Xuân Dương/ Báo GDVN
Bệnh thành tích được đánh giá thấp hơn bệnh dối trá bởi bệnh thành tích chủ yếu là với người lớn…
(Tiếp theo phần 1)
2. “Nói mà không làm” với nhà giáo
Quyết định 711 chỉ rõ:
“Các chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là chính sách lương và phụ cấp theo lương, chưa thỏa đáng, chưa thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục, chưa tạo được động lực phấn đấu vươn lên trong hoạt động nghề nghiệp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng được các yêu cầu đổi mới giáo dục”.
Về một số “Nguyên nhân của những bất cập, yếu kém” trong lĩnh vực giáo dục, xin tóm lược bốn nguyên nhân được nêu trong Quyết định 711:
– Quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển” chưa thực sự được thấm nhuần và thể hiện trên thực tế;
– Tư duy về giáo dục chậm đổi mới;
– Chưa nhận thức đúng vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo và sự cần thiết phải tập trung đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục;
– Chưa nhận thức đầy đủ và thiếu chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực (giáo dục – NV) của cả nước,… Các chính sách tuyển và sử dụng nhân lực sau đào tạo còn nhiều bất cập.
Sau khi Chính phủ công bố Quyết định 711, năm 2013 Trung ương ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…”.
Không hề thiếu các văn bản đề cập đến chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về giáo dục đào tạo nói chung và quy hoạch phát triển nhân lực giáo dục nói riêng.
Thế nhưng gần 10 năm đã trôi qua, vì sao Đài truyền hình trung ương lại phải dành một chương trình nêu những bức xúc, bất cập về nhân lực giáo dục?
Phóng sự của Vtv.vn cho biết đến đầu năm 2021 này cả nước hiện đang thiếu hơn 95.000 giáo viên, trong đó bậc mầm non thiếu 48.000 người, tiểu học thiếu 21.000 người, trung học cơ sở thiếu 15.000 người và trung học phổ thông thiếu 11.000 người. [8]
Câu hỏi đặt ra là ai/cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về việc thiếu giáo viên?
Theo quy định trong Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực thi hành từ 01/07/2020, giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng, giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông bắt buộc phải có bằng cử nhân, nghĩa là phải tốt nghiệp đại học.
Tình trạng thiếu giáo viên hiện nay xảy ra là sự cộng dồn từ nhiều năm, trước khi Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực, điều này cũng có nghĩa là số giáo viên ba bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở bị thiếu (84.000 người), phần lớn được đào tạo bởi các trường trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm, phần lớn số trường này do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý, số ít còn lại tốt nghiệp các trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.
Hệ thống các trường sư phạm địa phương, các đại học sư phạm – kỹ thuật do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ quản chịu sự quản lý nhà nước về nội dung, chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mọi thứ khác đều do các “chủ quản” quyết định.
Phân bổ chỉ tiêu biên chế, quỹ lương, việc tuyển dụng, điều động viên chức giáo dục… (nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục) do ngành Nội vụ quản lý.
Như vậy, trách nhiệm để xảy ra tình trạng thiếu hoặc thừa cục bộ giáo viên (mầm non và phổ thông) là Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cụ thể là Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên chịu trách nhiệm chính không phải là Sở Giáo dục và Đào tạo.
Phải chăng đây là một trong những biểu hiện về tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở:
“Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v., là không có tinh thần trách nhiệm”.
Nhận định nêu trong Quyết định 711: “Chưa nhận thức đúng vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo” là nói về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tuy nhiên, nói một cách công bằng trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về Chính phủ mà của cả hệ thống chính trị.
Chính vì đây là “lỗi hệ thống” nên mới xảy ra tình trạng mấy chục năm qua, phần lớn nhà giáo được đào tạo từ đội ngũ những người học lực bình thường, phần đông số vào học tại các trường sư phạm là do không đủ điểm vào các trường khối ngành khác.
3. Nói mà không làm với học sinh
Điều 16 trong “Điều lệ trường tiểu học” ban hành kèm theo Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT quy định:
“Học sinh được tổ chức theo lớp học. Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh do một giáo viên chủ nhiệm phụ trách”.
Nói là như thế nhưng làm thế nào?
Báo Tuoitre.vn đưa tin: Hà Nội có khoảng 1.000 lớp có sĩ số 55 học sinh/lớp và khoảng 2.000 lớp có sĩ số khoảng 50 học sinh/lớp”. [9]
Tại Thanh Hóa, có tình trạng một giáo viên phải làm chủ nhiệm 2 lớp hoặc vì không đủ giáo viên chủ nhiệm nên 3 lớp phải dồn thành 2 lớp.
Những bất cập đã nêu đều đã được tổng kết qua nhận định của Chính phủ:
“Quan điểm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển chưa thực sự được thấm nhuần và thể hiện trên thực tế”.
Rõ ràng là căn bệnh nặng nhất của giáo dục ở tầm vĩ mô đã được nhận diện và tổng kết thành văn bản, đó là quốc sách hàng đầu chưa được các cơ quan thuộc hệ thống chính trị “thấm nhuần và thể hiện trên thực tế”.
Phải chăng điều này có thể diễn giải theo cách khác, rằng chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp của quốc gia, các đạo luật về giáo dục đã được Quốc hội ban hành là khá đầy đủ, đồng bộ song thực tế lại chưa có tác động đến những cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện.
Không những thế, sau phát biểu của đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ về việc trong hai năm 2018, 2019, tỷ lệ chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề chỉ vào khoảng 14%, cũng chưa thấy Quốc hội công bố ý kiến đánh giá, xử lý với cơ quan không thực hiện đúng Nghị quyết 29-NQ/TW và quy định trong các đạo luật đã ban hành.
Vậy căn bệnh “nói mà không làm” đến bao giờ mới có thuốc chữa?
Thứ ba, “Bệnh dối trá”
Giáo dục Việt Nam được dư luận gắn với căn bệnh có cái tên mỹ miều là “Bệnh thành tích”, gần đây một vài tác giả chữa tên căn bệnh này thành “Bệnh ngụy thành tích”.
Để có “thành tích” đưa vào báo cáo, đưa vào các văn bản tổng kết thi đua, khen thưởng, bổ nhiệm, lên lương,… không ít cơ sở giáo dục, không ít cá nhân buộc phải dối trá, thế nên “bệnh thành tích” luôn song hành cùng “bệnh dối trá”.
Về mức độ nguy hiểm, bệnh thành tích được đánh giá thấp hơn bệnh dối trá bởi bệnh thành tích chủ yếu là với người lớn, với cơ sở giáo dục công lập còn bệnh dối trá đã lan đến không ít trẻ em đang đi học.
Báo Laodong.vn ngày 03/04/2021 đăng bài: “Chữa bệnh thành tích trong giáo dục sẽ chữa được bệnh dối trá” với hàm ý hai căn bệnh này là không giống nhau.
1. Bệnh dối trá trong đội ngũ nhà giáo
Báo Vietnamnet.vn trong bài: “Bốn giáo viên bị ‘bêu’ tên vì sao chép sáng kiến kinh nghiệm” viết:
“Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Thuận Nguyễn Huệ Khải cho biết tình trạng sao chép sáng kiến kinh nghiệm để dự thi vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Phòng GD-ĐT TP. Phan Rang – Tháp Chàm mạnh dạn nêu tên người phạm lỗi để rút kinh nghiệm toàn ngành”.
Nhiều chuyên gia, nhà báo có chung quan điểm về sáng kiến, kinh nghiệm của giáo viên phổ thông: “Sáng kiến kinh nghiệm đang được chào bán công khai như… bán rau ngoài chợ”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhận thấy bất cập của cái gọi là “sáng kiến kinh nghiệm” hay không, câu trả lời là có.
Theo quy định mới ban hành, từ năm học 2020-2021, nhà giáo có thể được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà không cần phải có sáng kiến kinh nghiệm.
Tuy nhiên muốn có tên trong danh sách chiến sĩ thi đua (tất cả các cấp) bắt buộc nhà giáo phải có sáng kiến kinh nghiệm. Điều này đã được quy định tại mục 3, điều 9, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Biểu hiện khác của sự dối trá trong đội ngũ giáo viên là sử dụng văn bằng không hợp pháp, nói cách khác là dùng “bằng rởm”.
“Thôi việc 29 giáo viên sử dụng bằng giả”. (Vietnamnet.vn 16/04/2013)
“Lỗ hổng khiến 83 giáo viên dùng bằng giả”. (Vnexpress.net 11/03/2020)
“Đau lòng chuyện giáo viên xài bằng giả”. (Thanhnien.vn 25/09/2020)
…
2. Bệnh dối trá trong học sinh
Trẻ em sinh ra, bản chất là thiện lương (Nhân chi sơ, tính bản thiện), sự dối trá xuất hiện ở học sinh phổ thông, đặc biệt là bậc tiểu học có phần lỗi rất lớn của gia đình, nhà trường và xã hội.
Chính người lớn đã truyền thụ một cách chủ động (cũng có khi là vô ý thức) thói dối trá cho con trẻ mà sách giáo khoa là một ví dụ.
Bài tập đọc “Tấm Cám”, trang 109 sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 1 bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” viết:
“Tấm mồ côi mẹ, phải ở với mẹ kế là mẹ của Cám. Tấm rất chăm chỉ. Ngày ngày, Tấm mò cua, bắt cá, chăn trâu, cắt cỏ,… Còn Cám ham chơi, chả chịu làm gì. Có lần, cả hai đi bắt cá. Cám nghĩ kế lấy hết cá ở giỏ của Tấm để mẹ khen”.
Những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ,… biên soạn sách nghĩ gì mà dạy cho trẻ con “để được mẹ khen” thì “nghĩ kế” ăn cắp của người khác?
Bài học từ lớp 1 ấy liệu có biến thành hành trang suốt cuộc đời con người, liệu có lúc nào người ta tặc lưỡi, rằng để nổi tiếng, để trở thành ông nọ, bà kia thì dối trá là điều tất yếu?
Báo điện tử Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh trích dẫn kết quả nghiên cứu hành vi nói dối của học sinh một số trường trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
“Có đến 5,2% học sinh tự đánh giá là mình đã nói dối liên tục từ 2 tháng trở lên, 2,08% học sinh cho rằng mình đã nói dối liên tục từ 4 tháng trở lên và 12,9% học sinh cho rằng mình đã nói dối liên tục từ 6 tháng trở lên”. [10]
Tổng cộng các con số là 20,18%, nghĩa là cứ 5 học sinh (tại cơ sở khảo sát) thì có một người nói dối liên tục trong khoảng thời gian từ 02 đến 06 tháng.
Gần đây, câu chuyện cô Nguyễn Thị Tuất, giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội tố cáo bị trù dập xuất hiện trên hầu hết các trang báo.
Điều đáng quan tâm là báo Kinhtedothi.vn – Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội – trong bài “Vụ giáo viên tố trường Tiểu học Sài Sơn B trù dập: Người trong cuộc nói gì?” viết về một học sinh lớp 5D mà cô Tuất đang dạy như sau:
“Học sinh này đã nhiều lần viết thư kiến nghị với Ban giám hiệu nhà trường, thậm chí em còn viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về việc dạy học của cô Tuất”.
Không có bất kỳ sự “hướng dẫn” nào, một học sinh lớp 5 tự mình “viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo” phải chăng là điều bình thường tại một ngôi trường không có gì nổi tiếng về chất lượng đào tạo?
Biết có bức “tâm thư” gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì sao báo chí công bố nội dung bức thư?
Phải chăng có sự e ngại về việc từ nội dung có thể dễ dàng suy ra trình độ tác giả?
(Còn nữa)
NGUỒN: Theo Báo Giáo dục Việt Nam
Link bài: Giải mã…
https://giaoduc.net.vn/goc-