Cân bằng được tâm lý cho người lao động là việc không dễ với mô hình “3 tại chỗ”

Trần Quí Thanh

—–

Chào anh Trần Quí Thanh,

Tôi là doanh nhân đã nghỉ hưu ở Hà Nội, rất hân hạnh được nói chuyện với anh. Tôi đọc báo nhiều, đọc đều trang web của anh, thấy Tân Hiệp Phát vẫn vững vàng trong bão dịch. Rất mừng và cảm phục. Nhân đây đề nghị anh cho biết quan điểm của anh về quản trị doanh nghiệp thời “3 tại chỗ”. Vì tôi biết nguyên tắc “ 3 tại chỗ” đã gây khó cho các doanh nghiệp phía Nam, nhiều doanh nghiệp kêu chịu không thấu. Thế mà Tân Hiệp Phát vượt qua được. Rất mong hồi âm của anh.

Kính chúc anh bình an và vui khoẻ 

Ngô Thì Báo (Hà Nội): baodngd_58@gmail.com

—–

Anh Ngô Thì Báo mến,

“3 tại chỗ” là một sáng kiến ứng phó với dịch bệnh với mục đích duy trì được sản xuất và bảo vệ an toàn cho người lao động. Ưu điểm của mô hình này là hạn chế nguồn lây từ bên ngoài vào nhà máy, cơ sở sản xuất.

Nhưng nhược điểm của mô hình này là không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được. Bởi vì, chi phí tăng cao do phải mua sắm đầy đủ các vật dụng phục vụ cho công nhân, tổ chức xét nghiệm thường kỳ để kiểm soát dịch tễ, lo ăn uống cho toàn bộ người lao động.

Với các loại chi phí tăng cao này, không phải doanh nghiệp nào cũng kham nổi, nhất là đa số đã kiệt sức vì đại dịch kéo dài.

Khi tổ chức “3 tại chỗ” đòi hỏi phải có không gian để cho người lao động ăn, ở và sinh hoạt. Về yêu cầu này, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được. Chính vì lẽ đó, nhiều doanh nghiệp không thể tổ chức được mô hình này.

Quan sát chung là như vậy, còn đối với doanh nghiệp tổ chức được thì sẽ phải làm những gì, theo tui là làm được 3 việc.

Một là chăm lo được đời sống vật chất cho người lao động. Bữa ăn rất quan trọng, phải bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong lúc đại dịch đang tấn công.

Chỗ ở cũng phải được chu toàn, giấc ngủ tốt thì công nhân mới đủ sức khỏe.

Hai là bảo vệ an toàn, chấp hành đầy đủ các quy định của ngành y tế về phòng dịch. Trong nhà máy, các chuyền sản xuất, trong khu ăn, khu ở, đây là việc rất khó khăn, nhưng bắt buộc phải thực hiện thật tốt.

Phải thường xuyên tổ chức xét nghiệm SASR-CoV-2 cho công nhân, lên phương án nếu như phát hiện F0 thì phải xử lý, cắt nguồn lây như thế nào. Về công việc này, phải nhờ chuyên gia y tế tư vấn.

Thứ ba là chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân. Trước hết là truyền thông nội bộ thật tốt để từng người hiểu rõ sự cần thiết của hoạt động sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”.

Đồng thời phải có những hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi online để công nhân thư giãn. Chúng ta phải hiểu rằng, nếu thực hiện mô hình “3 tại chỗ” kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động. Cân bằng được tâm lý, đồng hồ sinh học của người lao động là việc không dễ, cần phải đầu tư và áp dụng khoa học.

Vậy anh nhé, có gì cứ gửi thư cho tôi.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

5/5 - (1 vote)

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *