Tối ưu hóa để “sống chung” với Covid-19

Trần Quí Thanh

Nguồn hình:Tạp chí Tài Chính

—–

Anh Thanh quí mến,

Thưa anh, tôi là Trần Lâm Chiến. Cách đây hai năm tôi có gặp anh ở một hội thảo các doanh nghiệp Bình Dương và đã nói chuyện riêng với anh. Không biết anh còn nhớ không?

Khi đó anh đã có trang web riêng mà tôi không biết. Bây giờ đọc nhiều trang web của anh mới hiểu anh hơn.

Thư này chỉ để làm quen với anh và chỉ đặt một vấn đề cùng anh: Người ta hay nói cần thay đổi chiến lược kinh doanh để “sống chung” với Covid-19, nhưng thay đổi thế nào thì còn tù mù quá anh ạ. Theo anh nên thay đổi thế nào.

Chúc anh vui khoẻ. Cho tôi hỏi thăm chị Nụ và các cháu

Thân quí,

Trần Lâm Chiến ( Sài Gòn): chienlamtran_1952@gmail.com

—–

Anh Trần Lâm Chiến mến,

Trước hết, phải nói ngay rằng không thể có công thức thay đổi chiến lược kinh doanh áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp, bởi vì mỗi lĩnh vực kinh doanh có những đặc thù riêng, lợi thế riêng, nhược điểm riêng khi đối diện với dịch bệnh. Tui nói vậy vì trên thực tế, có những doanh nghiệp tìm ra được cơ hội trong đại dịch COVID-19 đó anh.

Tuy nhiên, khi rơi vào những khủng hoảng do dịch bệnh, sức tiêu thụ của thị trường giảm sâu, thì mỗi doanh nghiệp phải tính toán lại chiến lược kinh doanh dựa trên tình hình thực tế của doanh nghiệp mình.

Nếu xét dưới góc nhìn tích cực, thì đây cũng là cơ hội để thay đổi. Tui chưa nói đến việc tái cấu trúc, chỉ đề xuất tối ưu hóa.

Tối ưu hóa sản xuất là lựa chọn cách thức sản xuất mới để giảm bớt chi phí sản xuất. Khi tối ưu hóa sản xuất thì đương nhiên phải tối ưu hóa nhân sự.

Sau khâu sản xuất là phân phối, tối ưu hóa hệ thống phân phối là để cắt giảm chi phí, từ đó hạ giá thành để giữ khách hàng, chặn đà sụt giảm doanh số.

Tối ưu hóa cũng là cơ hội để sàng lọc nhân viên. Sẽ có những người phù hợp với thay đổi, và cũng có những người không thích ứng với hệ thống, sẽ bị đào thải. Sự tự đào thải này khác với cắt giảm nhân sự, cho thôi việc vì dịch, mà là quy luật của “tối ưu hóa”.

Lưu ý của phần này là không cắt giảm lương, mà phải có nhiều chương trình khích lệ tinh thần anh em. Đặc biệt, tranh thủ thời gian để đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị cho cuộc bứt phá hậu đại dịch.

Cuối cùng, hãy mạnh dạn số hóa vì đây là bước chuyển không thể không đến, vậy thì doanh nghiệp hãy cho nó đến sớm. Tui xin thông tin với anh, các chuyên gia cho biết con virus SARS-CoV-2 đã thúc đẩy quá trình số hóa của thế giới đi nhanh hơn từ 3-5 năm. Vậy thì, mỗi doanh nghiệp hãy tham gia tiến trình này tùy theo thực tế ngành nghề kinh doanh của mình.

Tui xin đưa ra ý kiến tư vấn như trên để anh tham khảo.

Chúc anh vui khỏe.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *