Cần tránh việc tách, nhập kiểu đèn cù

TS  Trịnh Tiến Dũng Nguyên Trưởng ban Quản trị quốc gia, UNDP Việt Nam/ Báo TBKTSG

Các tỉnh ĐBSCL đều khai thác một vài lợi thế tự nhiên phổ biến trong vùng như cá da trơn, tôm và lúa, nếu sáp nhập một số tỉnh có dân số và diện tích nhỏ sẽ có thể phát huy quy mô kinh tế tối thiểu. Ảnh: H.P

—–

Công luận đang rất quan tâm đề án sáp nhập các địa phương mà Bộ Nội vụ đưa tin trên báo chí mấy hôm nay, dù sau đó có nói lại là bộ chưa đề nghị vấn đề này lên Chính phủ. Một câu hỏi nổi cộm là việc sáp nhập tới đây có dựa trên tiêu chí thực sự khoa học và thực tiễn hay không, hay vẫn chỉ làm theo kiểu đèn cù, rồi đâu lại vào đó, như các lần trước?

Người dân thường thì hỏi: có chuyện gì xảy ra? Vì sao lại tách, nhập khi các địa phương vẫn làm ăn tốt? Sắp xếp, xáo trộn có lợi gì cho đất nước trong khi việc này tốn kém không hề nhỏ, chưa kể tác động xã hội mà nó để lại không thể khắc phục ngày một, ngày hai.

Các nhà khoa học thì bán tín, bán nghi. Chẳng lẽ một việc lớn như vậy mà Bộ Nội vụ lại không có báo cáo tác động dựa trên các tiêu chí tiến bộ để so sánh thiệt hơn? Theo báo chí, diện tích và dân số là hai tiêu chí làm căn cứ xem xét sáp nhập các địa phương từ năm 2022(1).

Theo tôi, các tiêu chí nêu trên không còn phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới (2021-2030) khi mà sự phát triển đã phải đi vào chiều sâu (phản ánh bằng kết quả đầu ra) thay cho chiều rộng (dựa trên nguồn lực đầu vào), phải lấy chất lượng tăng trưởng, lấy hạnh phúc của người dân làm thước đo chính.

17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Việt Nam cam kết theo đuổi cùng nhân loại chính là cách thức quản trị quốc gia, quản trị địa phương mới mà hình như Bộ Nội vụ đã bỏ qua. Thật đáng tiếc. Quản trị quốc gia, quản trị địa phương không thể dựa vào triết lý lỗi thời dựa trên dân số và diện tích như đề xuất của Bộ Nội vụ.

17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Việt Nam cam kết theo đuổi cùng nhân loại chính là cách thức quản trị quốc gia, quản trị địa phương mới mà hình như Bộ Nội vụ đã bỏ qua.

Thật đáng tiếc. Quản trị quốc gia, quản trị địa phương không thể dựa vào triết lý lỗi thời dựa trên dân số và diện tích như đề xuất của Bộ Nội vụ.

Vậy, thay các tiêu chí lạc hậu nêu trên bằng các tiêu chí tiến bộ nào?

Trước hết, hãy nhìn ra thế giới xem họ làm ăn ra sao. Từ mấy thập kỷ nay, Singapore đã nêu một tấm gương sáng về trị nước dựa trên kết quả đầu ra. Lương tổng thống, thủ tướng và các bộ trưởng trong Chính phủ Singapore cao ngất ngưởng. Anh, Mỹ, các nước tư bản phát triển ngước nhìn mà thèm. Nhưng chớ vội mừng. Khi GDP giảm thì lương của các vị chức sắc kia cũng giảm ngay tắp lự. Singapore gắn chặt thu nhập của lãnh đạo vào kết quả làm việc của họ.

Một tiêu chí khác là năng suất lao động (thu nhập GDP/giờ làm việc của một người lao động). Trong 10 nước đứng đầu về thu nhập GDP/giờ năm 2015, có đến sáu nước có số dân nhỏ (như Ireland, Na Uy, Bỉ, Đan Mạch và Thụy Sỹ với số lao động dưới 5 triệu người) và rất nhỏ (như Luxembourg-số lao động chỉ chưa đến nửa triệu người). Thậm chí thứ hạng của sáu nước nhỏ này còn xếp trên cả ba “ông lớn” là Mỹ, Pháp và Đức trong tốp 10(2). Không hiểu sao lâu nay Tổng cục Thống kê Việt Nam không tính chỉ tiêu này, ít nhất là hai năm một lần khi khảo sát mức sống hộ gia đình.

Ngay trong nước, chúng ta cũng có những gương sáng mà đang bị che mờ, dù vô tình hay cố ý. Thu ngân sách nhà nước là tiêu chí quan trọng bậc nhất, cho thấy hiệu quả quản trị ở mỗi địa phương. Nửa đầu năm 2021, các địa phương có diện tích nhỏ như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, Cần Thơ… có số thu ngân sách ngang ngửa nếu không nói là còn lớn hơn các “đại gia” đông dân, nhiều đất(3). Ví dụ: sáu tháng đầu năm 2021 thu ngân sách của Thanh Hóa (tỉnh có diện tích lớn thứ năm cả nước) là 15.878 tỉ đồng, trong khi Bắc Ninh (diện tích nhỏ nhất cả nước) có số thu cao hơn Thanh Hóa – 16.011 tỉ đồng(4).

Có thể có ý kiến cho rằng thu ngân sách địa phương cao hay thấp là do trung ương phân cấp nguồn thu; vả lại lãnh đạo địa phương cũng là do trung ương sắp xếp. Làm gì có yếu tố cá nhân, địa phương ở đây. Đúng là vẫn bầu trời này, thể chế này vậy mà mỗi địa phương vẫn có cách làm riêng của mình. Ví dụ: Hệ số giữa mức động viên ngân sách bình quân đầu người của địa bàn cao nhất (Bà Rịa – Vũng Tàu) so với địa bàn thấp nhất (Bến Tre) tới xấp xỉ 60 lần.

Tóm lại, để tránh hiện tượng đèn cù trong tách, nhập các địa phương, chúng tôi đề xuất thay thế dân số và diện tích bằng tiêu chí phát triển kinh tế (thu ngân sách/người dân) và thu nhập GDP/giờ. Nếu sau khi cân nhắc kỹ mà thấy địa phương nào không đáp ứng các tiêu chí tiến bộ này thì xem xét sáp nhập. Các địa phương làm tốt kiên quyết không sáp nhập.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng nên xem xét thêm yếu tố quy mô kinh tế(5) dẫn đến giảm cơ hội phát triển do độc canh tự nhiên. Lấy ví dụ như ở đồng bằng sông Cửu Long, cả 13 tỉnh đều khai thác một vài lợi thế tự nhiên phổ biến trong vùng như cá da trơn, tôm và lúa. Họ cạnh tranh lẫn nhau, địa phương này phát triển thì cơ hội cho địa phương khác bị giảm sút. Vì vậy, ví dụ nếu sáp nhập Cần Thơ với Hậu Giang trở lại như trước đây thì cũng có thể phát huy quy mô kinh tế tối thiểu vì hai tỉnh này hiện có số dân và diện tích cũng khá nhỏ.

(*) Nguyên Trưởng ban Quản trị quốc gia, UNDP Việt Nam

(1) https://tienphong.vn/tieu-chi-lo-trinh-sap-nhap-tinh-tu-nam-2022-post1355728.tpo

(2) https://time.com/4621185/worker-productivity-countries/ OECD

(3) Về diện tích tự nhiên, 10 tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước là: Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Ninh Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hải Phòng, Thái Bình.

(4) Thanh Hóa đứng thứ ba cả nước về dân số, chỉ sau TPHCM, Hà Nội và thứ tư về diện tích, chỉ sau TPHCM, Hà Nội và Nghệ An).

(5) Economy of scale

NGUỒN:  Theo thời Báo Kinh Tế Sai Gòn

Link bài: Cần tránh…

https://www.thesaigontimes.vn/318582/can-tranh-viec-tach-nhap-kieu-den-cu.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *