Lùi một bước vì một ngày mai an lành

Trần Quí Thanh

THPers 5K

—–

Trong đợt bùng dịch lần thứ tư, ai cũng thấy sự nguy hiểm vì phức tạp hơn lần trước. Chính vì vậy, các quyết định của Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia và lãnh đạo các địa phương có sáng tạo hơn.

Về mục tiêu là không thay đổi, đó là “thắng lợi kép”, vừa kiểm soát được dịch, vừa đảm bảo tăng trưởng. Nhưng cách ứng phó với dịch mỗi giai đoạn có sự linh động.

Như trước đây, chưa đưa việc tiêm vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp vào diện ưu tiên, nhưng nay Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo quyết liệt như vậy. Đặc biệt là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Đối với các địa phương, chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng, đã triển khai phòng chống dịch mạnh mẽ, bám cơ sở sát sao và xử phạt thẳng tay. Đợt này, rất nhiều người không đeo khẩu trang bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng.

Đợt này cũng có nhiều lãnh đạo của một số đơn vị, một số địa phương bị đình chỉ công tác, bị kỷ luật, bị khiển trách.

Xử phạt hay kỷ luật cũng là để cho cộng đồng chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch, vì một ngày mai bình yên, an lành.

Tại TPHCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên xác định: Buộc phải chấp nhận hy sinh hai tuần để bảo vệ lợi ích lâu dài. Hai tuần với TPHCM rất lớn nhưng không có cách nào khác, chúng ta phải chọn giải pháp ít xấu nhất”.

Đối với một trung tâm kinh tế như TPHCM, giãn cách xã hội hai tuần sẽ thiệt hại rất lớn. Nhưng rõ ràng, chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn phương án chịu tổn thất nhỏ nhất.

Ai cũng có thể hình dung, nếu không giãn cách, để bung dịch ra trên diện rộng, làm sập hệ thống y tế, thì tổn thất xã hội, thiệt hại về người và của sẽ không thể tính hết được. Hãy nhìn Ấn Độ để thấy rằng khi bị mất kiểm soát về dịch tễ thì kinh khủng như thế nào, Việt nam có một từ rất hay để diễn tả tình trạng này, đó là “toang”.

Chính phủ quyết tâm, các địa phương quyết liệt, vậy thì mỗi người dân cũng phải đồng lòng. Mỗi chúng ta hãy cứ ngồi yên trong nhà nếu như không có việc cần thiết phải ra ngoài, tạm thời “giấu kỹ” mình một thời gian để góp sức cho việc dập dịch.

Ai cũng “tử thủ” trước con virus SARS-CoV-2, không cho nó vượt qua công sự của mình, thì tự khắc cộng đồng sẽ ngăn chặn được sự lây lan.

Tui đọc đâu đây bài viết, đại ý nói rằng để chống được đại dịch thì cần một cộng đồng chia sẻ và một xã hội hy sinh. Đúng vậy, có những y bác sĩ hy sinh trên tuyến đầu, có những cán bộ chiến sĩ đêm ngày tuần tra ở các ngõ ngách biên giới, thì mỗi công dân cũng hy sinh một chút thói quen sinh hoạt, thậm chí hy sinh một chút lợi ích kinh tế của mình.

Ai trong chúng ta cũng bị thiệt hại, nhưng còn người thì còn của. Cha ông xưa dạy vậy.

Sài Gòn ngày 03/06/2021,

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *