Phan Minh Ngọc/ Báo TBKTSG
—–
Theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, GDP quí 2-2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quí 2-2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quí 2 các năm 2018 và 2019. Do đó, GDP sáu tháng đầu năm tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của sáu tháng đầu năm 2020, nhưng cũng thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Kết quả tăng trưởng trên có là khả quan hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào việc chúng ta so sánh nó với cái gì. Nếu so sánh với kết quả trong cùng kỳ năm 2020 thì rõ ràng đây là một kết quả rất khả quan, rất ấn tượng, đặc biệt xét trong bối cảnh nhiều nước thậm chí vẫn còn tăng trưởng âm trong quí 1-2021 (lưu ý rằng ở thời điểm này chắc chỉ có mỗi Việt Nam đã công bố tăng trưởng GDP của quí 2-2021).
Nhưng nếu so sánh với mục tiêu tăng trưởng trong cả năm 2021 của Quốc hội đặt ra cho Chính phủ là 6%, và mục tiêu “phấn đấu” của Chính phủ là 6,5% như được đề ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ đầu năm nay, thì rõ ràng đây là một kết quả không khả quan, đặc biệt khi xét đến nền so sánh rất thấp là năm 2020. Cần lưu ý rằng ở nhiều nước/vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ…, sự tăng trưởng đã bứt phá mạnh mẽ trong năm nay, cao hơn đáng kể tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, một phần cũng bởi cái nền so sánh thấp này.
Vậy tăng trưởng của Việt Nam trong nửa năm còn lại sẽ ra sao, có “khả quan” hay không?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho nửa năm còn lại. Ở kịch bản 1, nếu dịch bệnh được khống chế về cơ bản trong tháng 7-2021 thì tăng trưởng quí 3 và quí 4 sẽ đạt lần lượt 6,2% và 6,5%, đưa tăng trưởng cả năm 2021 lên 6%, đạt mục tiêu do Quốc hội đề ra. Ở kịch bản 2, nếu dịch bệnh cơ bản được khống chế trong tháng 6 thì tăng trưởng cả năm 2021 sẽ đạt mục tiêu “phấn đấu” của Chính phủ là 6,5% (quí 3 và quí 4 tăng trưởng lần lượt là 7% và 7,5%).
Không xét đến phương pháp tính toán dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chính xác, khoa học hay chỉ là định tính, “áng chừng”, kịch bản 2 đã chắc chắn không xảy ra, khi mà dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, lan rộng ở một số địa phương, vượt quá cái mốc tháng 6. Kịch bản này càng bất khả thi như phân tích thêm dưới đây.
Con virus vô hình không biết tuân theo mệnh lệnh, ý chí của con người. Nó đặt ra cho chúng ta chỉ có hai lựa chọn: hoặc là tiêu diệt/khống chế được nó (và các biến thể) bằng vaccin để rồi có tăng trưởng kinh tế (mạnh mẽ), hoặc là phải (tiếp tục) giãn cách, phong tỏa các hoạt động kinh tế để rồi tăng trưởng bị đình trệ. |
Với kịch bản 1, việc khống chế về cơ bản dịch trong tháng 7 nếu có xảy ra thì cũng chủ yếu chỉ là trên giấy. Bởi yếu tố quyết định đến việc dịch Covid-19 có tiếp tục lây lan trên diện rộng hay không là việc tiêm chủng rộng rãi vaccin, tất nhiên kèm theo điều kiện tiên quyết là các loại vaccin đã và sẽ được đưa vào sử dụng có hiệu quả với các loại biến thể hiện tại và trong tương lai của virus. Nếu xét trên phương diện tiêm chủng và tính hiệu quả của vaccin này thì, như dự báo của cơ quan chức năng, thậm chí đến năm 2022 chúng ta may ra mới thực hiện được mục tiêu.
Trong khi Việt Nam chưa phổ cập vaccin và không có biện pháp gì khác khả dĩ để chống lại dịch Covid-19 thì các đợt bùng phát dịch mới sẽ luôn chực chờ. Nên nếu giả sử dịch bệnh có lắng xuống trong tháng 7 thì nó hoàn toàn có khả năng bùng phát lại trong các tháng tới mà chẳng có phép mầu nào cứu vớt chúng ta thoát khỏi phải sống chung với thảm họa này.
Vậy, không lẽ chúng ta không còn có cách thức, công cụ nào để tăng trưởng sáu tháng còn lại của năm trở nên “khả quan”? Câu trả lời là: Vẫn có.
Đó đơn giản chỉ là hạ thấp mục tiêu tăng trưởng năm nay. Đúng hơn, chúng ta đừng tự mình làm khó cho mình khi đặt ra một mục tiêu từ nhiều tháng trước trong khi diễn biến dịch bệnh và công tác tiêm phòng biến động từng ngày theo hướng không thể lường trước được.
Những biện pháp và công cụ kiểu như “kiên quyết thực hiện mục tiêu kép” có giúp ích gì được không? Rất tiếc, con virus vô hình không biết tuân theo mệnh lệnh, ý chí của con người. Nó đặt ra cho chúng ta chỉ có hai lựa chọn: hoặc là tiêu diệt/khống chế được nó (và các biến thể) bằng vaccin để rồi có tăng trưởng kinh tế (mạnh mẽ), hoặc là phải (tiếp tục) giãn cách, phong tỏa các hoạt động kinh tế để rồi tăng trưởng bị đình trệ, ảnh hưởng trong một số giai đoạn của năm.
Chúng ta đã không tự chủ, không đảm bảo được nhanh chóng và chắc chắn nguồn cung vaccin. Thậm chí, khi có vaccin, chúng ta đã không biết cách tổ chức tiêm phòng thế nào cho vừa nhanh vừa đảm bảo không lây nhiễm chéo như được thể hiện qua hình ảnh những đám đông chen chúc trong các địa điểm tiêm chủng. Với những hạn chế, khiếm khuyết về năng lực cơ bản như vậy thì việc đặt ra những mục tiêu cao xa sẽ chỉ làm khả năng “bung” và “toang” xảy đến nhanh hơn, chắc chắn hơn mà thôi.
Tóm lại, có nhiều khả năng tăng trưởng trong sáu tháng còn lại và cả năm sẽ thấp hơn ít nhất là mục tiêu 6,5% nếu Việt Nam không tăng tốc và đảm bảo việc tiêm phòng vaccin hiệu quả.
Nhưng dù thế nào, mọi tốc độ tăng trưởng dương trong phần còn lại của năm cũng đều là điều khả quan và đáng hoan nghênh bởi sự hữu hạn của các nguồn lực và năng lực của hệ thống, cũng như sự chịu đựng hết mức và cố gắng đến kiệt sức của doanh nghiệp và người dân suốt từ năm ngoái, trong khi Chính phủ chưa/không giúp gì được nhiều, thậm chí còn “huy động” nguồn lực từ doanh nghiệp và người dân cho công cuộc phòng, chống dịch.
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Kinh tế….
https://www.thesaigontimes.vn/