‘Oxy đặc biệt’ đến từ đâu?

Thanh Tuyền/ Báo Tuổi Trẻ

—–

Hôm nay đọc bài trên Tuổi Trẻ, với cái tít mạnh mẽ “Phục hồi kinh tế: Đừng để quá muộn”, tui thấy sung sướng vô cùng. Không phải riêng tui, chắc chắn người dân, doanh nghiệp đều đồng tình ủng hộ.

Doanh nhân Võ Quốc Thắng nói đầy lo lắng: “Cứ mỗi ngày trôi qua lại có thêm hàng trăm doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Vì vậy, kích hoạt sớm một ngày sẽ cứu được rất niều doanh nghiệp”.

Cứu doanh nghiệp cũng là cứu biết bao nhiêu con người khỏi thất nghiệp, cứu ngân sách nhà nước khỏi bị kiệt quệ bởi có thêm được nguồn thuế từ doanh nghiệp để lấp vào.

Một trong nững nội dung rất hay của TS Vũ Thành Tự Anh nêu trên Báo Pháp Luật TPHCM ngày 13.9 là:

“TPHCM hay các tỉnh thành khác đều không thể siết chặt giãn cách xã hội trên diện rộng một cách lâu dài. Sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp có hạn. Nguồn lực của Trung ương và của thành phố cũng có hạn, và cả hai đang bắt đầu kiệt sức, Quan trọng nhất, việc siết chặt giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng đã không còn phù hợp với bối cảnh mới nữa. Chúng ta phải học cách thích nghi để sống chung với virus”.

Nếu lắng nghe các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, sẽ thấy được tiếng nói kể cả trên lý thuyết khoa học cũng như về thực tế, các nhà quản lý sẽ đưa ra quyết định phù hợp.

Lúc này, người dân, doanh nghiệp rất cần tiếp sức từ các gói hỗ trợ tài chính, từ các chính sách miễn giảm tiền điện, nước, thuế, phí, nhưng một sự tiếp sức có chất lượng nhất chính là có chính sách nới lỏng kịp thời.

Trần Quí Thanh

——

Ai cũng cần oxy để thở, nhưng lúc này, con người và cả doanh nghiệp cần thêm ‘oxy đặc biệt’, không chỉ là túi an sinh, khoản hỗ trợ mà còn giảm lãi vay, giảm thuế, giảm tiền thuê mặt bằng…

Loại oxy đặc biệt này không có trong không khí, để có được phải là “tiền tươi thóc thật”. Như muốn có túi an sinh chất lượng, cần thêm tiền để mua. Muốn giảm lãi vay cho doanh nghiệp, phải có ai bù vào…

Cho dù nhiều nơi có bước vào lộ trình mở cửa, người dân vẫn cần loại oxy đặc biệt này. Với hàng triệu người khó khăn, đâu phải mở cửa lại là có việc làm. Trước mắt, sau 15-9, người ở “vùng đỏ” vẫn cần thêm gói an sinh. TP.HCM đã chi 6.000 tỉ đồng cho an sinh, nếu có thêm kinh phí từ ngân sách, gói an sinh sẽ “bền vững” hơn.

Tương tự, doanh nghiệp kêu ngân hàng giảm lãi suất ít quá. Nhưng ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nhận tiền gửi tiết kiệm của dân để cho vay. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước chỉ kêu gọi ngân hàng giảm chi phí, bớt lợi nhuận để giảm lãi cho vay nên không thể giảm mạnh lãi suất vay được. 

Ai cũng muốn mở cửa để làm việc, kinh doanh…, đó là nguồn oxy đặc biệt bền vững nhất. Nhưng mở cửa phải chuẩn bị nhiều thứ. Đó là bệnh viện với thiết bị, nhân lực cơ hữu để điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tăng lên do không còn giãn cách. 

Chúng ta đã lập thêm hệ thống bệnh viện dã chiến nhưng khi “sống thích nghi” với COVID-19, phải nâng cấp hệ thống y tế, không thể là “dã chiến” với nhân lực “chi viện, tăng cường” để đủ sức đọ với COVID-19…

Vài ví dụ trên cho thấy, để người dân, doanh nghiệp dễ thở trước và sau COVID-19, cần nguồn lực rất lớn, mang tầm quốc gia để tạo ra oxy đặc biệt. Có đề xuất Chính phủ tăng bội chi ngân sách lên cao hơn, hiện ở mức 3,7% GDP. Đã đủ chưa? Chưa, khoản vay thêm này nếu có cũng chỉ đáp ứng chống dịch, chưa đủ tạo oxy đặc biệt cho nền kinh tế gần 100 triệu dân.

Vậy lấy đâu ra “tiền tươi thóc thật” để tạo oxy đặc biệt? Có đấy. Chính là khoản vốn đầu tư công, bình quân khoảng 570.000 tỉ đồng/năm trong 5 năm tới nhằm xây dựng các công trình hạ tầng và dự án chiến lược về kinh tế, chính trị, xã hội… để phục vụ nhân dân và cộng đồng. 

Nhưng COVID-19 đã làm đảo lộn nhiều thứ, lúc này, sức khỏe con người là trên hết, kế đến là sức khỏe doanh nghiệp. Vì vậy, cần chuyển hướng vốn công sang cho mục tiêu này, bớt đi dự án tạm thời không còn cấp bách. Vốn công phải rót vào xây thêm bệnh viện, đào tạo thêm bác sĩ, duy trì tiêm phòng COVID-19 miễn phí hằng năm… 

Hoặc muốn giảm lãi vay cho doanh nghiệp, có thể dùng vốn đầu tư công chuyển sang Ngân hàng Nhà nước để cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất cực rẻ, từ đó cho doanh nghiệp vay với lãi suất phân nửa lãi vay hiện nay. Chỉ có vậy lãi vay mới giảm mạnh được.

Chuyển hướng vốn công để tạo oxy đặc biệt được không? Sẽ có nhiều khó khăn do vướng nhiều luật, thậm chí chưa có tiền lệ, như vốn khủng này đã ghi rõ mục đích chi, như làm dự án A, công trình B… Nhưng nếu COVID-19 vạn biến mà chính sách bất biến thì khó lòng có được oxy đặc biệt để cứu người dân và doanh nghiệp. 

Sức khỏe là trên hết, sức khỏe phải bao gồm cả sức khỏe người dân và doanh nghiệp. Nếu không, khi chuyển sang sống thích nghi với COVID-19, cuộc sống người dân chẳng dễ thở nếu doanh nghiệp ốm yếu.

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài:’O xy…’..
https://tuoitre.vn/oxy-dac-biet-den-tu-dau-2021091207451966.htm
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *