Vân Hằng/ Báo ANTĐ
—–
Giữa dịch bệnh bủa vây, sản xuất, kinh doanh trở nên khó khăn, trạng thái “ai ở đâu thì ở yên đó” khiến nhiều người sang chấn tâm lý không vượt qua nổi thì lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát vẫn tìm mọi cách để sáng tạo không ngừng, vượt qua hoàn cảnh. Bên cạnh những sáng kiến về kinh doanh, lãnh đạo tập đoàn còn tìm sáng kiến trong đời thường để “sống chung” an toàn với dịch bệnh. Trong lịch sử của tập đoàn, có lẽ những sáng tạo này chưa từng được nghĩ tới…
Từ mong muốn mang đến an toàn cho người lao động
Xuất hiện trong buổi tọa đàm với chủ đề “Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi” diễn ra mới đây, bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, nơi bà đang ngồi là tại nhà máy “3 tại chỗ”, tức là cũng giống như hơn 1.000 công nhân của nhà máy Tân Hiệp Phát tại Bình Dương, bà Uyên Phương làm việc tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ. “Tất cả nội dung chia sẻ của tôi đều là những đúc kết từ những điều Tân Hiệp Phát đang thực hiện” – bà Trần Uyên Phương nói.
Theo bà Uyên Phương, hơn 3 tháng qua, hơn 1.000 công nhân nhà máy đã không được về nhà. “Nhiều người quá nhớ gia đình, người thân, muốn trở về, nhưng nếu về sẽ khó trở lại nhà máy vì các yêu cầu phòng dịch khắt khe. Thời gian “3 tại chỗ” kéo dài khiến công nhân muốn có các nhu cầu giải trí, văn hóa khác. Do đó, lãnh đạo tập đoàn phải nghĩ ra nhiều hoạt động tuyên truyền để công nhân tham gia, vừa tìm hiểu, vừa giảm căng thẳng” – bà Trần Uyên Phương chia sẻ. Thế là ngoài trọng trách phải tính toán chiến lược kinh doanh cho phù hợp, phải đưa ra quyết sách để giải quyết khó khăn về nguyên liệu, vận chuyển, thị trường, chi phí, đảm bảo thu nhập cho công nhân như bất kỳ doanh nghiệp nào khác, lãnh đạo tập đoàn còn phải giải cả “bài toán tinh thần”, giải quyết nhu cầu ngắn hạn cho hàng nghìn con người, trong khi chính mình cũng đang bó buộc, cũng có lúc mệt mỏi, rối rắm.
Trong những báo cáo mới đây của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề về khó khăn do Covid-19, các doanh nghiệp đều chung tình trạng thiếu lao động khá trầm trọng, đặc biệt là doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam. Thế nên giữ được chân công nhân thời điểm này được coi là một trong những thành công, khẳng định doanh nghiệp có thể “sống chung” với đại dịch. Theo bà Trần Uyên Phương, trong những lúc khó khăn như vậy, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp được thể hiện càng rõ nét. Với Tân Hiệp Phát, đó là tinh thần “không có gì là không thể”. Với riêng cá nhân lãnh đạo tập đoàn, đó là việc người đứng đầu có thể “3 tại chỗ” cùng hàng nghìn công nhân trong một khoảng thời gian không ngắn. Sự xuất hiện của lãnh đạo có vai trò quan trọng, cổ vũ, động viên trực tiếp người lao động.
Quan điểm coi nhân lực là tài nguyên quan trọng trong doanh nghiệp của bà Trần Uyên Phương cũng được GS Nguyễn Đức Khương – chuyên gia của Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên Hội đồng khoa học Tổ chức kinh tế Pháp ngữ (Observatoire de la Francophonie économique – OFE) nhắc tới. Ông Nguyễn Đức Khương cho rằng: “Cần phải đặt sức khỏe, an toàn và hạnh phúc của nhân lực vào trọng tâm chiến lược doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số, thích ứng với môi trường làm việc hỗn hợp”.
Đến những thay đổi công nghệ bắt kịp thời đại
Theo GS Nguyễn Đức Khương, một trong những giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn thời điểm này là thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng quan điểm này, bà Hà Thị Thu Thanh – Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cũng khẳng định, doanh nghiệp phải thúc đẩy chuyển đổi số và đưa ra những phương thức kinh doanh sáng tạo hơn. Trên thực tế, công nghệ đã thể hiện ưu thế vượt trội của mình trong cuộc chiến chống Covid-19, không chỉ góp sức trong lĩnh vực y tế, chẩn đoán, điều trị người bệnh, khám bệnh từ xa hay khai báo, truy vết nhanh, mà còn có nhiều sáng tạo cho doanh nghiệp vận dụng.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Tân Hiệp Phát đã quyết định thử nghiệm vòng đeo tay có khả năng theo dõi thân nhiệt và giúp truy vết nhanh, khắc phục được hạn chế nhiều doanh nghiệp đang gặp phải là truy vết chậm khiến dịch bệnh lây lan với tốc độ chóng mặt. Đây là sản phẩm mới, một số doanh nghiệp Việt Nam vừa giới thiệu và đang đưa ra thị trường. Tân Hiệp Phát đã nhanh chóng tìm hiểu sản phẩm và đưa vào sử dụng trong nhà máy. Hoặc công ty cũng đưa vào sử dụng mũ Vihelm đối với những nhân viên đi ra ngoài làm việc phải tiếp xúc với những điểm có nguy cơ cao. Mũ này giúp người dùng không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, làm hạn chế khả năng lây bệnh.
Bà Trần Uyên Phương chia sẻ: “An toàn là yếu tố quan trọng nhất hiện nay, chúng tôi đã tìm hiểu và thử nhiều giải pháp. Nhờ vậy mà hơn 2 tháng qua, nhà máy hơn 1.000 công nhân của Tân Hiệp Phát tại Bình Dương vẫn tạm thời an toàn và duy trì được sản xuất”.
Thay đổi quản trị, chiến lược kinh doanh
Dịch Covid-19 được ví như “thiên nga đen” trong lịch sử, quật ngã nhiều doanh nghiệp. Dù đều đã dự tính đến rủi ro sẽ gặp phải, nhưng có lẽ chưa doanh nghiệp nào lường được “cơn bĩ cực” này. Theo kết quả khảo sát về “sức khỏe” doanh nghiệp do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện hồi tháng 3-2021, khoảng 35% doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong năm 2021. Trong số 10.000 doanh nghiệp phản hồi cuộc khảo sát, có 87,2% doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Ngay cả các doanh nghiệp lớn trong các ngành may mặc, thông tin – truyền thông, sản xuất thiết bị điện, bất động sản… cũng bị ảnh hưởng. Nhưng đáng chú ý, đây là khảo sát ở thời điểm Việt Nam còn dưới 1.000 ca mắc Covid-19, hiện tại số ca mắc đã là trên 550.000 ca, nghĩa là tình hình sản xuất kinh doanh đã tồi tệ hơn rất nhiều. Vậy doanh nghiệp phải thay đổi về cách quản trị như thế nào để thích ứng?
Chia sẻ về điều này, bà Trần Uyên Phương cho hay, dịch bệnh lan nhanh và ngày một phức tạp nên buộc lãnh đạo doanh nghiệp phải phản ứng nhanh. Muốn vậy, phương thức lãnh đạo tập quyền sẽ thay thế tản quyền, để mọi quyết định được đưa ra nhanh chóng. Tương tự, đối với hệ thống phân phối bán lẻ, tập đoàn phải thay đổi phương thức kinh doanh trước đây, vì dịch bệnh khiến thu nhập của người tiêu dùng giảm, thói quen chi tiêu thay đổi, giá trị và sự tiện lợi của sản phẩm sẽ “lôi kéo” người tiêu dùng trung thành với sản phẩm quen thuộc. Do đó, để duy trì hệ thống bán lẻ, tập đoàn phải kéo dài thời gian khuyến mại, giảm giá, đảm bảo hệ thống bán lẻ vẫn có lợi nhuận, tăng cường bán hàng online mà giá và chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn giữ ổn định.
Tất cả những cải tiến nêu trên đều cần đến nguồn lực tài chính của doanh nghiệp. Giữa muôn vàn khó khăn về chi phí “3 tại chỗ”, chi phí vận chuyển, kho bãi gia tăng, doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực để cải tiến, vì không có lựa chọn khác. Và doanh nhân Trần Uyên Phương khẳng định: “Tân Hiệp Phát sẵn sàng hy sinh cái lợi trước mắt, để cho mục tiêu trung hạn và dài hạn”. Đó cũng là câu trả lời của Tân Hiệp Phát giữa muôn vàn khó khăn, thách thức đại dịch Covid-19 gây nên, nhưng vẫn quyết định bỏ ra chi phí lớn, đáp ứng cho sản xuất “3 tại chỗ” với tràn đầy quyết tâm, sáng tạo trong tâm thế “không gì là không thể”.
Là đơn vị chuyên về tư vấn quản trị doanh nghiệp, bà Hà Thị Thu Thanh cho rằng, dịch Covid-19 chính là chất xúc tác để doanh nghiệp thay đổi. “Vừa ứng phó, vừa phục hồi, vừa quản trị rủi ro để phát triển. Doanh nghiệp có nhu cầu phát triển bền vững thì cần thay đổi nhận thức và quản trị rủi ro kịp thời. Tôi nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp có bền thì mới vững. Doanh nghiệp kiên cường và lãnh đạo kiên tâm thì khả năng ứng phó và phục hồi cao gấp 3 lần bình thường, có đứt gãy nhưng phục hồi nhanh hơn ” – bà Hà Thị Thu Thanh nói.
Theo bà Trần Uyên Phương, thời điểm này là tháng 9-2021, so với trước đây, việc lập kế hoạch phát triển cho doanh nghiệp trong năm tới đã trễ hơn 2 tháng. Diễn biến dịch bệnh khó đoán định, không biết khi nào kết thúc gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy vậy, nếu quay về bối cảnh bình thường trước đây, tức là trước cuối năm 2019, kinh tế vẫn sẽ phát triển nhưng kèm theo đó sẽ có một phần trì trệ, chuỗi cung ứng chậm chuyển biến, sản phẩm nội địa ít cải tiến… Những sáng tạo, ứng biến với rủi ro, những thay đổi từ nhỏ đến lớn của doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ chưa thể bộc lộ, doanh nghiệp khó có thể biết mình bền và vững ra sao. Do đó mà dù muôn vàn khó khăn khi thực hiện “3 tại chỗ”, bà Trần Uyên Phương vẫn khẳng định: “Được 3 tại chỗ đã là điều may mắn. Trong nguy có cơ”.
NGUỒN: Theo Báo An Ninh Thủ Đô
Link bài: Phó tổng…
https://m.anninhthudo.vn/pho-