Phương Nga/ Báo KTĐT
Với điểm mạnh là sự linh hoạt và thích ứng nhanh trong mọi hoàn cảnh, statup Việt đã biến nguy thành cơ, trở mình nắm bắt các xu hướng mới trong đại dịch. Tuy nhiên, để đi được đường dài, startup nên phát triển theo hướng nào là câu hỏi khó được nhiều người quan tâm hiện nay.
Nhanh nhưng không nóng vội
Điểm mạnh của startup chính là sự linh hoạt và thích ứng nhanh trong mọi hoàn cảnh. Chính vì vậy, dù trong khó khăn, các startup luôn có cơ hội trở mình nếu nhanh chóng nắm bắt xu hướng mới với tư duy mới, cách làm mới. Nhiều startup đã thành công, biến nguy thành cơ. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay số lượng DN thành lập mới với số vốn đăng ký lớn tăng mạnh. Cụ thể, số DN có vốn đăng ký từ 10 – 20 tỷ đồng tăng gần 25%; DN có vốn đăng ký 20 – 50 tỷ đồng tăng gần 17%; DN có vốn đăng ký 50 – 100 tỷ đồng hơn 36% và DN có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng tăng gần 53%.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), startup là những DN đưa ra nhiều giải pháp ngay trong bối cảnh đại dịch, giải quyết được các vấn đề tồn tại trong xã hội trong thời điểm này. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, bản thân các DN vừa khởi sự phải xác định được đường hướng cụ thể của DN mình. Bởi bài toán đặt ra ở thì hiện tại sẽ khác với bài toán trong tương lai. DN thay vì phát triển bùng nổ nhanh chóng nắm bắt cơ, thì hãy tập trung phát triển giá trị cốt lõi đi đường dài hướng tới mục tiêu bền vững.
FoodHub là một startup công nghệ cung cấp giải pháp thương mại điện tử dành cho thực phẩm sạch. Nếu như trước dịch Covid-19, ứng dụng này chỉ có 18.000 lượt người dùng, thì sau 2 tuần giãn cách xã hội, lượng người dùng của ứng dụng đã tăng trưởng 300%. Tuy vậy, theo chia sẻ của founder FoodHub Nguyễn Xuân Vinh, đơn vị này không chọn tăng trưởng nóng là tôn chỉ. Startup này chọn phương châm “Chậm, chắc, chất lượng trên từng đơn hàng, giữ chân người dùng lâu dài mới là tôn chỉ lớn nhất”.
Theo đó, một mặt phát triển nâng cấp ứng dụng, founder FoodHub cũng đặc biệt chú ý tới dịch vụ và chất lượng sản phẩm. Người mua chỉ cần lên ứng dụng đặt mua sản phẩm mình cần và chỉ sau 2 giờ, sản phẩm sẽ được giao tới tận nhà.
Đứng ở góc độ một nhà đầu tư trong đại dịch, Lê Hoàng Uyên Vi – Chủ tịch quỹ đầu tư Do Ventures chỉ ra, nếu DN đi nhanh bằng cách đốt tiền để lấy khách hàng thì tăng trưởng nhanh, nhưng khi thị trường biến động thì các nhà đầu tu có xu thế thận trọng hơn trong việc đầu tư mạo hiểm. Khi đó, nguồn đầu tư vào các dự án đó cũng giảm xuống. Thay vào đó, các startup cần tập trung vào giá trị cốt lõi nhiều hơn, thay vì tạo ra mô hình mua bán đơn thuần. Điều này sẽ giúp DN phát triển bền vững trong lâu dài. Bởi nếu chỉ tăng trưởng nóng thì sẽ rất dễ chạm trần và không thể tăng trưởng nhanh trong những năm sau đó.
Sẵn sàng sống chung lâu dài với dịch
Hiện nay dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa thể dự báo chính xác đến khi nào mới có thể kiểm soát triệt để. Do đó, startup ngoài giải các bài toán trước mắt còn cần phải xây dựng kịch bản sống chung với dịch lâu dài.
Chia sẻ về kinh nghiệm sống chung với dịch, Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, từ khi dịch bệnh mới bùng phát, tập đoàn đã có nhiều thử nghiệm, đưa ra nhiều biện pháp để đảm bảo sự tồn vong của DN. Từ kinh nghiệm và nền tảng công nghệ sẵn có, FPT đã xây dựng gói giải pháp giúp DN giải quyết vấn đề đang gặp phải trong giai đoạn mở cửa hậu giãn cách.
Và giải pháp “DN xanh” được ví như vaccine công nghệ trong bình thường mới, hỗ trợ DN phát hiện, báo cáo và ứng phó với nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn trong đội ngũ nhân viên, giúp vận hành, điều phối, đảm bảo an toàn và ổn định môi trường làm việc. Lãnh đạo FPT tin rằng, công nghệ chính là chìa khóa mở cửa “bình thường xanh” để các DN tồn tại và phát triển bất chấp mọi tình huống có thể xảy ra.
Quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Khoa học công nghệ (Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo) Trần Vũ Tuấn Phan cho biết, quan điểm sống chung với dịch đã và đang được các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa thành những chính sách, biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội trong thời gian qua. Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục đặt ra những thách thức y tế và kinh tế – xã hội chưa có tiền lệ, nên đòi hỏi chúng ta cũng phải có tư duy, cách làm và nỗ lực chưa có tiền lệ, để vượt qua, phục hồi và tiếp tục phát triển.
Các DN cần thực hiện 2 mục tiêu then chốt là thích nghi an toàn với môi trường có dịch bệnh và phục hồi sản xuất, đảm bảo sinh kế của người dân. Cùng với đó, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã trưởng thành hơn, hành lang pháp lý được hoàn thiện và có những bước tiến rất lớn, đây là điểm tựa cho các startup.
NGUỒN: Theo Báo Kinh Tế Đô Thị
Link bài: Start up làm gì….
https://kinhtedothi.vn/startup-lam-gi-de-song-chung-voi-dich-440500.html