Phải nghĩ rằng “thế giới trong lòng bàn tay”

Trần Quí Thanh

—–

Kính gửi chú Dr Thanh

Thưa chú. Tình hình dịch kéo dài làm nản lòng nhiều người nhưng chúng cháu là nhóm Start-up Đồng Nai tuy không còn trẻ nữa nhưng vẫn không nản lòng chú ạ.

Chúng cháu vẫn đọc  trang blog của chú và thấy tinh thần của CEO Dr Thanh vẫn phơi phới thanh xuân. Nể phục chú lắm ạ.

Thư này gởi chú chỉ hỏi chú một câu nhỏ xíu nhưng to đùng, là: Làm thế nào để thu hút đầu tư ngoại? Chú khuyên bảo chúng cháu với nhé.

Chúc chú khoẻ, khoẻ nữa, khoẻ mãi

Nhóm Ceo trẻ (sắp già): leminhthi_sgthuong82@gmail.com

—–

Nhóm CEO trẻ mến!

Rất vui được trao đổi với các cháu, nhất là khi được các cháu khen “phơi phới thanh xuân”. Đúng là đương nhiên ai cũng già đi theo tuổi tác, nhưng riêng chú vẫn luôn thấy mình trẻ trung trong suy nghĩ, vẫn hăng say làm việc, như khi còn trẻ vậy.

Về câu hỏi làm thế nào để thu hút nhà đầu tư ngoại, chú chia sẻ với các cháu thế này.

Trước tiên, với thế hệ của các cháu, là công dân toàn cầu, là thời đại của hội nhập, cho nên đừng bao giờ chỉ có tư duy quốc gia, mà phải nghĩ rằng “thế giới trong lòng bàn tay”.

Một start up thế hệ của các cháu không chỉ đi tìm các nhà đầu tư trong nước, mà phải mở rộng tầm nhìn của mình ra thế giới, để tìm kiếm những đối tác phù hợp nhất cho dự án của mình.

Muốn đi ra thế giới, đương nhiên là phải có công cụ, trong đó đầu tiên là giỏi tiếng Anh, không có công cụ giao tiếp đó, không nói được chuyện gì.

Thứ hai là phải am hiểu văn hóa của thị trường nơi mà các cháu hướng đến để thu hút đầu tư. Ví dụ như Mỹ châu Âu, hay khu vực châu Á. Nhà đầu tư sẽ có ấn tượng tốt khi gặp một start up có sự hiểu biết về văn hóa, sự hiểu biết đó không phải là ngồi để khoe kiến thức, mà bộc lộ trong ứng xử, giao tiếp và nhiều hình thức thể hiện khác.

Một trong những ưu tiên và cũng là văn hóa của các nhà đầu tư nước ngoài, đó là sự minh bạch. Họ không muốn tiếp cận với một start up ăn nói hai lời, úp mở, hồ sơ lôi thôi, không rõ ràng. Đây là điều tối kị mà nhiều start up đã thất bại khi tiếp cận với nhà đầu tư quốc tế.

Thực ra, sự minh bạch thì nhà đầu tư trong nước hay quốc tế đều đặt lên hàng đầu. Nhưng đối với nhà đầu tư trong nước, còn du di cho start up, có thể là do chưa hoàn thiện, chưa có kinh nghiệm, nhưng đối với nhà đầu tư ngoại thì không có cửa để tiếp cận lần thứ hai.

Các nhà đầu tư đến một quốc gia, điều mà họ quan tâm là họ phải được bảo vệ quyền lợi, được bảo hộ, và điều này phụ thuộc vào chính sách và các quy định pháp luật của một quốc gia. Điều này vượt qua khả năng của doanh nghiệp, nhưng chúng ta cũng có thể xây dựng hợp đồng với các quy định thể hiện sự thiện chí của mình trong viêc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nhà khởi nghiệp và quyền lợi của nhà đầu tư.

Ngoài các vấn đề căn bản đó, còn lại là những kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, tìm hiểu và chia sẻ “khẩu vị” của từng nhà đầu tư… để tiếp cận bằng tình cảm. Đôi lúc, chỉ cần hợp nhau trong cách suy nghĩ về kinh doanh, về văn hóa, về trách nhiệm với xã hội thì cũng có thể bắt tay với nhau ngay.

Vậy nhé các cháu, chúc thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *