Sau hơn hai tháng phong tỏa nghiệt ngã theo các chỉ thị 15,16,19, không chỉ ngân sách Nhà nước mà cả nền kinh tế quốc gia đã vượt qua làn chỉ đỏ của sự khánh kiệt. Sức chịu đựng của người dân, của doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã tới mức giới hạn cuối cùng.
Không chỉ người bệnh mới cần máy trợ thở, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng rất cần được nới lỏng “vòng kim cô” để sống sót. Nhiều DN đã ngừng hoạt động đang tiêu đến đồng tiền cuối cùng và kêu cứu “trợ thở”.
Tiếp theo đơn thư của 14 Hiệp hội ngành nghề của các DN trong nước, mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp AmCham Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, EuroCham và KoCham đã đồng ký tên kiến nghị Chính phủ về việc “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực” nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới. Trong thư, cộng đồng DN FDI bày tỏ nguyện vọng: “DN cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ”.
Kiến nghị cũng đề cập đến việc “ít nhất 20% thành viên sản xuất (của Hiệp hội) đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác, với nhiều cuộc thảo luận hơn đang được tiến hành. Nhiều thành viên có các cuộc gọi mỗi đêm với các trụ sở chính trong khu vực và toàn cầu để quyết định xem khách hàng nên tôn trọng điều gì, từ chối và chuyển đổi sản xuất như thế nào. Một khi sản xuất thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác”.
Khi nói ra điều này hẳn các Hiệp hội DN FDI cũng phải chịu sức ép ghê gớm từ hậu quả của những cuộc giãn cách kéo dài nên không có sự lựa chọn nào khác, đành phải tính đến phương án chuyển đổi địa chỉ đầu tư. Kiến nghị viết tiếp:
“Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi. Ngay cả các DN hiện tại cũng có hầu hết các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn, do những bất ổn hiện tại. Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài…”.
Về quan điểm chống dịch, tôi đồng tình với ý kiến của BS. Trương Hữu Khanh – cựu Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1. BS Khanh cho rằng: “Một căn bệnh nhiễm trùng mới rồi dần thành cũ. Chỉ có miễn dịch từ vaccine và miễn dịch tự nhiên (bệnh xong tự hết) mới hết lây thêm. Virus gây bệnh Covid bây giờ đã như vậy rồi. Bệnh mà không nặng tự hết càng thích vì có miễn dịch tự nhiên. Tới lúc này bảo vệ người thoát khỏi nguy cơ trở nặng bằng vaccine là chính. Bây giờ là F0 không có gì phải hoảng loạn như trước đây. Không cần tìm kiếm lung tung khi F0 không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ, vì họ tự hết hay hết hồi nào không hay. Khôi phục kinh tế, hòa nhập thôi để dần xem Covid chả là cái đinh gì!”.
Mải miết chống dịch với việc lập hàng ngàn trạm kiểm soát trên toàn quốc, giống như “sợi dây thòng lọng” siết vào ngành dịch vụ và chuỗi cung ứng khiến hàng ngàn DN đang rên xiết và chờ chết.
Cũng như người bệnh cần oxy, cần trợ thở, các DN đang cần Chính phủ mở cửa nền kinh tế để duy trì sự sống. Hy vọng rằng những tiếng kêu cứu của cộng đồng doanh nhân sẽ được Chính phủ lắng nghe!