Diễm Ngọc/ Báo DĐDN
—–
Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, cố gắng chạy nước rút, bứt phá để bù đắp những thiệt hại của năm 2021.
Có nhiều ý kiến cho rằng, đại dịch COVID đã đè nén doanh nghiệp như một chiếc lò xo bị ép sát, cho nên khi bung lên sẽ có sức bật rất mạnh.
Về lý thuyết là vậy, nhưng có lực để bung hay không lại là chuyện khác. Doanh nghiệp muốn phục hồi thì phải có vốn, không có tiền làm ăn sao đặng.
Tiền lúc này phải đến được với người dân, doanh nghiệp thông qua các gói hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả. Tiền đến sớm một ngày thì doanh nghiệp hoạt động sớm hơn được một ngày.
Nói như ông Nguyễn Thiện Nhân tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 9.11: “Ta hình dung đoàn tàu kinh tế TPHCM còn nguyên toa tàu, lái tàu và đường ray, 92% nhân viên ở các toa tàu. Như vậy cần kinh phí để mua dầu cho đoàn tàu chạy trở lại”.
Sự ví von đoàn tàu cần “dầu” để chạy của ông Nguyễn Thiện Nhân làm mát lòng doanh nghiệp, và ông còn đề xuất cần có chính sách cho doanh nghiệp vay vốn với mức bình quân khoảng 5 tỉ đồng/doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể cho vay 25 triệu đồng.
Có tiền doanh nghiệp mới tái sản xuất kinh doanh, có tiền thì người dân sẽ tăng tiêu dùng, ngăn chặn đà suy giảm và kích thích nền kinh tế phát triển.
Đề xuất của ông Nguyễn Thiện Nhân rất đáng nghiên cứu, nhưng cần bổ sung thêm chính sách cho các doanh nghiệp lớn và các tập đoàn vay nguồn vốn lớn đủ để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Vào lúc này, rất cần có chính sách tài khóa phù hợp để tạo ra các nguồn lực đủ mạnh cho “lò xo” bật mạnh lên.
Trần Quí Thanh
—–
Theo các chuyên gia, mở rộng chính sách tài khóa giúp tăng tổng cầu, khôi phục sức dân sẽ hỗ trợ khôi phục sức khoẻ doanh nghiệp, tạo đà hồi phục kinh tế cho năm 2022 và những năm tiếp theo.
“Một nền kinh tế đang yếu như vậy, thì trong ngắn hạn, không thể không tăng tổng cầu, mà muốn tăng thì ngân sách phải chi ra, nhưng vấn đề là chi bao nhiêu, chị thế nào và chỉ cho ai. Như vậy, Nhà nước hãy chi tiền cho người bị tác động nặng nề, nhất là khu vực người lao động chính thức và cả phi chính thức. Trong đó, không dùng cơ chế xin cho, mà phải phát tiền mặt để người dân tiêu dùng, từ đó sẽ đồng thời tăng cầu và khôi phục sức dân, giúp khôi phục sức khoẻ doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất.
“Có thể nói, chúng ta vẫn chưa làm gì cả, với các gói hỗ trợ vài chục nghìn tỷ đồng, hay hỗ trợ mỗi một người lao động mất việc từ 1,8 – 2 triệu đồng trong suốt 11 tháng qua là không thấm vào đâu”, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá.
“Có thể thấy rằng, các quốc gia đã làm nhiều biện pháp để giữ hệ thống tài chính, giữ lực lượng lao động và giữ được các tập đoàn doanh nghiệp lớn ổn định, đó mới là trụ cột để phục hồi kinh tế.Khi nghiên cứu kỹ hơn, tôi thấy rằng cả ba khu vực này, Chính phủ của các nước đều công bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với vấn đề tài chính. Trong khi cấu trúc tài chính của Việt Nam đến nay vẫn không có hạng mục nào về chống dịch bệnh. Ngay cả đến năm nay, khi công bố ngân sách Quốc hội thông qua cho năm 2022 cũng không có một hạng mục nào cho chống dịch và gần như giữ ở trạng thái bình thường. Từ đó để thấy rằng, chúng ta đang thiếu một cơ quan hoạch định các trường hợp khẩn cấp và những điều luật để xử lý các trường hợp khẩn cấp như thế nào”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Đã chi hơn 29.000 tỷ đồng cho công tác chống dịch
Thực hiện các chủ trương của Chính phủ, thời gian qua Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng cường phối hợp trong quản lý và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô, thể hiện rõ qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tiền tệ, phối hợp tài khóa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Điển hình là các chính sách miễn, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, các loại phí, lệ phí,… Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã thực hiện miễn giảm, gia hạn khoảng 27.500 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết 9 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước đã chi hơn 29.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Gần nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành đã ban hành một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch, gọi là gói miễn giảm thuế trị giá hơn 20.000 tỷ đồng và đang nghiên cứu chương trình kích thích kinh tế giai đoạn mới. |
NGUỒN: Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Link bài: Mở rộng…