Tri Thức Trẻ/ Báo Thanh Tra
Trao đổi với phóng viên (PV), bà Trần Uyên Phương tâm sự: “Chúng ta cần phải thích nghi, thay vì chờ đợi một ngày nào đó mọi thứ sẽ trở lại như cũ. Tôi nghĩ, thời gian sống chung với dịch bệnh đã đủ dài, để mọi người hiểu rằng, đây chính là thực tại, là bình thường mới”.
PV: Covid-19 đã gây ra những thách thức gì cho bộ máy sản xuất nói chung và nhân viên Tân Hiệp Phát nói riêng?
Bà Trần Uyên Phương: Thách thức chủ yếu đối với Tân Hiệp Phát trong giai đoạn này, chủ yếu đến từ tâm lý hoang mang, lo sợ, luôn trong trạng thái căng thẳng của nhân viên. Đầu tiên mới chỉ là thông tin về dịch. Sau đó khi xuất hiện các khu vực có lượng F1, F2 lớn, thì nhân viên có người thân là F1, F2 hoặc tiếp xúc với F1, phải làm việc ở nhà, không đến công ty được.
Bà Trần Uyên Phương: Trước hết, các kênh truyền thông của Tân Hiệp Phát rất nhanh, rõ ràng, tuyệt đối không để tin đồn thất thiệt xuất hiện khiến nhân viên căng thẳng. Một số thành viên trong ban lãnh đạo đã được phân tham gia vào Tiểu ban phòng chống Covid-19 24/24/7. Tại tiểu ban này, tất cả các thông tin sẽ chỉ đến hai người. Một là đứng đầu của khối và hai là tôi – người phụ trách thông tin cuối cùng.
Nếu có thông tin muốn làm rõ, nhân viên có thể liên hệ trực tiếp với tôi để tránh việc phải hỏi những người xung quanh dẫn đến việc tiếp nhận thông tin không chính xác. Mọi thông tin sẽ được quy về một đầu mối và được cập nhật liên tục hàng ngày, bao gồm cả thông tin tiếp xúc gần với F0 hay F1, hay F2 của cán bộ công nhân viên. Tất cả nhằm đảm bảo mục tiêu giúp nhân viên cảm thấy được an tâm.
Còn về vấn đề an toàn, khi tình hình căng thẳng các đơn vị tức tốc chuẩn bị vật liệu và chia thành các đội liên tục sát khuẩn mỗi ngày để nhân viên cảm thấy an toàn trong môi trường làm việc còn hơn ở nhà.
Mới đây, liên đoàn lao động và một số ban ngành có tổ chức đoàn đến kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương, Tân Hiệp Phát được ghi nhận đang thực hiện rất nghiêm túc 5K. Các quản lý tuyến đầu quan tâm nhắc nhở, tuyên truyền đến nhân viên, đọc loa thông báo 2 ngày/lần đặc biệt là thông tin về các khu vực đang được nhà nước yêu cầu hạn chế đi lại, yêu cầu nhân viên khai báo y tế những nơi đã đến và tuyệt đối không giấu diếm thông tin, mà ngược lại nhân viên chủ động và rất trách nhiệm chia sẻ thông tin.
PV: Về phía nhân viên, sự cống hiến và nhiệt huyết của họ có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh?
Bà Trần Uyên Phương: Tất nhiên, hoang mang thì có chứ. Tôi nhận được hàng trăm thắc mắc, tâm sự của nhân viên về việc họ lo lắng như thế nào, gia đình của họ khó khăn ra sao. Nhưng khi tôi trực tiếp tương tác để giải thích rõ ràng, thì nhân viên họ hiểu và thông suốt hơn.
PV: Tân Hiệp Phát làm thế nào để đảm bảo được việc làm và thu nhập, thậm chí tăng lương cho lao động trong mùa dịch?
Bà Trần Uyên Phương: Trong suốt thời kỳ dịch nói chung, từ đầu năm 2020 đến nay, Tân Hiệp Phát vẫn có thể đảm bảo thu nhập cho nhân viên, nhờ đưa ra được chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, sản phẩm có lợi cho sức khỏe vẫn là sự lựa chọn và nhu cầu bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch, cập nhật và xử lý nhanh thông tin nội bộ, phối hợp tốt nội bộ và với nhà cung cấp để xử lý nhanh sự cố. Chúng tôi cũng muốn nhân cơ hội này cảm ơn các khách hàng, các đối tác đã phối hợp với Tân Hiệp Phát trong suốt thời gian vừa qua.
Đặc biệt hiện nay, mặc dù giá nguyên vật liệu tăng đều, chi phí vận chuyển tăng nhưng Tân Hiệp Phát chấp nhận không tăng giá sản phẩm để chia sẻ khó khăn với khách hàng là cửa hàng nhỏ lẻ , đại lý, nhà phân phối và kể cả người tiêu dùng, chấp nhận cắt giảm các khoản khác để duy trì được mức độ ổn định sản xuất.
Tân Hiệp Phát hiểu rất rõ, ngành nước uống nói riêng và ngành hàng tiêu dùng nhanh nói chung bị ảnh hưởng rất nặng vì các cửa hàng ăn uống, kể cả các tiệm tạp hóa đóng cửa, người dân giảm tiêu dùng, nếu có mở cửa cũng hạn chế tiếp xúc với nhân viên bán hàng. Chúng tôi cần chia sẻ và hỗ trợ để cả chuỗi cung ứng cùng nỗ lực thì mới mau chóng ổn định và cùng nhau đi qua được khó khăn.
Còn việc thu nhập của một số vị trí vẫn tăng trong mùa dịch Covid-19, là từ quan điểm đầu tư nhân lực là đầu tư dài hạn. Không chỉ tăng lương 2 lần trong năm 2020, chúng tôi tiếp tục đầu tư, tăng lương tối thiểu vùng cho các đơn vị vùng xa trong tập đoàn ngay cả khi năm nay nhà nước không tăng. Các nhân viên của chúng tôi sẽ được đóng thêm bảo hiểm xã hội với mức mới này, để thêm phúc lợi cho nhân viên, mua thêm bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ cho toàn bộ nhân viên để đồng hành cùng nhân viên trong mùa dịch.
Những lúc này là lúc nhân viên chúng tôi cần sự hỗ trợ nhất, và chúng tôi đồng hành để đỡ phần nào khó khăn cho gia đình nhân viên trong mùa dịch và cũng là thực hiện mục tiêu ổn định và duy trì sản xuất, tránh thêm các gánh nặng cho nhà nước, đồng hành vượt qua khó khăn.
PV: Trong thời kỳ dịch, những giá trị cốt lõi nào của Tân Hiệp Phát được tỏa sáng và thể hiện cụ thể ra sao?
Bà Trần Uyên Phương: Giá trị cốt lõi khiến tôi tự hào nhất về con người Tân Hiệp Phát trong mùa dịch chính là tinh thần vượt qua thử thách, hay ở Tân Hiệp Phát chúng tôi gọi là tinh thần “không gì là không thể”.
Biết là khó khăn, nhưng mọi con người Tân Hiệp Phát vẫn xác định phải đạt “mục tiêu kép”, giống như lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ.
Nói thì nghe rất đơn giản, nhưng thật ra trong tình hình hiện tại thực sự rất khó khăn. Đi làm hàng ngày vốn đã rất căng thẳng vì dịch bệnh, tình hình thay đổi liên tục, bởi dịch bệnh không chỉ khó lường đối với riêng Tân Hiệp Phát, mà đến các nhà cung cấp, nhà phân phối cũng gặp khó khăn.
Tuy nhiên tinh thần của nhân viên ở Tân Hiệp Phát là tư duy tích cực, tin rằng mình làm được, tập trung mục tiêu để ra kết quả. Vì vậy mà sự việc nào cần phải xử lý thì khoanh vùng lại xử lý, còn những người khác vẫn tiếp tục duy trì những hoạt động để theo kịp tiến độ đã đề ra. Nhân viên thì chủ động để hỗ trợ lẫn nhau. Phòng này bị chậm lại thì phòng khác sẽ tăng tốc lên một chút, để tất cả có thể cùng nhau phối hợp được. Nhờ xây dựng và khuyến khích mọi người hành xử theo giá trị cốt lõi, tất cả mọi người cùng một tư duy đó nên cùng bắt tay nhau để làm cho tốt.
PV:Trong suốt quá trình phát triển, Covid-19 có phải là khủng khoảng khó khăn nhất với con người Tân Hiệp Phát không, hay còn những thứ khó khăn hơn?
Bà Trần Uyên Phương: Sau mỗi lần gặp khủng hoảng, Tân Hiệp Phát mạnh mẽ, kiên cường và hoàn thiện hơn, nhưng bản chất những cuộc khủng hoảng về sau cũng càng khó khăn hơn, nên mình không có cách nào khác ngoài thích nghi với việc đó.
Đặc biệt, Covid-19 là khó khăn ảnh hưởng đến toàn thế giới, chứ không phải chỉ mỗi Việt Nam hay Tân Hiệp Phát. Tác động của dịch bệnh Covid-19 vô cùng lớn cả trong ngắn hạn và trong dài hạn. Không ai có thể biết trước dịch bệnh sẽ có đợt 1, đợt 2, rồi đến khủng hoảng thiếu container toàn cầu , đợt 3, đợt 4, và sau đợt 4, và còn thì tiếp theo sẽ là khủng hoảng gì.
Đối với cá nhân tôi, cụm từ “bình thường mới” sẽ là một khái niệm thể hiện rằng: sau mỗi cuộc khủng hoảng, chúng ta cần phải thích nghi, thay vì chờ đợi một ngày nào đó mọi thứ sẽ trở lại như cũ. Tôi nghĩ, thời gian sống chung với dịch bệnh đã đủ dài, để mọi người hiểu rằng, đây chính là thực tại, là bình thường mới.
PV: Lãnh đạo cấp cao của Tân Hiệp Phát có phải hy sinh điều gì vì nhân viên trong mùa dịch không?
Bà Trần Uyên Phương: Nói đến hy sinh thì tôi thấy tất cả mọi người đều phải hy sinh chứ không phải cứ là lãnh đạo hay nhân viên. Còn tất nhiên, trong những lúc khó khăn thách thức như Covid-19, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng.
Có những lãnh đạo Tân Hiệp Phát đã đến công ty ngủ hơn 1 tuần rồi (cười). Vì họ lo lắng, nếu họ có trở thành F0, hay F1, F2 thì ngay lập tức sẽ ảnh hưởng tới tiến độ công việc chung, cho nên họ tự động cách ly trước.
Khi mình ở vị trí quản lý, thì mình phải là người làm gương trước tiên. Biết là công việc không thể thiếu mình, thì mình càng phải ý thức. Tôi cho rằng đó cũng là tinh thần đáng được tuyên dương của tập thể cán bộ nhân viên của Tân Hiệp Phát. Lãnh đạo tập thể nhưng lãnh đạo bản thân và tuân thủ cũng là điểm đáng được ghi nhận cho nhân viên, và quản lý ở mỗi phạm vi khác nhau.
Khi mình hành động và mọi người nhận được sự yên tâm, an toàn thì mình không nhận thấy đó là sự hy sinh, mà nó là một phần trách nhiệm của mình. Khi mọi người yên tâm thì mình cũng nhận được năng lượng tích cực tỏa ra từ họ.
PV: Trong thời gian tới, Tân Hiệp Phát có chiến lược gì để tiếp tục duy trì hoạt động và hỗ trợ nhân viên tối đa?
Bà Trần Uyên Phương: Hiện nay, phương án thì rất nhiều bởi cũng có rất nhiều giả định về đỉnh dịch. Tân Hiệp Phát thì đã có một số phương án dự phòng, ví dụ nếu mình có ca F0, F1 thì mình ở mức độ sẵn sàng như thế nào.
Tiểu ban Covid-19 của Tân Hiệp Phát đã chuẩn bị trước chỗ cho công nhân ở lại, nghiên cứu sắp xếp trước điện, nước, cơ sở vật chất, thực phẩm và những phương án có thể xảy ra khi cần phong tỏa. Cũng không dám nói rằng mình đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và mình thực sự sẵn sàng mà chỉ có thể nói rằng mình đang chuẩn bị và hoàn thiện tối đa có thể.
Chúng tôi ưu tiên cho lực lượng sản xuất, đó chính là tuyến đầu, kế đến là xuất hàng, … để duy trì hoạt động kinh doanh, kế đến mới là các khối phòng ban còn lại. Mức độ khẩn cấp của mỗi khối, mỗi chức năng hoàn toàn khác nhau.
NGUỒN: Báo Thanh Tra dẫn theo Báo Tri Thức Trẻ
Link bài: Bà phó tổng…
https://thanhtra.com.vn/kinh-