Việt Trung/ Báo Phụ nữ Tp HCM
Có lẽ, sức mạnh lớn nhất để giúp thành phố vượt qua đại dịch là sự đồng thuận của nhân dân.
Một trong những bài học kinh nghiệm về phòng, chống dịch COVID-19 mà TPHCM đã rút ra là huy động mọi nguồn lực trong xã hội, bao gồm tăng cường phối hợp quân dân y, y tế công lập và tư nhân, đông y và tây y, phát huy vai trò hiệu quả của các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức thiện nguyện. Và có lẽ, sức mạnh lớn nhất để giúp thành phố vượt qua đại dịch là sự đồng thuận của nhân dân.
Trong những ngày thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt, giãn cách triệt để, có thể nói, đa số người dân đã gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn thực hiện nghiêm các quy định khắt khe: không buôn bán, không ra phố, không sử dụng dịch vụ chăm sóc cá nhân… Các con phố vốn nhộn nhịp bỗng im ắng lạ thường; trong gia đình, có gì ăn nấy; thầy, trò dạy, học trực tuyến…
Và có thể nói, rất nhiều người – dù thụ động hay chủ động – đã bị mất thu nhập, mà nguồn thu nhập đó là nguồn sống chính của gia đình mình, của con cái mình, của cha mẹ mình. Chấp hành nghiêm lời kêu gọi của chính quyền thành phố, hàng trăm ngàn quán ăn, dịch vụ, chợ truyền thống đã đóng cửa. Trong số đó, có những nhà hàng năm sao và có cả những quán ăn vỉa hè.
Sẽ có ý kiến cho rằng, UBND thành phố ban hành các quy định giãn cách triệt để có kèm theo các hình thức xử phạt nghiêm khắc nên người dân buộc phải chấp hành. Nếu nói như vậy là chưa đánh giá hết sự đồng lòng và ý thức phòng, chống dịch của đại đa số người dân thành phố. Hàng triệu đồng bào đã chấp nhận mất thu nhập, gác lại những nhu cầu cao trong cuộc sống, thay đổi những thói quen hằng ngày để thích ứng với những điều kiện giãn cách xã hội, chịu hạn chế một phần tự do cá nhân và cả gác lại nỗi thương nhớ người thân yêu…
Chúng ta cũng thấy hàng ngàn nhà máy đã ngay lập tức thực hiện “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến” dù gặp nhiều khó khăn và tốn kém, nhằm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, đặc biệt là để đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho người dân.
Giữa những ngày giông bão, quá nhiều mất mát, tất cả người dân thành phố, những người còn khả năng trụ vững, đã lao vào công việc thiện nguyện giúp người nghèo vượt qua khó khăn, như góp tiền mua lương thực, thực phẩm trao tận tay người nghèo, góp cho các bếp ăn từ thiện, hay góp cho các bếp ăn của các bệnh viện, khu cách ly, bếp cơm cho lực lượng cơ sở đang trực chiến ở tuyến đầu, cung cấp oxy, túi thuốc cho F0… Nếu đọc trên báo và trên mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy hình ảnh và tinh thần thiện nguyện lan tỏa khắp nơi.
Bên cạnh lực lượng cán bộ chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp mang gói an sinh đến cho người dân, ở góc phố nào, con hẻm nào, cũng có những nhóm từ thiện hỗ trợ người khó khăn. Chưa có con số thống kê các tổ chức, cá nhân thiện nguyện đã vận động được bao nhiêu để dốc vào cuộc chiến chống đại dịch, nhưng có thể khẳng định rằng, sự đóng góp này là rất to lớn, góp phần giải quyết khó khăn cho hàng triệu đồng bào thành phố, hỗ trợ kịp thời trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, khu cách ly…
Vì vậy, có lẽ bên cạnh những bài học kinh nghiệm mà thành phố rút ra trong phòng, chống dịch COVID-19 thì bài học về lòng dân và sức dân là quan trọng nhất. Nếu nhân dân không đồng lòng, nếu nhân dân không dốc sức cùng chính quyền thành phố thì có lẽ cuộc chiến vẫn còn rất cam go.
Sự đồng lòng, chung sức đó của người dân đến từ tình yêu đối với thành phố nơi mình đang sống, từ truyền thống nghĩa tình yêu thương, san sẻ với nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn, từ sự đồng cảm với những nỗ lực cao nhất của chính quyền, ngành y tế, các đoàn thể, tổ chức… trong việc khống chế dịch bệnh, chăm sóc người dân, giúp thành phố trở lại với cuộc sống bình thường mới.
NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Lòng dân…
https://www.phunuonline.com.