doanh nghiệp, thì doanh nghiệp đó sẽ giành được niềm tin không chỉ trong nội bộ của mình, mà sẽ có niềm tin từ cộng đồng xã hội”.

NGUỒN:  Theo Báo An Ninh Thủ Đô

Link bài: Văn hoá….

https://anninhthudo.vn/van-hoa-doanh-nghiep-bi-quyet-chon-bien-so-co-loi-trong-nam-2021-post454039.antd

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *