Xuân Dương/ Báo GDVN
—–
Về vấn đề cải cách giáo dục, đã có nhiều bài viết, bàn luận liên tục nhiều năm, nhưng chưa có ý kiến nào chạm đến một nội dung cực kỳ quan trọng, đó là ” thể chế”.
Tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục Đào tạo ngày 6.5.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế chính sách, đề xuất điều chỉnh, nhất là cơ chế chính sách liên quan tới trường lớp, giáo viên”.
Có nghĩa là, có thể có những điều chưa phù hợp từ thể chế cần phải rà soát, điều chỉnh. Không sửa từ cái gốc, thì mọi cải cách cũng không bền vững.
Bộ Giáo dục Đào tạo là đơn vị chủ công trong cải cách giáo dục, nhưng để “rà soát thể chế”, cần có nhiều bộ ngành khách tham gia mới có được cái nhìn bao quát, toàn diện.
Từ thể chế mới ra chính sách phù hợp. Điển hình như là chính sách tiền lương cho giáo viên, nếu không thay đổi thì không thể nâng cao được chất lượng giáo dục.
Trong một bài viết liên quan đến giáo dục gần đây, tui nêu quan điểm của mình rằng: “Đừng quên cha ông nói “có thực mới vực được đạo”. Người thầy được xã hội ưu đãi, có mức lương đủ sống tử tế, thì mới toàn tâm toàn ý cho nghề nghiệp. Đầu tư cho người thầy chất lượng cao thì mới có nền giáo dục chất lượng cao. Nền giáo dục chất lượng cao mới sinh ra nhân tài cho đất nước”.
Trở lại ý kiến chỉ đạo về “rà soát thể chế”, cho thấy tầm nhìn cải cách chiến lược của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Nhất là khi ông đưa ra một slogan cực hay: “Học thật, thi thật, nhân tài thật’.
Trần Quí Thanh
—–
Sự tách bạch “Thể chế” thành “Thể chế chính trị” và “Thể chế kinh tế” liệu có khiến cho hai loại “thể chế” này độc lập với nhau, vận hành không đồng bộ cùng nhau?
Từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nền giáo dục đã qua 5 lần cải cách trong khi cải cách ruộng đất chỉ làm một lần, đổi mới thể chế kinh tế cũng mới thực hiện một lần (bắt đầu từ năm 1986).
Sau “Đổi mới kinh tế” là cải cách thủ tục hành chính bắt đầu vào những năm 90 thế kỷ trước. Gần đây bắt đầu xuất hiện các chỉ đạo về “Đổi mới thể chế chính trị”.
Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực liên quan đến mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, an ninh, quốc phòng,… cũng liên quan đến đời sống, tâm tư, tình cảm của gần 100 triệu người Việt bởi sản phẩm cuối cùng mà Giáo dục cung cấp cho đất nước là nhân lực và nhân tài.
Cả nước hiện có khoảng 1,2 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và 24 triệu học sinh, sinh viên, không một ngành nghề nào ở Việt Nam quản lý trực tiếp một số lượng người chiếm tới 1/4 dân số như ngành Giáo dục.
Chỉ có 2 ngành Giáo dục và đào tạo, Khoa học và công nghệ được xác nhận là “Quốc sách hàng đầu” cả trong Hiến pháp, Nghị quyết của Đảng lẫn các văn bản quy phạm pháp luật.
Nghị quyết 29-NQ/TW coi Giáo dục là lĩnh vực ưu tiên đặc biệt:
“Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.
Không mấy khó khăn nếu tìm tiếp những “lời có cánh” nói về giáo dục, đặc biệt là nghề dạy học và đội ngũ nhà giáo các cấp.
Nhưng cuối cùng thì vì sao giới nghiên cứu, dân chúng và bản thân các nhà giáo lại cứ cảm thấy có gì đó chưa ổn trong hoạt động giáo dục, đào tạo mấy chục năm qua.
Trong vòng hơn 70 năm có tới năm lần cải cách giáo dục, bình quân 15 năm một lần, điều này là tốt hay không tốt?
Cũng trong thời gian đó, với đội ngũ giáo sư, tiến sĩ vào loại hùng hậu nhất Đông Nam Á, Việt Nam chưa tìm được triết lý giáo dục cho riêng mình, thế là tốt hay không tốt?
Vì sao trong khoảng thời gian của bốn nhiệm kỳ, ba vị nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Vũ Luận, Phùng Xuân Nhạ và đương kim Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đều lặp lại một vấn đề là mong muốn cải thiện “lương nhà giáo”?
Không chỉ bốn vị Bộ trưởng mong muốn, mà hàng triệu nhà giáo cũng mong muốn nhưng sau hàng chục năm nghiên cứu, sau bao nhiêu bàn bạc, thảo luận, cuối cùng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải lên tiếng trấn an dư luận: “Lương mới của nhà giáo không thấp hơn mức lương hiện hưởng”. (Giaoducthoidai.vn – 29/10/2020)
Chuyện không cải thiện được lương nhà giáo cho thấy vấn đề không còn nằm trong phạm vi trách nhiệm của Bộ trưởng, của ngành Giáo dục mà thuộc về Nhà nước, Thể chế.
Một tháng sau khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ (05/04/2021), ngày 06/05/2021 Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng đã đưa ra một số chỉ đạo rất cụ thể:
“Tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế chính sách, đề xuất điều chỉnh, nhất là cơ chế, chính sách liên quan tới trường lớp, giáo viên”;
“Học thật, thi thật, nhân tài thật”;
“Đánh giá tổng thể, toàn diện, thẳng thắn về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, nhất là trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT”;
“Ngành (Giáo dục – NV) chưa làm tốt công tác thông tin – truyền thông”; … [1]
Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính là rất tâm huyết, rất cụ thể, không né tránh cả những lĩnh vực vốn được cho là “nhạy cảm” như “Tập trung rà soát toàn bộ thể chế…”, bởi thế hiểu cho đúng, làm bằng được chỉ đạo của Thủ tướng không phải chuyện đơn giản.
Trong các phát biểu của Thủ tướng, điểm mới nhất – mà người viết cho là quan trọng nhất – là đề xuất “Tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế chính sách, đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan tới trường lớp và nhà giáo”…
Từ trước đến nay, hình như chưa có ai vì sự phát triển của giáo dục mà đề cập đến chuyện “rà soát” cùng lúc ba thành tố “thể chế, cơ chế, chính sách”.
“Rà soát” là bước khởi đầu và đó không phải là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội khác.
Phát biểu tại Lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày 13/09/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:
“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”
Giáo dục là vì lợi ích trăm năm của đất nước, dân tộc, đó là quá trình lâu dài, liên tục không có điểm dừng nên dẫu quyết tâm chiến lược của Chính phủ cao đến mấy thì chuyện trong một hai năm “rà soát” xong toàn bộ thể chế, cơ chế, chính sách giáo dục đã vận hành hơn 70 năm là điều rất khó nếu không nói là không thể.
Phát biểu của Thủ tướng: “Tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế, chính sách…” cho thấy phạm vi đầu tiên cần rà soát là “thể chế”.
Trước khi nói đến “Rà soát toàn bộ thể chế” cũng nên biết “Thể chế là gì”?
Có hàng chục định nghĩa, cách hiểu khác nhau về thể chế, chẳng hạn:
“Thể chế là khuôn khổ chính trị và pháp lý tạo ra những nguyên tắc và luật lệ cơ bản cho sự hoạt động của các cá nhân và tổ chức”;
“Thể chế là cái tạo thành khuôn khổ, trật tự cho các quan hệ của con người, định vị cơ chế thực thi và giới hạn của các quan hệ giữa các bên tham gia tương tác”;
Theo Douglass North (giải Nobel kinh tế 1993), thì Thể chế là những “Luật chơi trong xã hội”. Bên cạnh “thể chế chính thức” còn có “thể chế phi chính thức” tức là các tập tục, thói quen,… (mà người Việt quen gọi là “lệ làng”).
Nhiều ý kiến diễn giải cụ thể hơn và dễ hiểu hơn: Thể chế được vận hành tại mỗi quốc hoặc vùng lãnh thổ bao gồm ba bộ phận hợp thành: “Phương thức điều hành đất nước; Hệ thống luật pháp; Bộ máy nhà nước”.
Người viết tán đồng cách diễn giải cuối cùng và sẽ dựa vào nó để đưa ra các phân tích.
Trong ba thành tố tạo nên thể chế, “Phương thức điều hành đất nước” (của lực lượng thống trị) giữ vai trò quyết định, chi phối cả Luật pháp và Bộ máy Nhà nước.
“Phương thức điều hành đất nước” còn được hiểu là “Tư tưởng chỉ đạo của giới cầm quyền”, là cách thức vận hành Nhà nước và các thiết chế quyền lực mà giới cầm quyền thu thập được thông qua các biện pháp dân sự hoặc quân sự.
Tại Việt Nam, giai đoạn đầu của công cuộc cải cách mở cửa bắt đầu từ năm 1986 liên quan mật thiết đến đổi mới (có ý kiến nói là “cải cách”) thể chế kinh tế.
Vài năm gần đây xuất hiện một số văn bản chỉ đạo, đề cập đến việc “Tiếp tục đổi mới đồng bộ thể chế chính trị và thể chế kinh tế”. [2]
Sự tách bạch “Thể chế” thành “Thể chế chính trị” và “Thể chế kinh tế” liệu có khiến cho hai loại “thể chế” này độc lập với nhau, vận hành không đồng bộ cùng nhau?
Và phải chăng vì thế cần phải “đổi mới đồng bộ thể chế chính trị và thể chế kinh tế”?
Tạp chí Tuyengiao.vn trong bài “Thành tựu đổi mới chính trị của Đảng và ý nghĩa đối với khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam” đăng ngày 29/09/2020 dẫn kết luận tại Đại hội lần thứ VI của Đảng: “Đổi mới Đảng: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác của Đảng”.
Chỉ đạo “tư duy kinh tế” phải được đổi mới “trước hết” tạo nên những thành quả kinh tế đáng ngưỡng mộ thể hiện qua các con số về GDP, về kim ngạch xuất nhập khẩu,… trong khi văn hóa và giáo dục lại có chiều hướng ngược lại.
Tạp chí Tuyengiao.vn ngày 21/10/2019: “Có phải mọi sai lầm, sự xuống cấp đạo đức xã hội đều do “mặt trái của kinh tế thị trường”? Hay còn có những nguyên nhân khác bắt nguồn sâu xa từ nền tảng văn hóa đang bị lung lay, từ nhận thức chưa đúng, chưa tới tầm?”;
Báo Nhandan.com.vn ngày 30/10/2018: “Lo lắng về sự xuống cấp của đạo đức xã hội”;
Báo Kinhtedothi.vn ngày 16/07/2019: “Thất bại của ngành giáo dục”;
Chuyên trang của báo Công an nhân dân Congan.com.vn ngày 08/11/2018 viết:
“Đạo đức xuống cấp nghĩa là giáo dục thất bại”;…
Có thể thấy sau hơn 30 năm tập trung làm ăn kinh tế, đã đến thời điểm buộc phải đổi mới đồng bộ cả thể chế chính trị lẫn thể chế kinh tế.
(Còn nữa)
Tài liệu tham khảo:
[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7324
[2] http://tapchiqptd.vn/vi/nghien-cuu-thuc-hien-nghi-quyet/tiep-tuc-doi-moi-dong-bo-the-che-chinh-tri-va-the-che-kinh-te/8904.html
NGUỒN: Theo Báo Giáo dục Việt Nam
Link bài: “Rà soát…”…
https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/ra-soat-the-che-tu-nghi-quyet-den-phap-luat-tu-loi-noi-den-viec-lam-1-post217827.gd