Song Nghi/ Báo TBKTSG
Cách đây vài ngày, một người dân ở xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã bỏ công đi lại chờ đợi cả buổi để nhận chỉ 2.000 (hai ngàn) đồng tiền hỗ trợ thiệt hại do bão số 6 và 9 năm 2020. Ông chủ tịch UBND xã thừa nhận điều này không hợp lý nhưng cho biết phải làm đúng quy định “chứ giờ biết sao được?”.
Lẽ ra, chỉ cần một động tác thông báo trực tiếp, người dân sẽ không phải mất công như vậy.
Trả lời báo chí, ông chủ tịch UBND xã Tam Vinh xác nhận việc người dân trên nhận tiền hỗ trợ 2.000 đồng là có thật. Và không riêng trường hợp người dân nói trên, trong tổng số 588 trường hợp ở xã này được nhận hỗ trợ thì có đến 31 trường hợp số tiền nhận được dưới 10.000 đồng.
Lý giải về số tiền hỗ trợ chỉ vài ngàn đồng, phía chính quyền xã cho biết, tiền hỗ trợ thiệt hại do bão được chính quyền xã kiểm tra và lập danh sách theo kê khai của người dân. Mức hỗ trợ theo quy định là 4 triệu đồng/héc ta (10.000 mét vuông) cho cây công nghiệp, cây ăn trái bị thiệt hại hơn 70%. Trường hợp của người dân nhận tiền hỗ trợ 2.000 đồng là do chỉ hư hại một cây chuối với diện tích thiệt hại chỉ vài mét vuông(*).
Vị chủ tịch UBND xã cho biết “cứ diện tích thiệt hại ra sao thì mức hỗ trợ bấy nhiêu, xã làm theo đúng quy định. Ít thì nhận ít, thiệt hại nhiều thì họ nhận nhiều chứ giờ biết sao được”. Chính quyền xã cũng cho biết, trước khi nhận tiền, xã đã niêm yết cho người dân được biết tại nhà văn hóa thôn. Dù thừa nhận việc ngồi chờ một buổi mà chỉ nhận mấy ngàn đồng “thì thấy cũng khó cho dân thật” nhưng phía xã vẫn cho rằng họ phải làm đúng theo quy định nhà nước.
Một vụ “làm đúng quy định” khác dù biết sẽ làm phiền người dân là việc cấp giấy đi đường tại Hà Nội hồi tháng 9 vừa qua. Trong giai đoạn chống dịch Covid-19 căng thẳng nhưng các cửa hàng thuốc ở phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) lại không được cấp giấy đi đường để nhân viên họ đi giao thuốc trị bệnh mà người dân cần mua.
Trao đổi với báo Lao Động, ông chủ tịch UBND phường cho biết ai cũng hiểu cửa hàng thuốc là thiết yếu. Kể cả khi các doanh nghiệp khác phải tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch thì hiệu thuốc vẫn được mở cửa. Tuy biết rõ như vậy nhưng vị chủ tịch UBND phường này vẫn từ chối cấp giấy đi đường cho nhân viên hiệu thuốc với lý do “văn bản của Công an thành phố ban hành và hướng dẫn như vậy (tức là không có liệt kê hiệu thuốc trong danh sách) rồi, chúng tôi khó làm trái”(**).
Đúng là mọi việc đều đúng quy định, nhưng nếu cán bộ xã linh hoạt hơn, vẫn có cách để tránh phiền hà cho người dân, mà trong trường hợp ở xã Tam Vinh là 31 người. Khi gởi thông báo mời nhận tiền hỗ trợ, chính quyền xã chỉ cần ghi rõ số tiền sẽ nhận trên giấy mời. Như vậy, các trường hợp thiệt hại quá nhỏ như 31 hộ có mức hỗ trợ dưới 10.000 đồng nói trên sẽ cân nhắc có cần đi hay không, đỡ phải tốn thời gian đi lại và chờ đợi.
Hay trường hợp của hiệu thuốc ở Hà Nội, nếu chính quyền phường dám chịu trách nhiệm với việc làm đúng như họ nói – “ai cũng hiểu cửa hàng thuốc là thiết yếu” – thì những người dân cần thuốc trị bệnh trong phường sẽ không phải gánh chịu tình trạng bệnh tật hành hạ mà không mua được thuốc trị bệnh.
Đúng quy định, đúng quy trình nhưng người dân bị phiền hà thì có thể nói thẳng, đó là cái đúng vô nghĩa!
——————————
(*) https://tuoitre.vn/mot-nguoi-o-quang-nam-nhan-ho-tro-thiet-hai-do-bao-voi-so-tien-2-000-dong-20211126094940772.htm
(**) https://laodong.vn/kinh-te/biet-cua-hang-thuoc-la-kinh-doanh-thiet-yeu-van-khong-dam-cap-giay-di-duong-950776.ldo
NGUỒN: Theo Thời báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Không sợ….