Bởi vì, chính sách nởi lỏng tiền tệ bộc lộ nhiều nhược điểm, dòng tiền rẻ không hoàn toàn được phục vụ cho sản xuất, mà chủ yếu là đầu tư tài sản, tài chính. Không tập trung đầu tư cho sản xuất thì không thể có được một nền kinh tế phát triển ổn định và lành mạnh.
Chưa kể, dư địa nới lỏng tiền tệ đã đến mức giới hạn, không còn “đất” để nới lỏng hơn nữa. Trong lúc đó, dư địa tài khóa thì rộng rãi hơn.
Việc tung các gói tài chính “khủng” vào thị trường để vực dậy nền kinh tế đều là lựa chọn của nhiều quốc gia, ví dụ như Mỹ đã đẩy lên 4 con số. Riêng gói hỗ trợ kích cầu tiêu dùng 2.200 tỉ USD là một phần của gói cứu trợ trị giá hơn 5.000 tỉ USD năm 2020. Liên minh châu Âu thông qua gói hỗ trợ 750 tỉ EUR, gồm 390 tỉ EUR hỗ trợ và số còn lại là khoản cho vay. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành gói kích thích kinh tế trị giá 989 tỉ USD…
Việt Nam cũng tung nhiều gói tài chính để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nhưng cần tính toán tăng thêm hạn mức đầu tư công để có nhiều dòng tiền bơm vào thị trường, đẩy nhanh quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, khi mở rộng tài khóa, điều đáng lo là dẫn đến lạm phát. Trong tình hình kinh tế quốc tế hiện nay, lạm phát là điều khó tránh khỏi, vấn đề là kiểm soát ở một con số chấp nhận được. Điều này đòi hỏi vào năng lực điều hành vĩ mô của Chính phủ.
Mấy ngày qua, khi giá xăng tăng, đã cho thấy nhiều tín hiệu nhảy vọt về giá cả. Đây chưa phải là mối lo lớn nhưng hãy nhìn vào nó như một thông điệp cảnh báo.
Trần Quí Thanh
Để đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới, Kế́ hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ bổ sung các chỉ tiêu…
Đó là các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.
Toàn bộ mong đợi của người dân và doanh nghiệp về một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế đang dồn vào “Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19”.
Trọng tâm dư địa tài khóa
Phần dư địa chính sách sẽ là cơ sở để đưa ra các giải pháp huy động nguồn lực thực thi chương trình tổng thể với giá trị lớn, có những điểm khá lạc quan so với nhận định chung của giới chuyên môn. Chẳng hạn, “không gian tài khóa còn nhiều dư địa rộng mở” – Đây là đánh giá hợp lý và cũng là điểm được giới chuyên môn mong đợi sẽ được Việt Nam tận dụng để tăng quy mô hỗ trợ kịp thời nhằm phục hồi và phát triển kinh tế trong mùa bệnh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy phần lớn các quốc gia chủ yếu dựa vào chính sách tài khoá để kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, dự địa chính sách tiền tệ của Việt Nam còn hạn hẹp, nên cần tận dụng dư địa tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cũng cho rằng quy mô hỗ trợ tài khóa của Việt Nam còn khá khiêm tốn, trong khi các cân đối lớn (thâm hụt Ngân sách/GDP, nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ/thu Ngân sách nhà nước, lạm phát…) vẫn trong ngưỡng an toàn. “Do đó, có thể tận dụng dư địa tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo 2 kịch bản: Tung ra gói hỗ trợ trị giá 80 nghìn tỷ đồng (khoảng 1% GDP đã điều chỉnh năm 2020), hoặc gói hỗ trợ 160 nghìn tỷ đồng (khoảng 2% GDP đã điều chỉnh năm 2020), được thực hiện từ Q4/2021 đến hết năm 2022 hoặc giữa năm 2023”.
Cần cẩn trọng tiền tệ và lạm phát
Trong khi đó, quan điểm của các nhà điều hành khi xây dựng chương trình về “Không gian chính sách tiền tệ vẫn còn dư địa nới lỏng thêm”, có thể sẽ gặp những nhận định thận trọng của giới chuyên môn.
Theo đánh giá cơ sở thì lạm phát ở mức thấp tạo thuận lợi để nới lỏng tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế. Trên thực tế, Thống đốc NHNN đã từng có lo ngại, được cho là “lo ngại xa” về lạm phát năm nay. Mặc dù hiện tại lạm phát 9 tháng ở mức được kiểm soát, song các dấu hiệu cho thấy việc lo ngại xa này không phải không có cơ sở: Lạm phát Mỹ có thể tiếp tục tăng lên do dứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng, thiếu hụt lao động… Đó là chưa kể các quốc gia đã bơm hàng chục nghìn tỷ USD để kích thích tăng trưởng kinh tế trong mùa dịch. Trong khi đó, giá xăng trong nước vừa điều chỉnh tăng đột biến ngay sau khi tạm kiểm soát đại dịch ở Việt Nam là yếu tố đầu vào đáng quan tâm.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế vĩ mô đánh giá, sức ép lạm phát đối với nền kinh tế vĩ mô là không hề nhỏ. Theo ông, nếu nhìn vào chỉ số GDP điều chỉnh thì đã tăng gấp 10 lần so với CPI (tăng 23%), khác với chỉ số thống kê hiện tại. Vì vậy, nguy cơ lạm phát tương đối lớn do chi phí sản xuất sớm muộn sẽ phản ánh vào giá cả thị trường hàng hóa đầu ra.
Bên cạnh đó, cơ sở xây dựng chương trình phục hồi cũng nêu: “Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi còn dư địa giảm. Thị trường chứng khoán phát triển nhanh, giúp giảm áp lực huy động vốn thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng. Quy mô kiều hối lớn (ước khoảng 18 tỷ USD năm 2021), góp phần ổn định cán cân thanh toán quốc tế”.
Trên thực tế, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và tiền gửi còn dư địa giảm chỉ khi có gói cấp bù lãi suất do lãi suất huy động hiện đã khó có thể giảm thêm, NHNN đã khẳng định điều này khi dự kiến giữ nguyên lãi suất điều hành từ nay đến cuối năm. Tăng trưởng sôi động của thị trường chứng khoán cũng không hẳn mang lại lợi ích giảm áp lực tín dụng từ huy động sơ cấp, mà ngược lại còn có khả năng hút dòng tiền từ ngân hàng. Điều này được thể hiện khá rõ qua số lượng các DNNN đã cổ phần hóa, thoái vốn thành công trong 9 tháng qua, cũng như số lượng doanh nghiệp niêm yết mới (trừ nhóm chuyển sàn) thời gian qua rất ít.
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội:Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tất cả các quốc gia, kể cả các nước phát triển hiện nay đều không tránh khỏi suy giảm về kinh tế, xã hội. Khác biệt giữa các quốc gia, tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với trước đại dịch hay bị tụt hậu lại phía sau chính là sự chuẩn bị và lựa chọn chính sách tương ứng với dịch bệnh trong tình hình mới. Do vậy “chiến dịch phục hồi kinh tế chủ động trong và sau dịch”, cần phải điều chỉnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, giải quyết tốt các vấn đề chiến lược, dài hạn, tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng, coi trọng chất lượng tăng trưởng. Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế:Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 là cần nghiên cứu, bổ sung trong mục tiêu tổng quát về nâng cao hiệu quả, chất lượng tăng trưởng của một số ngành kinh tế chủ lực, ưu tiên; Phát triển đô thị, kinh tế đô thị, thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các mô hình mới để tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị; Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thích ứng với biến động của kinh tế thế giới, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế… |