Khi thương hiệu bị đánh cắp

Đại Dương/ Báo Tiền Phong

Thương hiệu gạo ST25 “ngon nhất thế giới” có nguy cơ bị mất vì một số doanh nghiệp tại Mỹ đang xúc tiến đăng ký quyền bảo hộ, sở hữu trí tuệ (Theo Báo Tuổi Trẻ)

Câu chuyện gạo ST 25, sản phẩm của kỹ sư Hồ Quang Cua bị đe doạ “đánh cắp” gợi cho tui nhiều suy nghĩ về thương hiệu Việt. Sống trong thời đại toàn cầu hoá, hội nhập thế giới bao nhiêu năm, nhưng chúng ta có vẻ như còn ngây thơ với câu chuyện bản quyền.

Chắc các bạn còn nhớ những vụ kiện thương hiệu cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre hay võng xếp Duy Lợi, đó là những bài học đắt giá. Và bây giờ, sản phẩm gạo ngon nhất thế giới năm 2019 có thể rơi vào kịch bản cũ, cho dù nó rõ rành rành là của Việt Nam.

Đừng tưởng rằng, các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý cụ thể của Việt Nam như Buôn Mê Thuột, Bến Tre, Phú Quốc, Phan Thiết thì có thể tự tin không bị nước khác đánh cắp. Nước mắm Phú Quốc đã bị Thái Lan khai thác nhưng cũng chẳng làm gì được họ.

Ngay cả các loại ẩm thực nổi tiếng thuần Việt như bún bò Huế, phở, nhưng cũng bị đánh cắp, do chúng ta đã không tự bảo vệ được sản phẩm của mình. Cụ thể là đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Hãy lo các thủ tục để bảo vệ thương hiệu, sản phẩm theo đúng quy ước quốc tế trước để tránh hậu quả về sau. Các bạn biết đó, để đến khi phải xách gói đi kiện như kẹo dừa Bến Tre, kềm Nghĩa, võng xếp Duy Lợi, thì dù có thắng cũng thiệt hại quá nhiều.

Trần Quí Thanh

—–

ST25 là gạo thơm ngon nức tiếng của Việt Nam. Sản phẩm do kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự lai tạo và năm 2019 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới.

Tiếng thơm vừa được vang xa, gạo ST25 đã phải đứng trước nguy cơ bị đánh cắp thương hiệu khi hiện có đến 5 doanh nghiệp tại Mỹ nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại gạo ST25.

Không phải đến nay chuyện doanh nghiệp Việt Nam bị đánh cắp thương hiệu ở ngoài nước mới xảy ra. Khoảng một thập niên trước, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị đánh cắp như vậy.

Năm 1998, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre của bà Hai Tỏ đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký độc quyền nhãn hiệu tại nước này. Tiếp đến, cà phê Trung Nguyên bị công ty đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ và WIPO (Tổ chức bảo hộ Trí tuệ Thế giới). Thương hiệu thuốc lá Vinataba cũng bị một công ty của Indonesia chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước Asean. Ngay cả thương hiệu lớn như Petro Vietnam cũng bị đánh cắp tại Mỹ.

Không chỉ thương hiệu riêng, hàng loạt sản phẩm đặc trưng mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam như cà phê Buôn Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết… cũng bị chiếm đoạt tại Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới.

Sau rất nhiều vất vả thương thảo và tiêu tốn không ít thời gian, tiền của, các chủ thương hiệu đích thực mới đòi lại được “đứa con mang nặng, đẻ đau” về tay mình. Những chủ sở hữu này sau đó đã sửa sai bằng việc tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các quốc gia là thị trường xuất khẩu của mình. Nhờ đó, tình trạng mất cắp thương hiệu, tên miền của các doanh nghiệp Việt Nam phần nào được giảm thiểu trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, khi sự kiện thương hiệu ST25 xảy ra, người ta nhận thấy nguy cơ bị đánh cắp thương hiệu chưa bao giờ mất đi. Những doanh nghiệp nhỏ, mới gia nhập sân chơi thị trường dễ dàng trở thành nạn nhân bởi thiếu nguồn lực, kinh nghiệm để thực hiện việc đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Thiệt hại đầu tiên thuộc về doanh nghiệp. Không chỉ mất tài sản, doanh nghiệp còn mất cơ hội thị trường bởi sẽ không thể xuất khẩu sản phẩm vào thị trường nơi thương hiệu mình bị đánh cắp.

Thiệt hại tiếp theo thuộc về quốc gia. Tên thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cũng là tài sản của Nhà nước và tài sản này sẽ rơi vào tay người khác khi thương hiệu thuộc quyền sở hữu của họ. Do vậy, đây không chỉ là câu chuyện của những doanh nghiệp cụ thể, riêng biệt mà còn là của các cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan này phải có trách nhiệm đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp trong hành trình bảo vệ thương hiệu ở ngoài nước.

Nếu tình trạng bị đánh cắp thương hiệu vẫn tiếp diễn, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ngăn chặn ngay tại cửa khẩu biên giới các nước, thậm chí bị kiện do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu. Về lâu dài, niềm tin của khách hàng sẽ suy giảm nghiêm trọng do không thể phân biệt được đâu là thực đâu là giả. Một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam cũng vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc mất đi.

NGUỒN:  Theo Báo Tiền Phong

Link bài: Khi thương hiệu….

https://tienphong.vn/khi-thuong-hieu-bi-danh-cap-post1330604.tpo

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *