Quốc Ngọc/ Báo Phụ nữ Tp HCM
—–
Mấy hôm nay dịch có chiều hướng tăng trở lại ở một số địa phương thuộc ĐBSCL và một số tỉnh miền Trung là do nhiều người chủ quan, đó là điều mà chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận.
Không ít người nghĩ rằng, đã có tiêm vaccine thì không còn bị virus tấn công là sai lầm, vì vậy mà vô tình lây nhiễm cho người khác. Một người đã tiêm vaccine có thể bảo vệ mình an toàn, nhưng vẫn có thể bị lây nhiễm và trở thành nguồn lây cho người khác.
Cho nên, dù đã tiêm vaccine, mọi người luôn thực hiện 5 K, không chỉ bảo vệ cho mình, mà bảo vệ cho những người chưa tiêm vaccine.
Thật may mắn cho chúng ta, khi Việt Nam đã tiêm được khoảng 90 triệu liều vaccine, và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 11 này, sẽ tiêm số vaccine còn lại để đạt được 120 triệu liều. Với số vaccine này, Việt Nam có độ bao phủ vaccine rất rộng, bảo đảm cho cộng đồng không gian xanh, tự tin để trở lại với trạng thái “bình thường mới”.
Ai cũng mong ước được tự do đi lại, được buôn bán làm ăn, tái sản xuất kinh doanh. Nhưng để đạt được điều mong ước đó, thì mỗi người cần có ý thức chấp hành phòng dịch nghiêm túc. Nếu chủ quan lơ là, để cho dịch bùng phát cục bộ nơi này nơi khác, thì sẽ gây cản trở chung cho vận hành kinh tế của cả nước.
Một số nước ở châu Âu, Singapore, hay ngay cả Trung Quốc, sau khi đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng chỉ một vài người sơ sẩy, thì dịch bùng phát trở lại, mất công tập trung dập dịch, nhiều người bị ảnh hưởng, thiệt hại kinh tế không chỉ cho cá nhân.
Những nước có nền y học tiến bộ còn vất vả trước đại dịch, chúng ta không thể coi thường và tự cho rằng mình đã kiểm soát dược dịch bệnh.
Việt Nam đã đạt được độ bao phủ vaccine khá tốt, đó là vốn quý, chúng ta phải giữ gìn vốn liếng đó, làm tài nguyên đầu tư cho phục hồi và phát triển kinh tế. Bất cứ người nào vô trách nhiệm, thì sẽ làm lãng phí nguồn tài nguyên vaccine đã đầu tư không hề nhỏ.
Bảo vệ cho cá nhân là bảo vệ cho cộng đồng. Đừng quên rằng chúng ta là một thành viên làm nên sự tốt đẹp cho đất nước nếu như chúng ta sống có trách nhiệm và ngược lại.
Trần Quí Thanh
—–
TPHCM vừa đặt một chân vào “bình thường mới” với nhiều rủi ro hơn và cũng vì thế mà không thể phó mặc cho may rủi trước COVID-19.
Trong dòng ngược xuôi nơi cửa ngõ, số người quay trở lại TPHCM đã ngày một tăng dần. Nhiều tuần lễ trước, khi thành phố chuẩn bị bước vào giai đoạn “bình thường mới” với nhiều ngành nghề được phép tái hoạt động, người lao động các tỉnh, đặc biệt là miền Tây Nam bộ, bắt đầu tiến về thành phố để tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thời điểm đó, để qua được chốt kiểm soát, người dân phải xuất trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, phiếu đã tiêm chủng tối thiểu 1 mũi và thời gian đủ ít nhất 14 ngày sau tiêm hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng. Hội đủ các giấy tờ cần thiết này, người dân được hướng dẫn đến khu vực khai báo di chuyển nội đô. Trường hợp không có điện thoại thông minh, người dân có thể khai báo trực tiếp bằng giấy tại các chốt.
Những ngày gần đây, số lượng người từ các tỉnh trở lại TPHCM làm việc càng tấp nập bởi các hình thức kinh doanh đã được cho phép phong phú hơn, đang chờ đón các nguồn lao động. Thủ tục “nhập cảnh” vào thành phố ngày một thông thoáng cũng đã kích thích người dân tìm về thành phố.
Thành phố cũng sẽ duy trì xét nghiệm trường hợp có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau họng… Đối với người di chuyển đường hàng không và đường sắt sẽ áp dụng quy định riêng.
Có thể thấy, nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới, các quy định phòng dịch vừa nới lỏng, vừa được áp dụng trong bối cảnh các chốt trạm tại cửa ngõ cũng đã được dỡ bỏ. Hiện biện pháp kiểm soát sự tuân thủ chỉ giao phó cho các tổ tuần tra COVID-19 lưu động.
Đối với người lao động, bao gồm công nhân, chuyên gia thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã, khi trở lại thành phố tương đối đáp ứng đủ các điều kiện phòng dịch do đơn vị chủ quản phải chịu trách nhiệm giám sát. Điều đáng lo ngại hiện nay chính là số lượng đông đảo người lao động tự do đang đổ về tăng dần đều lên từng ngày, cùng với tâm lý đang rất chủ quan của người dân thành phố khi đã tương đối “phủ xanh” vắc xin, rõ ràng nguy cơ bùng phát dịch bệnh đang hết sức lớn.
Hồi đầu tuần này, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết cơ quan này thực sự lo lắng nếu người dân chủ quan, dịch có thể bùng phát trở lại. Dù thành phố đang công bố dịch ở cấp độ 2 nhưng hiện số ca mắc mới vẫn đang ở mức 73,5/100.000 dân/tuần, tương đương cấp độ 3. Như vậy, công tác kiểm soát dịch cũng như kế hoạch ứng phó vẫn ở mức nguy cơ cao.
Thận trọng không bao giờ thừa, nhất là trong tình hình khó lường hiện nay. Nên nhớ rằng “bình thường mới” không có nghĩa là an toàn, còn rủi ro là nguy hiểm còn chực chờ.
Một lần nữa, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với các quy định phòng dịch nới lỏng đang đặt cược “thắng thua” trên ý thức người dân. Không có biện pháp kiểm soát tuân thủ nào hiệu quả bằng mỗi người thấy rõ trách nhiệm cá nhân trong “cuộc chiến” còn lâu dài với COVID-19.
Ngoài thực hiện 5K, nhất là các thói quen tốt đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, người dân sống tại TPHCM buộc phải nâng cao ý thức bảo vệ mình và cộng đồng. Ngoài tự giác tuân thủ, bằng cách nhắc nhở nhau thực hiện triệt để các nguyên tắc phòng dịch sẽ giúp thành phố thật sự “khỏe” lại.
TPHCM luôn luôn cần sự chung tay. Người dân tại các tỉnh trở về cần chủ động khai báo y tế, thông tin cho chính quyền địa phương nơi cư trú để được hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định. Ngoài bảo đảm ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh, việc khai báo, thông báo đó của người lao động trở lại còn giúp chính quyền thành phố nhanh chóng thực hiện trách nhiệm tiêm vắc xin cho những ai chưa được tiêm đầy đủ tại tỉnh nhà.
Trong những ngặt nghèo vừa qua, từng người dân thành phố chỉ mong muốn cuộc sống trở lại bình thường. Mong muốn đó đang ở ngay trước mắt. Khi tươi sáng hơn càng thấy trách nhiệm của Nhà nước lẫn nhân dân cần phải được tổng hòa.
TPHCM vừa đặt một chân vào “bình thường mới” với không ít những khấp khởi lẫn quan ngại. “Bình thường mới” vốn đã nội hàm những cảnh báo về rủi ro dịch bệnh vẫn hiển hiện và cũng vì thế mà không thể phó mặc cho may rủi trước COVID-19. Tình trạng, hoàn cảnh sống mới không có chỗ cho thái độ chủ quan, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Ý thức người dân đã, đang và sẽ quyết định “sức khỏe” của thành phố.
NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: “Bình thường mới”…
https://www.phunuonline.com.