Khi doanh nghiệp sống chung với dịch
Tính tới thời điểm hiện tại, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đã thực hiện giãn cách xã hội được hơn 2 tháng. Nhiều doanh nghiệp đã gần như rơi vào trạng thái kiệt quệ, người lao động cũng không tránh khỏi tâm lý stress.
Trước những khó khăn của dịch bệnh mang lại, các doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để “sống chung” với dịch bệnh, song không phải doanh nghiệp nào cũng có bản lĩnh để vượt “sóng”, chờ giai đoạn bình thường mới.
Tối 12/9, trong sự kiện talkshow “Doanh nghiệp và bản lĩnh sống chung cùng đại dịch”, do CLB doanh nhân GIVERS tổ chức, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ: Doanh nghiệp muốn “sống chung” với đại dịch, thì từ người đứng đầu, cho tới mọi người lao động đều phải có bản lĩnh. Bản lĩnh ở đây chính là sự đồng lòng của mọi người, biến một tổ chức thành một đại gia đình.
Theo bà Phương, trong bối cảnh mỗi ngày, Việt Nam phát hiện trên 10.000 ca dương tính với virus SARS-COV-2 được phát hiện, doanh nghiệp phải xác định dịch bệnh sẽ không biến mất, thậm chí có nguy cơ tạo ra các đợt “sóng” mới, với các biến chủng mới phức tạp hơn.
“Khi xác định được tâm lý, doanh nghiệp sẽ có những giải pháp cụ thể, để từng bước thích nghi với dịch bệnh”, bà Phương nhấn mạnh.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Tân Hiệp Phát, bà Phương lấy ví dụ: Ngày 15/8 vừa qua, thời điểm kết thúc đợt giãn cách thứ nhất, doanh nghiệp đang loay hoay, không đoán định được kịch bản chống dịch của các địa phương, không biết được TP.HCM tiếp tục giãn cách hay cởi trói.
Ngay cả bản thân người lao động làm việc tại các doanh nghiệp 3 tại chỗ, đều mong muốn sau 15/8 được về nhà với gia đình, vợ con. Nhưng khi TP.HCM có quyết định tiếp tục giãn cách thêm 15 ngày nữa, thậm chí còn tăng cường bằng Chỉ thị 16+, siết chặt hơn việc đi lại, di chuyển của người dân, điều này đã đẩy tâm lý của người lao động rơi vào tình trạng bất mãn.
Trước tình cảnh này, bắt buộc lãnh đạo doanh nghiệp phải có “bản lĩnh” để đưa ra những giải pháp vực lại tinh thần của người lao động, và bản thân người lao động phải có “bản lĩnh” tôn trọng tính kỷ luật của doanh nghiệp.
“Cá nhân, hay bất kỳ doanh nghiệp nào chỉ là một thành tố nhỏ trong xã hội. Do đó, để vực dậy tinh thần của người lao động, chúng tôi đã phân tích cho người lao động về trách nhiệm của xã hội, về ý thức của mỗi người trong việc phòng chống dịch bệnh, từ đó cho người lao động hiểu được trách nhiệm của mình với gia đình và cộng đồng”, bà Trần Uyên Phương cho biết.
“Ý nghĩa” của “đại gia đình” được thể hiện
Trong hơn 2 tháng sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, bà Trần Uyên Phương luôn nhất quán 5 nguyên tắc “sống chung” với dịch bệnh.
Nguyên tắc thứ nhất, doanh nghiệp phải tồn tại, không được gục ngã bất kỳ giá nào, và phải tìm ra giải pháp để “sống sót” qua dịch bệnh.
“Muốn vượt dịch, trước mắt doanh nghiệp phải “sống”, không thể bị knock out. Nếu doanh nghiệp gục ngã, tức là chấm dứt”, bà Phương chia sẻ.
Nguyên tắc thứ hai, doanh nghiệp phải xác định tồn tại không chỉ vì bản thân, mà là vi cộng đồng, vì người lao động và vì chuỗi cung ứng.
“Sự tồn tại của một doanh nghiệp, không đơn thuần là “sự sống” riêng của một vài cá nhân, mà nó là “sự sống” của cả một tập thể người lao động, và cả một chuỗi đối tác khác. Có doanh nghiệp vài nghìn người, thậm chí vài chục nghìn người, nếu gục ngã, đây sẽ là một gánh nặng, một áp lực rất lớn lên xã hội”, bà Phương bộc bạch.
Nguyên tắc thứ ba, doanh nghiệp phải chấp nhận thiệt hại, nhưng duy trì thiệt hại ở mức thấp nhất.
Trong thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp đều gặp cảnh khó khăn, có doanh nghiệp doanh thu bằng 0, thậm chí có nơi doanh thu âm. Hàng tồn thì chất đầy trong kho, hàng sản xuất được thì không có người mua, hoặc vận chuyển khó khăn. Đây chỉ là một trong hàng loạt khó khăn các doanh nghiệp đang gặp phải trong giai đoạn dịch bệnh.
Bà Phương cho rằng, doanh nghiệp chấp nhận hy sinh thiệt hại, là để bảo vệ người lao động, phải lấy con người làm giá trị cốt lõi. Tuy nhiên, để duy trì được lực lượng lao động, duy trì chuỗi sản xuất, mọi người trong doanh nghiệp phải đồng lòng, tôn trọng kỷ luật của doanh nghiệp, để từ từ vượt qua nghịch cảnh.
Nguyên tắc thứ 4, doanh nghiệp phải chuẩn bị kịch bản trong hoàn cảnh mới, tình huống mới, ngay cả tình huống xấu nhất.
Theo bà Phương, mặc dù Chính phủ đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh, thế nhưng các tình huống mới vẫn có thể xảy ra. Do đó, không để bị rơi vào thế bị động, doanh nghiệp buộc phải chuẩn bị nhiều kịch bản để thích ứng, sống chung với dịch. Có thể chia các kịch bản theo từng giai đoạn, và từng bước hoàn thiện nó.
Bà Phương lấy ví dụ, ngày 19/7, tại thời điểm chuẩn bị chuyển đổi sang mô hình sản xuất 3 tại chỗ, Tân Hiệp Phát rất lúng túng khi duy trì 3 bữa ăn chính, 1 bữa ăn phụ cho hơn 1.000 người lao động, tức là khoảng 3.500 suất ăn/ngày.
Do đó, Tân Hiệp Phát buộc phải tìm thêm đối tác khác, để đảm bảo ăn uống của người lao động khi làm trong doanh nghiệp 3 tại chỗ. Thế nhưng, kể cả khi có thêm đối tác, việc cung cấp 3.500 suất ăn/ngày cũng rất khó khăn.
Trước hoàn cảnh này, Tân Hiệp Phát quyết định nhận lại và tự triển khai. Từ đó, vấn đề ăn uống đã được giải quyết.
Cuối cùng, nguyên tắc thứ 5, doanh nghiệp phải xây dựng tinh thần mới cho người lao động.
Nói rõ hơn về điều này, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát chia sẻ: Việc người lao động làm việc quá lâu tại mô hình 3 tại chỗ sẽ khiến nhiều người bị stress, áp lực tâm lý rất lớn. Ngay cả khi đảm bảo thu nhập cho họ, chưa chắc người lao động đã chịu gắn bó với doanh nghiệp.
Do đó, để giữ chân người lao động, Tân Hiệp Phát đã có hàng loạt giải pháp nhằm vực dậy tinh thần của người lao động, ví dụ như tổ chức văn nghệ, giải trí cho mọi người.
Đặc biệt, Tân Hiệp Phát không cho phép mang thực phẩm, đồ dùng từ bên ngoài vào, thậm chí người thân, gia đình mang vào cũng không được. Lúc đầu, hành động này vấp rất nhiều sự phản đối.
Thế nhưng, lãnh đạo Tân Hiệp Phát đã cố gắng giải thích cho mọi người hiểu, việc người nhà đưa thực phẩm, đồ dùng bên ngoài vào doanh nghiệp có thể khiến lây lan dịch bệnh, và ảnh hưởng không chỉ doanh nghiệp mà cả cho cộng đồng.
“Tới ngày 2/9, đồ dùng cá nhân của 1.000 người lao động đã không đủ, chúng tôi quyết định cung cấp vật dụng cá nhân để đảm bảo đồ dùng cần thiết cho họ trong những ngày 3T”, bà Phương nói.
Dù vậy, yếu tố thành công của việc thuyết phục người lao động tôn trọng kỷ luật, chính là sự có mặt của các cấp lãnh đạo doanh nghiệp, từ giám đốc, cho tới quản lý phòng ban phải có mặt trong nhà máy, xí nghiệp. Và mọi người phải bình đẳng giống như một “đại gia đình”.
“Trước đây, chúng tôi có những bữa ăn riêng có giám đốc, và người lao động. Nhưng hiện nay, mọi người đều ăn chung, các suất cơm đều như nhau, không hề phân biệt tôi là giám đốc, còn anh là người lao động. Từ đó, người lao động sẽ thấu hiểu được “tâm” của người làm lãnh đạo”, bà Phương chia sẻ.
Bà Phương nhấn mạnh: “Tại Tân Hiệp Phát, mọi người đều là thành viên của đại gia đình, chúng tôi đang cố gắng nắm tay vượt qua đại dịch, và cam kết không để lại ai ở phía sau. Đây chính là giá trị cốt lõi của Tân Hiệp Phát trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp”.
Video: Tân Hiệp Phát và những giải pháp sống chung với dịch bệnh